Với hệ thống luật sư thuế ma mãnh đứng sau, các tập đoàn đa quốc gia không ngại chơi bẩn khi tìm cách tránh thuế, nhưng chơi bẩn với khách hàng của mình thì không đời nào. Phương pháp của họ là tìm kiếm thỏa thuận bí mật với những khoản tiền không được tiết lộ, có thể lên đến hàng triệu đô la.

Tân Hiệp Phát trả giá vì chơi bẩn với khách hàng

Từ những người khổng lồ….

Hãy bắt đầu câu chuyện này với người khổng lồ Google. Tại Anh, trong năm 2011, lợi nhuận thu về của Google UK là 3.2 tỷ bảng nhưng bằng cách này hay cách khác, tiền thuế thu nhập doanh nghiệp mà công ty này nộp lại cho chính phủ Anh chỉ là 6 triệu bảng (tương đương 0.187%).

Không chấp nhận điều vô lý này, một cuộc điều tra đã diễn ra mà tiêu biểu nhất là những cuộc điều trần giữa Google với một hội đồng do bà Margaret Hodge–Chủ tịch Ủy ban tài chính công Hạ Viện Anh đứng đầu trong suốt năm 2015.

Trong những cuộc tranh luận gay gắt với Google UK, đặc biệt có một đoạn tiêu biểu sau:

Margaret Hodge: Cái gì thực sự diễn ra khi những người Anh bình thường sử dụng google hằng ngày - họ đang đóng góp cho công việc làm ăn của các ngài. Đó là hành vi mang tính kinh tế. Tôi sử dụng Google, tất cả mọi người ngồi quanh cái bàn này sử dụng google, họ đóng góp vào lợi nhuận của các ngài và họ nhận thấy không có sự công bằng thật sự khi các ngài thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập doanh nghiệp.

{keywords}
Ảnh minh họa:commons.vikimedia

Google UK: Giống như bất kỳ doanh nghiệp nào, chúng tôi đòi hỏi phải thực hiện hai điều. Thứ nhất, là phải tuân thủ pháp luật. Khi xây dựng một chiến lược kinh doanh quốc tế, phải cân nhắc làm sao để tổ chức và bảo vệ tài sản của mình trên toàn thế giới. Thứ hai, là quản lý chi phí của chúng tôi một cách hiệu quả, thỏa mãn các cổ đông…(bị ngắt lời)

Margaret Hodge: Vậy cho nên các ngài tránh thuế đến mức tối đa, cho dù điều đó hoàn toàn là không công bằng với những người đóng thuế khác ở Anh? 

Google UK: Không, nó hoàn toàn không phải là không công bằng. Chúng tôi đã đóng đầy đủ các loại thuế mà pháp luật đòi hỏi, chúng tôi đã nộp 6 triệu bảng tiền thuế..(bị ngắt lời)

Margaret Hodge: Đúng rồi, có lẽ vậy, nhưng chúng tôi không phải đang buộc tội  rằng các ngài vô pháp luật, chúng tôi đang buộc tội công ty của các ngài là vô đạo đức.

Khái niệm doanh nghiệp “vô đạo đức” bà Margaret Hodge nêu ra đã trở thành nguồn cảm hứng cho những cuộc tranh luận giữa các chuyên gia thuế quốc tế trên khắp thế giới. Sau đó, thuật ngữ “google tax” xuất hiện phổ biến ám chỉ những chiến lược thuế nhằm chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, trốn thuế thu nhập doanh nghiệp “vô đạo đức” đến tận cùng.

Sự thật là hiện tại pháp luật chưa đủ sức để ngăn cản hành vi tránh thuế của những người khổng lồ đa quốc gia. Và không có người khổng lồ nào không vận dụng luật để tránh thuế. Và đây là một câu chuyện phức tạp xin được nói đến ở bài viết khác.

Điều đáng chú ý ở đây là một đòi hỏi khác của xã hội đối với doanh nghiệp, không phải chỉ là chơi đúng luật, mà còn một điều nữa: hãy cư xử có đạo đức với khách hành– những người tạo ra thu nhập cho mình.

Google lẽ ra phải nhớ bài học của cà phê Starbucks. Hãng đồ uống khổng lồ đã phải “xin nộp thuế” bổ sung 10 triệu bảng năm 2013 và thêm 10 triệu bảng nữa năm 2014 nhằm xoa dịu các làn sóng biểu tình của người Anh đòi tẩy chay nhãn hiệu cà phê nổi tiếng đã có 5 năm tránh thuế ở đất nước mình.

Đến vụ Number 1 có ruồi

Ở Việt Nam vừa có một doanh nghiệp lập kỷ lục 5 lần đưa khách hàng… vào tù thành công. Kịch bản lặp đi lặp lại qua bốn bước đó là: phát hiện sản phẩm lỗi, được đề nghị thương lượng, nhận tiền để đổi lấy sự im lặng và bị bắt.

{keywords}

Giây phút bị cáo Minh được gặp con trai - Ảnh: Hoàng Điệp/Tuổi Trẻ.

Trên thế giới không khó để tìm lại những câu chuyện doanh nghiệp thực phẩm phải bồi thường những khoản tiền khổng lồ cho khách hàng khi sản phẩm của họ bị phát hiện có vấn đề, đó là Coca-cola, Pepsy, Subway, thậm chí cả McDonald’s. Công ty đồ ăn nhanh nổi tiếng này đã phải bỏ ra 480 nghìn đô la vì một bà cụ đã kẹp cốc cà phê giữa hai chân, mở nắp, cho thêm đường rồi vô tình làm đổ ra chân và tự làm bỏng mình.

Ai cũng biết, với một hệ thống luật sư thuế ma mãnh, đầy mưu mẹo đứng sau, các tập đoàn đa quốc gia không ngại chơi bẩn khi tìm cách tránh thuế đến tận cùng. Nhưng chơi bẩn với khách hàng của mình thì không đời nào. Phương pháp của họ là tìm kiếm thỏa thuận bí mật với những khoản tiền không được tiết lộ, có thể lên đến hàng triệu đô la. Hơn ai hết, những người khổng lồ này hiểu rằng: dùng có lớn mạnh đến đâu, trái đạo đức với khách hàng thì chẳng khác gì tự bắn vào chân mình.

Khi pháp luật còn lỗ hổng…

Khi pháp luật còn lỗ hổng thì người tiêu dùng sẽ có cách của mình. Câu chuyện Starbucks phải xin nộp thuế trước cao trào tẩy chay của người tiêu dùng Anh là một bài học còn nguyên giá trị.

Những thanh niên Anh, những người ý thức rất rõ quan hệ giữa người tiêu dùng, doanh nghiệp và chính quyền thông qua luật thuế đã xuống đường với một biểu ngữ đáng nhớ “They’re our buck, not starbucks– close tax loopholes!” – “ Tiền của chúng tôi, không phải là tiền trên trời -bịt các lỗ hổng luật thuế lại!”. Đó là thông điệp người dân gửi trước tiên đến Starbucks rằng hãy cư xử có đạo đức với những người tạo nên doanh thu của họ và sau đấy là nhắn đến đến chính quyền: hãy biết chọn phe mà bảo vệ.

Quay lại với vụ Vụ Number 1 có ruồi, những diễn biến cuối tuần qua cho thấy, hẳn rằng doanh nghiệp Việt Nam được nhắc đến ở trên, dù đã biết vận dụng những điểm chưa rõ ràng của pháp luật một cách rất “ruồi” nên đã bắt đầu biết lo. Vì người tiêu dùng đã cho họ thấy một sức mạnh khác, một sức mạnh có thể khiến những người khổng lồ cũng phải e sợ.

Bùi Phú Châu,  trường Luật Westminster – London – Vương Quốc Anh.