Việt Nam sẽ chuyển hướng và việc đưa các khuôn khổ này đi vào thực chất một cách có hiệu quả, khai thác tối đa các nguồn lực bên ngoài để phục vụ cho ngoại giao phát triển và đóng góp vào việc xây dựng chính phủ kiến tạo.  

LTS: Nhân Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 vừa diễn ra cuối tuần trước, Tuần Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn nhanh với ông Trần Việt Thái, chuyên gia về chiến lược ngoại giao của Học viện Ngoại giao.

Chiến lược ngoại giao mới: Khai thác thuận lợi và tránh luồng gió độc

Bình luận về nội dung tại Hội nghị vừa rồi, ông Trần Việt Thái cho biết: Mọi người đều nhất trí rằng cục diện thế giới diễn biến vô cùng phức tạp, ở mức độ rất cao, và tác động rất mạnh đến môi trường hòa bình của Việt Nam. Rất nhiều cuộc khủng hoảng diễn ra ở Trung Đông, Châu Âu…, và đặc biệt tại Biển Đông. Thứ hai là cục diện trong thời kỳ quá độ để sắp xếp lại trước khi chuyển sang một cục diện mới.

Chúng ta có nhận định được cục diện mới sẽ là gì không, thưa ông Trần Việt Thái?

Cục diện mới nhiều khả năng là đa cực hóa, do G2 (Mỹ và Trung Quốc) sẽ không hình thành, bởi vì Trung Quốc chưa đủ mạnh để chi phối cục diện toàn cầu.

Thứ ba là ở Châu Á – Thái Bình Dương diễn ra nhiều chuyển dịch về sức mạnh, kinh tế thị trường, tăng trưởng... Và trong những sự chuyển dịch đó, Việt Nam phải tự tìm ra vị trí thích hợp để hội nhập sâu hơn vào thế giới, khai thác thuận lợi và tránh những luồng gió độc.

 

{keywords}
Ông Trần Việt Thái. Ảnh: Newszing

Việt Nam đang có thái độ tích cực hội nhập, thế nhưng những diễn biến trên thế giới lại có biến chuyển phức tạp. Chẳng hạn, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam mới ký đang gặp sự chống đối của nhiều nghị sĩ Quốc hội, và ngay cả hai ứng cử viên Tổng thống là Donald Trump và Hilary Clinton. Hay như Hiệp định Thương mại tự do với EU Việt Nam đã hoàn tất đàm phán cũng gặp nhiều khó khăn, khi Anh vừa tuyên bố rút khỏi EU. Hội nghị Ngoại giao vừa rồi đã nhìn nhận những khó khan này như thế nào?

Đúng là TPP có khó khăn trong quá trình thông qua ở Mỹ, nhưng chúng ta phải nhìn nhận đây là vấn đề lâu dài và cam kết của chính quyền Mỹ đối với khu vực, hội nghị cho rằng TPP sẽ được phê chuẩn, nhưng sẽ kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu, chứ còn thất bại là khó xảy ra.

Còn thỏa thuận thương mại với EU (EVFTA), với việc Anh rút khỏi EU, không ảnh hưởng nhiều tới các nước khác, và cam kết với những nước này vẫn được thực hiện như dự kiến ban đầu.

Riêng với nước Anh, Việt Nam có thể sẽ ký một FTA riêng, phía Anh đã đề xuất ý tưởng đó rồi. Khi họ chính thức rút ra khỏi EU, không loại trừ khả năng chúng ta phải khởi động một vòng đàm phán nữa với Anh. Như vậy, quá trình thực hiện sẽ bị chậm lại, và tạo thêm vấn đề mà chính phủ Việt Nam phải xử lý.

Cũng may cho Việt Nam là chúng ta đã chủ động làm sớm, nên đã ký được EVFTA rồi, chứ còn các nước ASEAN khác, như Singapore, Thái Lan hay Philippines hiện đang đàm phán, sẽ càng khó nữa.

Đánh giá chung của hội nghị là Châu Âu đang gặp một số vấn đề nội bộ và sẽ phải tập trung củng cố lại nội bộ một thời gian, trước khi tính toán đến các vấn đề khác.

Chiến lược ngoại giao của Việt Nam, trong những năm gần đây luôn ưu tiên thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với các đối tác lớn và khu vực. Hiện nay Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược với P5 (với Mỹ tuy là đối tác toàn diện nhưng nội hàm lại là đối tác chiến lược) và các nước chủ chốt ở khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Indonesia hay Philippines. Vậy chiến lược ngoại giao mới của Việt Nam có gì khác?

Hội nghị đã đạt được sự nhất trí cao về việc chúng ta đã cơ bản xây dựng xong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược và toàn diện với những đối tác chủ chốt trên thế giới và khu vực, trong đó có 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an, hầu hết các nước lớn trong G7, cũng như trong G20; còn trong ASEAN Việt Nam đã có quan hệ đối tác chiến lược với các nước mà anh vừa nói.

Trong chương trình hành động được thông qua tại hội nghị, Việt Nam sẽ chuyển hướng và việc đưa các khuôn khổ này đi vào thực chất một cách có hiệu quả, khai thác tối đa các nguồn lực bên ngoài từ các khuôn khổ này, để phục vụ cho ngoại giao phát triển và đóng góp vào việc xây dựng chính phủ kiến tạo.  

Thứ trưởng Lê Hoài Trung, sau hội nghị ngoại trưởng ASEAN ở Viên Chăn (Lào), đã trả lời báo giới, và được AP trích dẫn rằng Việt Nam coi trọng đàm phán song phương với Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông. Trong đàm phán song phương với Trung Quốc, một trong những vấn đề nổi cộm là Hoàng Sa, và đây cũng chính là trở ngại chính vì năm 2002 ASEAN và Trung Quốc không ký được COC, mà phải chấp nhận DOC, vì Trung Quốc không chấp nhận đưa Hoàng Sa vào COC. Như vậy, liệu Việt Nam có tính tới phương án khác khi đàm phán với Trung Quốc về Hoàng Sa?

Quan điểm Việt Nam rất là rõ rằng chúng ta chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS); trong việc tìm kiếm giải pháp cuối cùng các bên không được sử dụng vũ lực, hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, không có các hành động làm phức tạp hóa tình hình, nghiêm chỉnh thực hiện DOC để tiến tới COC.

Chúng ta cũng có chủ trương rất là rõ rằng trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ song phương thì song phương phải giải quyết với nhau, còn trong tranh chấp đa phương phải có tham vấn với các bên liên quan. Đối với các vấn đề an ninh, an toàn hàng hải, chúng ta phải mở rộng cho những nước có lợi ích trong vấn đề này có tiếng nói.

Chúng ta cũng bác bỏ tính pháp lý của Đường Lưỡi bò, như trong Tuyên bố 8 điểm gửi lên Tòa Trọng tài Quốc tế ngày 5/12/2014.

Thứ trưởng Lê Hoài Trung nói như vậy nghĩa là Việt Nam chú trọng vấn đề này trong xử lý với Trung Quốc, chú trọng kênh đàm phán để đảm bảo môi trường ổn định.

Việt Nam vẫn có khả năng kiện Trung Quốc ra tòa

Quan điểm của Bộ Ngoại giao về kết quả vụ kiện Trung Quốc của Philippines như thế nào? Liệu Việt Nam có đi theo con đường pháp lý đó không?

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao đã hoan nghênh việc tòa ra phán quyết và đề nghị các bên kiềm chế, tôn trọng phán quyết.

 

{keywords}
Ảnh minh họa: CSIS

Tức là Bộ Ngoại giao mới ủng hộ hành động đó của tòa, chứ chưa phải kết quả?

Đúng vậy. Còn nội dung phán quyết Việt Nam đang nghiên cứu kỹ các mặt, và sẽ có một bản tuyên bố khác. Công tác nghiên cứu đã cơ bản hàn thành, và chúng tôi đã có những đề xuất lên lãnh đạo cấp cao, đang chờ đợi sự đồng thuận, và hy vọng sẽ sớm có bản tuyên bố của phía Việt Nam.

Còn việc Việt Nam có sử dụng biện pháp Tòa Trọng tài hay không, trong Tuyên bố 8 điểm nói trên, điểm thứ 7 nói rõ rằng Việt Nam bảo lưu quyền sử dụng các biện pháp hòa bình để bảo vệ các quyền lợi hợp pháp và chính đáng của Việt Nam ở Biển Đông. Biện pháp hòa bình gồm nhiều nghĩa, có đàm phán ngoại giao, trung gian hòa giải và tòa án trọng tài. 

Việt Nam cũng công nhận sử dụng biện pháp Toà Trọng tài là một hành động văn minh trong giải quyết tranh chấp.

Việc có sử dụng hay không, khi nào phải có cân nhắc rất nhiều yếu tố, có tính đến lợi ích quốc gia, dân tộc của chúng ta và tình hữu nghị giữa các bên tranh chấp. (Nguồn tin riêng của phóng viên cho biết Việt Nam đã đi tới quyết định kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài, nếu giàn khoan HD981 của Trung Quốc không rút sớm khỏi khu vực Hoàng Sa trước 1 tuần).

Có nên bỏ nguyên tắc đồng thuận trong ASEAN?

Trước một ASEAN đang có dấu hiệu chia rẽ, nhất là về vấn đề tranh chấp Biển Đông, Việt Nam sẽ có những xử lý như thế nào, với tư cách là một thành viên có trách nhiệm?

Đúng là hiện nay xây dựng đồng thuận về vấn đề Biển Đông trong ASEAN ngày càng khó khăn, do một số nước không có tranh chấp trực tiếp bị tác động từ bên ngoài, và có những tính toán riêng của họ. Ngay tại hội nghị ngoại giao này, các đại biểu cũng nhất trí thúc đẩy vai trò của Việt Nam trong khuôn khổ các hoạt động của ASEAN, đóng góp hơn nữa cho việc xây dựng ASEAN trở thành một tổ chức mạnh, đoàn kết và có tiếng nói chung trong các vấn đề, trong đó có vấn đề tranh chấp Biển Đông.

Cái quan trọng nhất trong hội nghị ngoại giao lần này là nâng tầm ngoại giao đa phương, trong đó đặt ưu tiên vào Liên Hợp Quốc và ASEAN.

Trong ngoại giao đa phương đó, với riêng ASEAN, hội nghị có nêu ra các biện pháp cụ thể gì không?

Trong ASEAN có nhiều nhóm biện pháp, trong đó nhóm biện pháp về chính trị an ninh, bao gồm việc xây dựng đồng thuận, góp phần củng cố đoàn kết và các thiết chế khuôn khổ của ASEAN. Nhóm thứ hai là công tác tuyên truyền, quảng bá về ASEAN. Hay nhóm biện pháp thứ ba là khai thác tích cực những lợi thế trong việc xây dựng ba cộng đồng trong ASEAN ngày càng tốt hơn…

Có ý kiến cho rằng việc áp dụng nguyên tắc đồng thuận của ASEAN là rất khó, khi lợi ích của các nước thành viên về nhiều vấn đề không giống nhau. Nên chăng ASEAN cần áp dụng nguyên tắc đa số như EU?

Trong ASEAN đã nói đến câu chuyện ASEAN-X, tức là trong ASEAN người ta đã bàn đến vấn đề đó. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại ASEAN vẫn cố gắng giữa được cái đoàn kết, vì chúng ta phải hiểu rằng đồng thuận trong ASEAN là đồng thuận trên từng vấn đề cụ thể, chứ không phải trên tất cả các vấn đề. Hiện nay, ASEAN vẫn giữ các nguyên tắc của mình, nhưng có các biện pháp đảm bảo để ra được những quyết định mà số đông chờ đợi.

Ví dụ, tại Hội nghị AMM vừa rồi tuyên bố ra chậm mấy hôm. Các nước Mỹ, Nhật và Úc đã nhanh chóng xây dựng một bản tuyên bố khác thế vào đó, với một thông điệp rất rõ ràng: Nếu các ông không làm được thì để chúng tôi là thay cho. Đó là một tín hiệu không tích cực, cho thấy nếu ASEAN không đạt được đồng thuận thì các vấn đề của ASEAN sẽ bị các nước lớn chi phối.

Trước thông điệp đó, các nước ASEAN đã cố gắng thúc đẩy và một, hai ngày hôm sau ra được Tuyên bố chung. Tuy hơi muộn, nhưng Tuyên bố chung này đã truyền lại một thông điệp mạnh mẽ rằng các ông cứ yên tâm, chúng tôi sẽ giải quyết được, mặc dù chúng tôi có gặp khó khăn.

Muốn duy trì vai trò trung tâm như hiện nay, đảm bảo được vai trò an ninh của mình, ASEAN phải đạt được đồng thuận, và đó là mệnh lệnh với trách nhiệm của từng nước và cả cộng đồng.

Xin cám ơn ông Trần Việt Thái đã dành thời gian cho Tuần Việt Nam.

Huỳnh Phan thực hiện