Lòng người khởi ra sự tin tưởng, trí tuệ minh bạch cùng sự nhạy cảm nắm bắt cơ hội là những tiền đề để có sự may mắn, nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ với Góc nhìn thẳng.

Xem thêm các đối thoại khác tại chuyên mục Góc nhìn thẳng

Tết đến, Xuân về, người Việt Nam gặp nhau bao giờ cũng cất lời chúc đầu tiên là may mắn, tốt lành. Những phong tục truyền thống trong ngày Tết như mua đào, mai, quất, bày mâm ngũ quả, xông đất, lì xì mừng tuổi, mua muối, đi lễ chùa, hái lộc, xin chữ đều luôn hướng về sự may mắn, phước lành.

Chuyên mục Góc nhìn thẳng của báo điện tử VietnamNet mời quý vị lắng nghe những chia sẻ của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam về sự may mắn ngày Xuân.

Mời bạn đọc theo dõi cuộc trao đổi tại clip dưới đây:

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa nhà văn, đối với ông, ông quan niệm như thế nào là sự may mắn?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi nghĩ là may mắn có cả hai phía. Một phía đến từ khách quan, một phía đến từ chủ quan của chúng ta nữa. Sự may mắn là một điều kiện tốt đẹp, đến để cho con người có thể từ đó đạt được những nguyện vọng, mong muốn và những điều, mục đích mà mình muốn đạt đến.

Trong quan niệm như vậy, chúng ta có thể đón nhận và gặp được sự may mắn thường xuyên trong chính công việc, trong chính cuộc sống của mình. Tôi nghĩ là như vậy.

Nhà báo Phạm Huyền: Đối với ông, sự may mắn đóng vai trò quan trọng như thế nào trong đời sống con người?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi luôn nghĩ rằng, sự may mắn, ai cũng cầu mong điều đó, mong muốn điều đó. Sự may mắn đến nghĩa là tạo cho con người đó một điều kiện, một cơ hội, thậm chí là một lý do để người ta có thể thực hiện tốt nhất điều mà người ta mong muốn trước đó.

Đôi khi, sự may mắn này là một tác động của khách quan mà khi chúng ta đã chuẩn bị mọi điều kiện tốt đẹp nhất rồi, nhưng nếu thiếu đi một sự may mắn, có thể sự chuẩn bị đó cũng sẽ không thể giúp chúng ta thực hiện trọn vẹn những điều ta muốn.

May mắn như một sự cộng thêm, làm phong phú thêm, như một tác nhân tác động vào làm cho sự chuẩn bị và cố gắng của chúng ta đạt hiệu qủa tối đa như chúng ta mong muốn.

Sự may mắn luôn luôn một chất xúc tác cho cảm xúc, cho tinh thần, cho ý chí của chúng ta chứ không hẳn mang đến cho chúng ta một vật cụ thể cho sự may mắn đó.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, trên thực tế đời sống, không phải sự may mắn nào cũng đến với tất cả mọi người. Ông có lý giải như thế nào tại sao sự may mắn đến với người này nhưng lại không đến với người kia?

{keywords}
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (ảnh: VietnamNet)

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Tôi nghĩ rằng, trước hết, để mọi người muốn có sự may mắn của mình thì trước hết, phải chuẩn bị đón nhận sự may mắn đó. Sự may mắn có thể như một thứ vô hình mà đôi khi, anh không hiểu được, anh không nhận biết được đúng bản chất của sự may mắn là gì thì đôi khi, sự may mắn đến trước anh, ở trong lòng tay anh mà anh có thể vẫn không nắm bắt được.

Nhưng cũng có lúc, ta chuẩn bị kỹ lưỡng, ta có thể đợi chờ, nhưng sự may mắn đó có thể do lý do nào đó mà trượt qua, không tới. Tôi nghĩ rằng, ở đó, có thể có may mắn đối với người này đến, đối với người kia thì không đến.

Nhưng để có may mắn, chúng ta phải hành động cho sự may mắn đó. Chúng ta đã có một nền tảng cho sự may mắn, đó là nền tảng một gia đình truyền thống, của một dân tộc truyền thống. Tất cả những đức tính tốt đẹp của một dân tộc làm ra, một đức tính tốt đẹp trong một thế hệ trong một gia đình làm ra thì những người ở thế hệ sau đó, sẽ lấy đó là nền tảng cơ bản cho một sự may mắn lớn.

Cộng nữa, đó là sự may mắn khác là may mắn của tiến trình đang diễn ra mà chúng ta có thể có được. Nhưng để có sự may mắn, tất cả mọi người phải làm việc một cách nỗ lực nhất, chuẩn bị tinh thần một cách kỹ lưỡng nhất và đầy cảm hứng sống nhất, khát vọng sống nhất.

Khi đó, chúng ta gặp một điều kiện hay điều gì đó thì những điều kiện khách quan đó tự nhiên hoá thành một sự may mắn tuyệt vời. Cộng với toàn bộ tâm thế của chúng ta chuẩn bị cho việc đó, nó hoà vào thành một sự may mắn trọn vẹn và chúng ta có thể đi qua được những khó khăn, vượt qua được những phiền muộn hay thực hiện được những mục tiêu mà một đời người mong muốn.

Nhà báo Phạm Huyền: Thưa ông, trong những ngày Tết này, người Việt Nam có phong tục để cầu may như đi lễ chùa, đi hái lộc, chọn người xông đất rồi mừng tuổi. Theo ông, tất cả những điều này có thực sự mang lại sự may mắn và để có được may mắn, chúng ta phải sống và làm việc như thế nào?

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: Trước hết, phải nói rằng, tất cả những phong tục như chị vừa kể, đó là phong tục truyền thống của người Việt. Hái lộc, mừng tuổi, xông nhà, đi chùa vào đầu xuân, những điều này người Việt hàng trăm năm trước, hàng nhiều thế hệ trước đều đã từng làm như vậy.

Nhưng ở đây, chúng ta hiểu điều đó như thế nào? Nếu hiểu đúng, đó trở nên một điều tuyệt vời, hiểu sai, nó sang một nghĩa khác. Ngày nay, quá nhiều người, lại nghĩ rằng, ở đó có một sự may mắn cụ thể như lấy được cành lộc to thì may mắn to, có một người đúng tuổi hợp là mọi sự sẽ hợp, hay đến chùa cầu xin, cúng thật nhiều lễ vật thì được may mắn.

Điều đó là nhầm lẫn và chính sự nhầm lẫn này đôi khi bị đẩy đến như một sự mê tín, quá lên. Nếu năm mới, có một người không hợp tuổi đến xông nhà làm cho chúng ta phiền muộn, hay không hái được cành lột to là may mắn ít đi hay không đi lễ chùa được nhiều thì chúng ta cảm thấy thất vọng. Ở đây, sẽ là phong tục đẹp thì chúng ta nhận thức được đúng bản chất của nó.

Để có được sự may mắn, con người phải chuẩn bị hai điều quan trọng. Một là họ phải luôn luôn sống với một niềm tin cho ngày mai, hai là phải luôn hành động hôm nay một cách cụ thể nhất, kỹ lưỡng nhất, nguyên tắc trách nhiệm cao nhất để cho ngày mai.

Ông cha người Việt Nam chúng ta hay nói để phúc lại. Anh sống như thế nào thì tương lai sẽ trả lại anh thế đó. Để có sự may mắn, chúng ta không phải là kẻ ngồi chờ ở cửa nhà mình, ở công sở mình, ở đâu đấy, rồi Thần, Phật hay những người khác mang lại cho anh ta sự may mắn. Lòng anh phải khởi ra một niềm tin, lòng anh phải chuẩn bị một tinh thần, trí tuệ anh phải minh bạch, rõ ràng cho kế hoạch của anh. Cộng tất cả lộ trình đó và sự nhận biết của chúng ta các cơ hội trên thế giới, trong cuộc đời và ta đi qua, ta nhặt lấy, ta đặt điều mong muốn của chúng ta vào đó và tất cả trở thành hiện thực.

Chính chúng ta là người phải tạo sự may mắn cho chính cuộc đời của chúng ta.

Nhà báo Phạm Huyền: Xin cảm ơn nhà văn Nguyễn Quang Thiều về những chia sẻ hết sức thú vị. Nhân dịp năm mới, xin chúc nhà văn một năm đầy sự may mắn, an lành và sức khoẻ!

Những tục may mắn của người Việt dịp Tết Nguyên đán

1. Trưng bày đào, mai, quất

2. Bày ngâm ngũ quả

3. Xông đất, xông nhà

4. Mừng tuổi, lì xì

5. Xin chữ

6. Mua muối

7. Đi lễ chùa

VietNamNet