Thế giới và tốc độ phát triển 5G

Theo ông Peng Zhao, Giám đốc cấp cao của Hiệp hội thông tin di động toàn cầu (GSMA), khu vực châu Âu sẽ đạt tới 214 triệu kết nối 5G vào năm 2025, chiếm hơn 30% tổng số lượng kết nối. Đến năm 2025, vùng phủ sóng 5G dự kiến sẽ đạt gần 3/4 dân số Châu Âu. 

Khu vực Trung Đông và Bắc Phi cũng đang có kế hoạch triển khai dịch vụ 5G. Theo đó, khoảng 30% dân số khu vực này sẽ sử dụng 5G vào năm 2025. Đến năm 2025, lượng thiết bị 5G (không bao gồm IoT) của Trung Đông và Bắc Phi sẽ vượt quá 50 triệu kết nối.

{keywords}
Màu đen là nhóm nước đã có kế hoạch phân bổ phổ tần cho 5G. Màu xanh là nhóm nước đã hoàn thành việc phân bổ phổ tần. Trong khi đó, màu đỏ là nhóm nước đã hoàn toàn phân bổ phổ tần cũng như là kế hoạch triển khai. 

Với Khu vực Bắc Mỹ, đây được dự báo là nơi mà người dân rất nhanh chóng chấp nhận dịch vụ 5G, giống như những gì đã xảy ra với 4G trước đó. Khu vực này sẽ đạt 100 triệu thiết bị kết nối 5G vào năm 2023, 4 năm sau khi mạng 5G đầu tiên tại đây ra mắt. 

Tại Bắc Mỹ, việc triển khai 5G sẽ diễn ra nhanh hơn ở bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới. Đây cũng là nơi tập trung khoảng một nửa lượng kết nối 5G trên thế giới vào năm 2025.

Theo GSMA, khu vực châu Á sẽ dẫn đầu về mức độ tăng trưởng kết nối 5G, với 617 triệu kết nối 5G vào năm 2025. Hầu hết lượng kết nối này đến từ Trung Quốc. Vào năm 2025, Trung Quốc được dự đoán sở hữu 392 triệu kết nối 5G, con số này là 88 triệu kết nối ở Nhật Bản và 37 triệu kết nối tại Hàn Quốc. 

“Để việc triển khai 5G có thể đạt được tốc độ tăng trưởng này, sự sẵn sàng và điều tiết hài hòa về phổ tần là rất quan trọng”, ông Peng Zhao nhấn mạnh.

{keywords}
Ông Lê Văn Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ chia sẻ tình hình triển khai phân bổ băng tần 5G trên thế giới. Ảnh: Trọng Đạt

Ông Lê Văn Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Tần số VTĐ (Bộ TT&TT) cho biết, đã có hơn 300 nhà mạng trên thế giới thử nghiệm 5G. Phần lớn các nhà mạng sử dụng băng tần C (115 nhà mạng) và băng tần 26/28GHz (91 nhà mạng) để thử nghiệm. 

26 quốc gia đã cấp phép phổ tần 5G. Phần lớn các quốc gia này cấp phép trên băng tần C và băng tần 26/28GHz. 12 nhà mạng ở 7 quốc gia trên thế giới đã tiến hành thương mại hoá mạng 5G. Trong đó, có 8 nhà mạng sử dụng băng tần 3.5GHz và 5 nhà mạng sử dụng băng 28GHz. Theo ông Tuấn, băng tần trung có vai trò quan trọng trong giai đoạn đầu triển khai 5G.

Các nước ASEAN đã làm gì để phát triển 5G?

Ở Malaysia, nhóm đặc trách quốc gia về 5G đã được chính phủ nước này thành lập vào năm 2018. Hiện nhóm đang hướng tới việc xác định băng tần, phân bổ băng thông cần thiết cho việc sử dụng các dịch vụ và đề xuất lộ trình phát triển 5G dựa trên mức độ sẵn sàng của hệ sinh thái.

{keywords}
Có thể thấy, đa phần các nước trên thế giới đều chọn băng tần trung và cao để triển khai mạng 5G. 

Trong khi đó, Indonesia đang nỗ lực để tối ưu hóa việc sử dụng băng tần 3.5 GHz cho 5G. Nước này hiện đang sử dụng thông tin vệ tinh trên toàn bộ quần đảo Indonesia. Việc thử nghiệm 5G trong nhà và ngoài trời đã được Indonesia thực hiện kể từ năm 2017.

Lào - quốc gia có chung đường biên giới với Việt Nam cũng đang ấp ủ kế hoạch để triển khai mạng 5G. Với Myanmar, để triển khai mạng 5G, nước này đã chọn băng tần 3.4-3.6GHz.

Tại Phillipines, hai nhà mạng Smart and Globe Telecom đều đã được cấp phép một dải tần số 60MHz của băng tần 3.5GHz để triển khai 5G. Hiện nhà mạng Global Telecom của Phillipines đã bắt đầu cho ra mắt mạng 5G.

Với Singapore, băng tần 3.5GHz hiện đang được sử dụng rộng rãi cho thông tin vệ tinh. Tuy nhiên, Cơ quan phát triển truyền thông thông tin Singapore (IMDA) đang có kế hoạch sử dụng băng tần này để triển khai 5G vào năm 2021. Thái Lan cũng đã sẵn sàng sử dụng băng 3.5GHz cho 5G.

Trọng Đạt