- Dù bị còng tay nhưng hắn lồng lộn lên như một con thú hoang, đè nghiến bà cụ xuống, quyết…giật bằng được chiếc bông tai.


Họ có thể là một trí thức hay người lao động tay chân, thậm chí những tên tội phạm ở tận cùng đáy xã hội. Khi mắc bệnh tâm thần những hành động bản năng theo thói quen trước đây của họ làm mọi người thấy thật xót xa!


Cô giáo điên đấu tranh đòi đi dạy

Thạc sĩ – bác sĩ Nguyễn Ngọc Quang, Giám đốc Trung tâm Giám định Pháp y – Tâm thần TP.HCM có thời gian dài chữa trị cho những bệnh nhân tâm thần. Nhiều trường hợp đã để lại trong ông ấn tượng đau lòng không thể nào quên.

Một trong những trường hợp đó là cô Duyên, ngụ ở Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh. Tính đến nay có lẽ cô đã được gần 50 tuổi.


Trước đây, cô Duyên là giáo viên dạy tiếng Anh ở một trường tiểu học tại quận 4. Không biết bị cú sốc gì về tinh thần mà cô Duyên bỗng dưng…hóa điên. Học sinh phản ánh dạo này cô nói nhiều, nói những chuyện khó hiểu nên ban giám hiệu đã quyết định cho cô Duyên nghỉ việc.


Sau đó, cô Duyên đã được gia đình đưa đi khám và điều trị bệnh tâm thần ở nhiều nơi nhưng không hết. Cô giấu thuốc, phản ứng với bác sĩ, thậm chí giảng giải nguyên một bài về tư cách thầy thuốc, đạo đức nghề y. Có bác sĩ đã từng bị cô Duyên bắt lỗi vì phát âm tên thuốc không…chuẩn. Thế rồi cô thao thao bất tuyệt về cách phát âm tiếng Anh.


Suốt gần chục năm qua, sáng nào người ta cũng thấy cô Duyên mặc áo dài chỉnh tề, sáng xách cặp, cắp ô đi, chiều cắp ô về. Khi mọi người hỏi Duyên đi đâu thế thì được cô trả lời – “Ôi, tôi xin lỗi, đến giờ lên lớp rồi, tôi phải đi nhanh kẻo muộn mất, sắp thi học kỳ, cháy giáo án thì nguy!”

Nhà trường nơi trước đây cô Duyên dạy học cũng không ít lần phản ánh với gia đình về việc cô gây rối. Sáng sáng, cô đến cổng trường, đòi lên lớp, không được cô gào khóc – “Tôi là giáo viên, tôi làm việc ở đây, tôi được đào tạo bài bản, có bằng cấp và năng lực, tại sao không cho tôi lên lớp?”.

                               Xin hãy nhìn người bệnh tâm thần bằng một con mắt chia sẻ và thông cảm! Ảnh: Thanh Huyền

Trong nhiều năm, cô Duyên miệt mài viết đơn…tố cáo ban giám hiệu nhà trường, cho rằng mình bị trù dập vì mọi người là tiểu nhân còn mình là người tài nên họ đố kỵ, ganh ghét.

Một lần bệnh cô Duyên nặng quá, có hành vi gây mất trật tự nghiêm trọng nên gia đình đành đưa cô vào điều trị cách ly trong Bệnh viện Tâm thần, cơ sở Chợ Quán mấy ngày.

Bác sĩ Quang nhìn thấy cô ngồi thu lu một góc trên giường bệnh, khuôn mặt âu sầu, héo hon thì thương lắm, nhất là lâu lâu lại nghe nữ bệnh nhân của mình nói tiếng Anh lẩm bẩm một mình.

Giật bông tai chỉ vì có nhu cầu…cướp giật

Khác với cô giáo Duyên, trường hợp của anh Nguyễn Văn T., ngụ tại quận 12 không phải là trí thức mà là một kẻ phạm tội.


Cách đây khoảng một tháng, T. được công an quận 12 áp giải đến Trung tâm Giám định Pháp Y – Tâm thần để xác minh hắn điên thật hay điên giả.


Trước đó, tên này đã nhiều lần bị bắt vì hành vi cướp giật và móc túi.

T. ngồi trong phòng chờ của trung tâm, tay bị còng cứng, hai bên nách là hai đồng chí công an. Ngồi gần T. lúc đấy là hai cụ ông, cụ bà đi làm giám định tâm thần để đủ điều kiện viết di chúc.


Dù bị kìm kẹp nhưng khi nhìn thấy bà cụ đeo bông tai bằng vàng, máu nghề nghiệp của T. nổi lên. Bất chấp có công an bên cạnh và tay đang bị còng, hắn đã lồng lộn như một con thú hoang, đè nghiến bà cụ xuống, quyết…giật bằng được chiếc bông tai.

Hai đồng chí công an ngay sau đó đã khống chế được tình hình, lấy lại chiếc bông tai trả cho bà cụ nhưng bác sĩ Quang cùng các nhân viên giám định có mặt cũng bị một phen mất hồn.

Qua những câu chuyện trên đây, bác sĩ Quang mong muốn xã hội đừng coi những người tâm thần như một sinh vật lạ, hãy hướng đến họ bằng sự thông cảm và chia sẻ vì họ là bệnh nhân, họ rất đáng thương.

Thông thường, những trường hợp bị tâm thần hoang tưởng rất khó chữa khỏi. Khi bị bệnh, họ hay có xu thế thiên về nghề nghiệp trước lúc mắc bệnh.


Là trí thức thì thích đọc sách triết lý sâu xa, là giáo viên thì đòi đi dạy học, luôn tự coi mình là thày thiên hạ, thậm chí như trường hợp của tên Nguyễn Văn T., hắn giật đồ không phải vì mục đích muốn có tiền xài mà chỉ để thỏa mãn nhu cầu…cướp giật.


  • Thanh Huyền


(*) Tên và địa chỉ nhân vật đã được thay đổi