Nếu kinh tế đất nước chậm phát triển, thì mục đích tốt đẹp của thể chế (dân giàu, nước mạnh) không thể thực hiện được.

Kỳ 1: Kinh tế thị trường có thể đi cùng XHCN?

LTS: Mới đây, tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh thành sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 20011-2015 và triển khai kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ Chính phủ đang hướng đến xây dựng một Chính phủ kiến tạo. Không khó để thấy, những chỉ đạo của ông gần đây đều cho mục tiêu này.

Chúng ta cần phải làm những gì để tiếp sức cùng Thủ tướng xây dựng một Chính phủ kiến tạo là câu hỏi đang thu hút sự quan tâm của công luận. Với trách nhiệm thông tin trung thực và đa chiều, Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của tác giả Mộc Linh, mời quí vị độc giả cùng đọc và thảo luận thêm.

Trong phần 2 của bài viết, tác giả Mộc Linh cho rằng, khi nghiên cứu về mô hình kinh tế này cần lưu ý:

Một là, khi nghiên cứu cần tránh những quan niệm sai lầm như:

(1) CNXH chỉ gắn liền với kinh tế kế hoạch hóa, bao cấp. Trước đây, Lenin đã đề ra chính sách kinh tế mới (NEP), theo đó nhà nước cho phép một số thị trường được tồn tại, kinh doanh tư nhân nhỏ được cho phép, nhưng khi Lênin mất, Stalin đã xóa bỏ NEP, xây dựng mô hình kinh tế kế hoạch.

(2) KTTT chỉ gắn liền với CNTB, còn CNXH thì không. Nên nhớ KTTT là trí tuệ chung của nhân loại.

(3) Sợ bị chụp mũ là suy thoái chính trị khi đưa ra các khái niệm khoa học trái với quan điểm chính trị truyền thống hoặc lấy quan điểm chính trị để dẫn dắt kết quả nghiên cứu khoa học nhằm an toàn dẫn đến bế tắc trong nghiên cứu.

Hai là, khi xem xét, nghiên cứu cái mới mà đánh giá, nhìn nhận cái mới bằng tư duy cũ thì không thể tìm ra, thậm chí không nhận ra cái mới, dẫn tới vội chỉ trích, hoặc là chỉ hùa theo chứng minh, bảo vệ cái mới một cách miễn cưỡng.

Một số biểu hiện cụ thể: Lấy tư duy cũ (CNXH bắt buộc phải có đặc điểm: Xóa bỏ tư hữu, thiết lập chế độ sở hữu công đối với tư liệu, phương tiện sản xuất; Nguồn lực nhà nước được quản lý, phân bổ theo kế hoạch tập trung của nhà nước, sản xuất theo mệnh lệnh hành chính) để xét rằng áp dụng KTTT là hoàn toàn trái qui luật, hoặc nhận thức không đầy đủ (KTTT là để hoàn toàn thị trường tự do quyết định) nếu thêm vào định hướng XHCN sẽ bị lệch lạc.

{keywords}
Nếu kinh tế đất nước chậm phát triển, thì mục đích tốt đẹp của thể chế (dân giàu, nước mạnh) không thể thực hiện được. Ảnh minh họa: DNSG

Ba là, tìm ra một mô hình kinh tế mới thì chắc chắn đó phải là mô hình chưa có nên thường gặp cam go, thử thách, thậm chí bị chỉ trích, đấu tranh.

Bốn là, khi nghiên cứu có đủ cơ sở khoa học và có cách tiếp cận đúng thì sẽ tìm ra cái mới. Cụ thể, nếu chúng ta hiểu rõ được KTTT, biết kế thừa các giá trị phổ quát của nó và tìm ra cách hạn chế các khuyết tật của nó thì sẽ tìm ra mô hình kinh tế mới có tính kế thừa KTTT.

Năm là, người nghiên cứu không nên chỉ chú tâm Mác nói thế này, thế kia mà cho rằng kinh tế của CNXH phải thế này, thế kia. Bởi vì, hoàn cảnh KT - CT - XH hiện khác với thời của Mác, khi nghiên cứu phải xem cái nào hợp lý, cái nào không còn phù hợp trong điều kiện hiện nay để bổ sung, tổng kết đưa ra cái mới. Như vậy, lý thuyết của Mác về kinh tế mà ta đang triển khai áp dụng mới có sức sống và hiệu quả.

Sáu là, KTTT là một mô hình kinh tế, nó là sự lựa chọn phương thức kinh tế của quốc gia, còn định hướng CNXH là mục tiêu, mục đích đề ra của đảng cầm quyền đối với xã hội hay còn gọi là tính trách nhiệm của Đảng cầm quyền. Nói một cách hình tượng, KTTT là cách kiếm tiền, định hướng XHCN là cách sử dụng đồng tiền, nên không thể có mâu thuẫn giữa KTTT và định hướng XHCN, hai cái là độc lập, quan hệ tương hỗ được nhà nước kết hợp, vận dụng.

Bảy là, thế giới công nhận Việt Nam là nền KTTT đầy đủ dựa trên cách hiểu của họ về bản chất của nền kinh tế Việt Nam, chứ không phải theo tên gọi. Do vậy, không nên suy nghĩ giản đơn là, Nhà nước ta đang kêu gọi các nước công nhận là nước có nền KTTT đầy đủ thì từ Hiến pháp đến các văn bản của Đảng, Nhà nước không nên gọi nền kinh tế nước ta là KTTT định hướng XHCN.

Kinh tế nhà nước nên giữ vai trò, vị trí như thế nào trong mô hình KTTT định hướng XHCN

Từ những trải nghiệm thực tiễn rút ra sau 30 năm ĐỔI MỚI, nhiều ý kiến cho rằng, không nên xác định vị trí của các thành phần kinh tế trong các văn bản của Đảng, Nhà nước. Có rất nhiều bài học thấm thía trong ngần ấy thời gian buộc chúng ta phải dám nhìn ra và tránh vấp lại trong hành trình phía trước.

1. Người ta lo ngại Nhà nước sẽ tiếp tục can thiệp sâu vào thị trường, nhất là việc lại tập trung phân bổ các nguồn lực cho DNNN để thành phần kinh tế này cùng với kinh tế nhà nước có khả năng chiếm vị trí chủ đạo trong nền kinh tế. Và điều này có hai lệ lụy, một mặt đa phần các nguồn lực của dân tộc như đất, vốn, tài nguyên, kể cả chính sách sẽ tiếp tục chảy mạnh vào DNNN, mà điều này dễ dẫn tới tiêu cực, lãng phí như thời gian qua; mặt khác doanh nghiệp ngoài nhà nước không được hỗ trợ cần thiết, khó có cơ hội phát triển (Tập đoàn Sam Sung, Hàn Quốc, khó có thể giàu mạnh được như hiện nay nếu không được nhà nước ưu đãi các khoản vay và chính sách). Để rồi chúng ta lại tiếp tục giật mình khi đội ngũ doanh nghiệp dân doanh trong nước quá yếu, yếu hơn cả khối FDI.

2. Cần phải khách quan qui luật cạnh tranh (một trong những qui luật cơ bản của KTTT), qui luật mà ai cung cấp được hàng hóa, dịch vụ có chất lượng, hiệu quả người đó sẽ tồn tại, phát triển; phủ nhận tính bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

3. Nhà nước nên sử dụng chính sách, pháp luật là phương thức điều tiết chính của mình, hạn chế điều tiết bằng kinh tế nhà nước, phải trả chức năng cạnh tranh, tự điều chỉnh về cho bàn tay thị trường.

4. Giả sử kinh tế nhà nước chiếm được vị trí chủ đạo trong nền kinh tế như ý chí của Đảng, Nhà nước, nhưng nếu kinh tế đất nước chậm phát triển, thì mục đích tốt đẹp của thể chế (dân giàu, nước mạnh) có thực hiện được không? Nên chăng kinh tế nhà nước giữ vai trò hỗ trợ và điều tiết nền kinh tế sẽ hiệu quả hơn.

5. Bài học từ láng giềng. Trong tất cả các nước hùng cường, không nước nào chọn kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, thay vào đó là sự lớn mạnh của các tập đoàn tư nhân. Thực tế thì, các vị Chủ tịch HĐQT hay Tổng Giám đốc (những người định hướng, điều hành, quản lý, quyết định sự phát triển, thất bại của doanh nghiệp) trong DNNN cũng chỉ là người đi làm thuê cho nhà nước, hết nhiệm kỳ họ không còn sở hữu nữa nên hiếm có ai tận tâm, tận lực vào doanh nghiệp đó, trong khi đó với các doanh nghiệp dân doanh thì ngược lại.

6. Căn cứ vào thực tế tỷ lệ đóng góp cho nền kinh tế của khối doanh nghiệp không phải nhà nước là rất lớn (năm 2013 là 67,6% tỷ trọng GDP)[4]. Mặt khác, chúng ta đang lo ngại khi khối doanh nghiệp FDI ngày càng có tỷ trọng cao hơn[5]. Doanh nghiệp FDI mạnh là điều tốt, nhưng vượt cả các khối doanh nghiệp còn lại thì nền kinh tế chưa thực sự vững mạnh, ổn định, bởi vì khi điều kiện kinh tế, chính trị thay đổi, khối FDI rút về nước hoặc chuyển sang nước thứ 3 là kinh tế nước ta bị hụt hẫng ngay lập tức. Doanh nghiệp dân doanh trong nước có thể chiếm vị trí chủ đạo trong nền kinh tế, điều này giống như trong đấu tranh thống nhất đất nước  khi chúng ta từng xác định tự lực gánh sinh là chính, tranh thủ hỗ trợ quốc tế. Nhưng chúng ta cũng không nên xác định vị trí của các thành phần kinh tế trong các văn bản của Đảng, Nhà nước.

7. Cũng thực tiễn cuộc sống đã đúc kết rằng, nếu hệ thống doanh nghiệp dân doanh giàu mạnh thì dân giàu và dĩ nhiên nước sẽ mạnh. Do vậy, một nước mạnh đâu nhất thiết cứ phải có kinh tế nhà nước mạnh.

Một số góp ý về KTTT định hướng XHCN

Mô hình KTTT định hướng XHCN cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cả về lý luận và thực tiễn. Từ những ý kiến trên, theo tôi mô hình này cần được hiểu, nghiên cứu, xây dựng và thực hiện với một số vấn đề cơ bản sau:

1. Phải tuân theo những nguyên tắc cơ bản của KTTT hiện đại, không được nửa vời, biến tướng; tôn trọng các qui luật cạnh tranh, tự điều chỉnh của thị trường.

2. Để định hướng XHCN trong KTTT thì nhà nước phải từng bước xây dựng tiêu chuẩn an sinh, phúc lợi phổ cập cho người dân và đảm bảo sự công bằng tương đối về xã hội và tổ chức thực hiện bằng được. Người dân phải được thụ hưởng những giá trị cụ thể này, chứ không nên trừu tượng. Từng bước nâng cấp, bổ sung giá trị các tiêu chuẩn cung cấp cho nhân dân;

3. Luật hóa sự can thiệp, điều tiết của nhà nước vào kinh tế; qui định cụ thể nguyên tắc, phạm vi, mức độ can thiệp, điều tiết của nhà nước vào kinh tế;

4. Luật hóa sự phân phối thu nhập xã hội; qui định cụ thể nguyên tắc, đối tượng, tỷ lệ của các đối tượng trong các điều kiện cụ thể của việc phân phối thu nhập;

Việc luật hóa 02 vấn đề can thiệp, điều tiết và phân phối phúc lợi xã hội đã nằm đơn lẻ trong một số luật, nhưng chưa có bộ luật chung về vấn đề này. Đây là việc chưa có quốc gia nào làm, nhưng cần từng bước nghiên cứu, xây dựng. Làm được điều này, cơ quan nhà nước rất khó lạm quyền, chỉ thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ mà người dân giao (chỉ được can thiệp hoặc phân phối thu nhập theo nội dung luật qui định cho phép được làm), đồng thời tạo điều kiện cho xã hội dễ giám sát. Về mức độ, tỷ lệ của việc can thiệp hay phân phối thu nhập cần thay đổi theo tình hình kinh tế xã hội của đất nước trong từng giai đoạn. Những nội dung này có thể tổ chức trưng cầu dân ý để xác định ý nguyện của người dân.

5. Phải làm bằng được việc hầu hết cán bộ công chức hiểu được trách nhiệm lớn nhất của công chức là kiến tạo cho doanh nghiệp, người dân làm ăn, sinh sống, không phải quản lý, can thiệp.

Mộc Linh