Được sự chấp thuận của Ban Tôn giáo Chính phủ và Trung ương giáo hội Phật giáo Việt Nam, Đức Gyalwang Drukpa và tăng đoàn truyền thừa Drukpa đã tới thăm Việt Nam. Ngày 1/3, Đức Gyalwang Drukpa đã có buổi toạ đàm "Sống hạnh phúc" tại Hà Nội.

Mở đầu buổi tọa đàm, Đức Gyalwang Drukpa đề nghị mọi người cùng cầu nguyện quy y Tam Bảo Phật Pháp Tăng. Đức Gyalwang Drukpa chia sẻ, Đức Phật là bậc giác ngộ chân lý. Giáo pháp của Ngài nói về chân lý, về con đường giác ngộ chân lý đó là Pháp Bảo, và những bậc thực hành giáo pháp, đạt được chứng ngộ là Tăng Bảo.

{keywords}
"Hạnh phúc không đến từ bên ngoài mà hạnh phúc do chính bạn tạo nên, từ những gì mình đang có", Đức Gyalwang Drukpa chia sẻ.


Khi cầu nguyện quy y Tam Bảo là chúng ta tưởng nhớ đến những phẩm chất tốt đẹp đó, ta muốn trở thành người tốt, có những phẩm chất tốt đẹp như Tam Bảo, vì lợi ích của chúng sinh. Để được như vậy, chúng ta cần nỗ lực học tập trưởng dưỡng, rèn luyện bản thân.

"Nhiều người, sau khi gặp tôi, lại cho rằng việc kiếm tiền, những công việc hàng ngày không còn quan trọng. Đây là một ngộ nhận sai lầm. Nền tảng quan trọng trong cuộc sống của ta là sự nỗ lực, phấn đấu hết mình, rèn luyện bản thân để trở nên tốt đẹp hơn. Bản thân tôi và chư Tăng, Ni cũng phải rèn luyện, tu học rất nhiều, tôi thậm chí không có thời gian để ngủ. Cuộc sống là cơ hội để chúng ta nỗ lực rèn luyện bản thân.

Cần rèn luyện để biết hài lòng, trân trọng những gì mình đang có để được hạnh phúc. Ví dụ ta có đôi mắt để nhìn, đôi chân để đi, miệng để nói được với mọi người. Ta cần biết trân trọng tất cả những điều đó. Để biết trân trọng tri ân, ta cũng cần rèn luyện.

Hạnh phúc không đến từ bên ngoài mà hạnh phúc do chính bạn tạo nên, từ những gì mình đang có. Hạnh phúc không đến từ việc tập trung vào và trách than về những gì mình không có. Làm như vậy sẽ khiến chúng ta phải khổ đau.

Tài sản và sự giàu có chân thật chính là đôi mắt, bàn tay, khả năng suy nghĩ, nói cười… tất cả đều không thể dùng tiền mua được. Bởi vậy con đường thực hành tâm linh đó là rèn luyện bản thân để biết chấp nhận. Khi đã biết chấp nhận, chúng ta sẽ hài lòng, khi hài lòng ta sẽ đạt được hạnh phúc, thoát khỏi khổ đau. Nhiều người trong chúng ta bị kẹt mắc trong những nhãn mác tôn giáo.

{keywords}
Phật tử ngồi chăm chú nghe chia sẻ quan điểm về hạnh phúc của Đức Gyalwang Drukpa. 

Điều này khiến mọi thứ trở nên khó khăn, khi người khác nhìn vào cũng sẽ mệt mỏi, cảm thấy không thể theo được. Phật giáo thực chất không phải là tôn giáo, mà đó là cách thức để trưởng dưỡng, phát triển cuộc sống của mỗi chúng ta để trở nên tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Đây là cốt tủy của đạo Phật, của những gì Đức Phật đã thuyết giảng, đó là tâm linh chứ không phải tôn giáo, không phải thờ cúng hay nghi lễ.

Tôn giáo thường dựa trên những nề tảng văn hóa. Văn hóa thì có sự khác biệt ở các quốc gia, dân tộc, vùng miền. Ví dụ như nơi cần đội mũ, nơi thì phải bỏ ra, nơi thì mặc áo vàng, nơi mặc áo trắng… Chúng ta cần tôn trọng văn hóa nhưng không nên bị kẹt chấp, vướng mắc ở đây. Nếu không bám chấp thì cuộc sống sẽ dễ dàng hơn, hạnh phúc hơn. Là Phật tử, chúng ta cần hiểu đúng về cốt tủy của đạo Phật, hiểu và thực hành theo", Đức Gyalwang Drukpa chia sẻ.

{keywords}
Nếu bạn thực hành tâm linh thực sự, bạn có thể tự tại đối mặt với cái chết.

 

Tại buổi toạ đàm, có rất nhiều câu hỏi của phật tử, ví như, bệnh tật và cái chết liệu có đáng sợ nhất?

Đức Gyalwang Drukpa chia sẻ rằng: Cần có sự rèn luyện tâm để có thể đương đầu với việc này. Đây là một phần của con đường thực hành tâm linh, trong đó, biết chấp nhận là điều vô cùng quan trọng. Chẳng hạn, bạn cần biết tri ân việc mình có đủ đôi mắt để nhìn.

Nhưng nếu một ngày, không may bạn đôi mắt bạn bị mù lòa không nhìn được nữa, bạn cần biết chấp nhận điều này và vẫn hài lòng với cuộc sống vì còn vô số điều tốt đẹp khác mà cuộc dành tặng bạn như đôi chân để đi, miệng để nói chuyện giao tiếp, bạn vẫn có thể ăn uống bình thường, đi vệ sinh bình thường. Những điều đó đã là điều kỳ diệu.

Vì vậy, khi rèn tâm biết trân trọng, thì chấp nhận cũng đi đôi, điều này cần song song rèn luyện thành “trọn gói” trong việc thực hành tâm linh của bạn: trân trọng những gì mình có, chấp nhận những gì mình mất.

Nếu thực sự hiểu được bản chất cái chết là gì thì ta sẽ không còn sợ hãi. Thân này sẽ thay đổi. Chết chỉ là một tiến trình chuyển đổi. Thân của chúng ta liên tục già đi và đến một lúc nào đó ta cần xả bỏ thân già nua, bệnh tật này để lấy thân mới đẹp đẽ trẻ trung hơn, bởi thần thức của chúng ta sẽ được duy trì sang đời tiếp theo. Nếu nhìn nhận thấu hiểu như vậy, ta có thể coi cái chết là một cơ hội, một tiến trình hạnh phúc thay vì sợ hãi, khổ đau. Nếu bạn thực hành tâm linh thực sự, bạn có thể tự tại đối mặt với cái chết.

Tình Lê