Kính gửi bác Bí thư thành ủy Hà Nội!

Cháu là Nguyễn Thị Hồng Phúc, hiện tại đang công tác tại một ngân hàng TMCP ở thành phố Hà Nội. Hồi còn học phổ thông và đến khi thi đại học, cháu học chuyên Ban A và thi các môn về khối A, khối B, nhưng cháu vẫn đặc biệt có hứng thú với các môn Văn học và Lịch sử bác ạ. Chính vì vậy, ngay cả khi ra trường đi làm một công việc không liên quan gì mấy đến viết lách, cháu vẫn nuôi dưỡng được niềm đam mê của mình về các vấn đề văn học, lịch sử.

Có những điều mà cháu đau đáu suốt quãng thời gian bước chân ra Hà Nội theo học đại học, và cho đến tận bây giờ, sau rất nhiều sự đổi mới phát triển mà cháu chứng kiến ở thành phố này, thì ý tưởng hình thành từ bao nhiêu năm qua lại càng lớn hơn. Cháu xin gửi đến bác, và mong một ngày nào đó, những ý tưởng này sẽ được hiện thực hóa, theo một cách nào đó hoặc tương tự như thế. Nếu có bất kỳ sự trùng hợp ý tưởng nào, hoặc những việc làm này đã từng được triển khai trước đó mà cháu không biết, thì cháu cũng mong được một lần bày tỏ những ý tưởng mà cháu ấp ủ suốt những năm qua. Cụ thể như sau bác ạ.

1. Tên những con đường

Điều đầu tiên làm cháu thấy thích thú khi bước chân ra Thủ đô là việc các con đường ở đây đều được đặt tên (các con đường ở các thành phố khác cũng đều được đặt tên như vậy). Ở quê cháu, cháu đã quen với những con đường làng, đường ngõ không tên, những ngôi nhà không có số, nên khi học tập và làm việc tại Hà Nội hay các thành phố khác, điều khiến cháu cảm thấy thật sự tiện lợi và rất “thành phố” đó là những con đường có tên và những căn nhà có số, đến nỗi đó là điều cháu cảm thấy khác biệt nhất giữa thành phố và nông thôn trong con mắt nhìn của cháu lúc đó bác ạ.

{keywords}
Bạn Hồng Phúc đề xuất tại biển tên các con đường mang tên các danh nhân, nhân vật lịch sử, Hà Nội nên thêm một số thông tin tóm tắt về nhân vật đó. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nhưng rồi một điều khiến cháu luôn suy nghĩ, ngay từ những kỳ đầu tiên của năm nhất đại học khi theo học tại Thủ đô, đó là những con đường mang tên các danh nhân, ngoài những nhân vật cháu đã được nghe, được biết trước đó, thì đa phần cháu chẳng biết những người được đặt tên trên con đường mình đang đi là ai cả. Nhiều lúc không hiểu sao trong lòng cháu trào lên một cảm giác áy náy, điều đầu tiên khi trở về nhà là cháu lên mạng tra google để biết nhân vật đó là ai, sống ở thời đại nào và có công lao gì…

Cháu xin phép kể một câu chuyện xảy ra cách đây cũng mấy năm, lần đó cháu chở đứa em họ đang học lớp 6 đi trên đường. Bất chợt nó reo lên: Ah!! Tên em kìa, em được đặt tên cho một con đường luôn kìa chị ơi!!!

– Tên em cháu là Nguyễn Ngọc Vũ. Cháu bật cười, bảo tên em chỉ là vô tình trùng hợp thôi, còn những người được đặt tên cho đường là những nhân vật tài năng, có công với đất nước, với lịch sử, người ta đặt tên đường để tưởng nhớ tới các nhân vật đó. Lần đó cháu còn đùa thêm với em cháu rằng: “Còn em á, còn lâu mới được đặt tên đường”. Nó giãy nảy lên và bảo: “Em không cần biết, tên em gắn sờ sờ trên đường đấy thôi”.

Câu chuyện về tên các danh nhân, các con đường cứ vậy tiếp tục trên chặng đường của hai chị em cháu. Bất chợt đến đoạn đường Thái Hà, em cháu hỏi: “Thế Thái Hà là ai hở chị?” Cháu giật mình, thật sự lúc đó cháu lúng túng, với tầm hiểu biết hạn chế của cháu, cháu không biết đó có phải là tên người, tên một nhân vật lịch sử không hay chỉ là một cái tên riêng từ đời xưa để lại. Cháu chỉ thành thật thừa nhận với em mình không biết, cũng không biết đó có phải tên người hay không…

Đó là một trong số rất nhiều câu chuyện liên quan đến tên đường mà cháu đã gặp bác ạ. Hằng ngày, cháu vẫn đi trên những con đường mang tên các danh nhân, nhưng cháu vẫn luôn thấy áy náy vì mình không biết những người đấy là ai, thậm chí tệ hơn, cháu còn không biết tên con đường ấy có phải được đặt từ tên một nhân vật lịch sử nhằm mục đích tưởng nhớ họ hay không nữa.

Rất nhiều các công trình, tượng đài đã được dựng lên để nhằm mục đích tưởng nhớ đến các danh nhân, nhân vật lịch sử, trận đánh lịch sử…, nhưng một việc mà ai cũng tiếp xúc hằng ngày, từ người già, thanh niên, trẻ nhỏ, khách du lịch nước ngoài… là các con đường họ đi trên, họ nhắc tên hằng ngày thì lại không hề có bất cứ thông tin nào khác để thế hệ sau biết đến những con người mà chúng ta vẫn nhắc tên hằng ngày đó.

Cháu xin mạnh dạn đề xuất, nếu có cách nào đó, tại biển tên các con đường mang tên các danh nhân, nhân vật lịch sử, chúng ta thêm một số thông tin tóm tắt về nhân vật đó, có được không bác? Chỉ cần vài ba dòng thông tin sơ lược về năm sinh năm mất, quê quán, là nhà văn hay nhạc sĩ, là quan thần hay vua chúa….đã có công gì hay điều gì nổi bật để ghi nhớ. Chỉ cần vậy thôi ạ, để các nhân vật lịch sử ấy không bị lãng quên, để đúng với ý nghĩa của việc đặt tên những con đường mang tên họ, đó là tưởng nhớ, là ghi công….

Thú thực, khi nghe đứa em cháu cứ hớn hở khăng khăng chính tên nó được người ta đặt cho một con đường, trong cháu trào lên một cảm giác có lỗi. Không biết có ai nghĩ như cháu không.

Cháu nghĩ việc thêm thông tin tóm tắt vào tên các danh nhân là không khó, vì đây chỉ là các thông tin cơ bản và đã được ghi nhận tại các tài liệu chính thống, sách giáo khoa…, không nhất thiết phải đặt ra vấn đề kiểm định, nghiên cứu nữa. Chỉ cần có một tổ các cán bộ chuyên môn có chuyên ngành lịch sử, hoặc có một nhà sử học là đã đủ để soạn ra các thông tin cơ bản để gắn cùng lên tên các danh nhân được đặt tên đường đó mà không gây quá nhiều tranh cãi.

Theo cháu nghĩ, chi phí để làm những việc như vậy cũng không quá lớn, nó chắc cũng chỉ tương đương với các biển bảng kim loại hình hoa lá trang trí trên khắp các con đường, cột điện mà chúng ta thay mới mỗi năm.

Còn việc làm biển tên đường như vậy, chúng ta làm một lần, và không phải gắn quá nhiều như biển trang trí, nhưng lại có thể dùng cho cả những thế hệ sau, theo cháu nó còn mang cả ý nghĩa giáo dục và nhân văn nữa. Việc các em nhỏ tiếp xúc với các thông tin đó hằng ngày để hiểu về lịch sử, về các nhân vật đó theo cháu thấy còn thực tế và tiện lợi hơn là việc các em phải tìm đọc trong sách giáo khoa, sách báo và tra google.

Có thể đâu đó, ở địa phương nào đó, đã làm việc như vậy. Nhưng tại Thủ đô Hà Nội thì cháu chưa thấy. Việc bổ sung thông tin vào tên danh nhân được đặt cho con đường như vậy không cần thiết phải đồng nhất trong cả nước, mà trước hết có thể thí điểm ở Hà Nội - thủ đô văn hiến của nước ta.

Nếu các địa phương khác cũng thực hiện như vậy, có thể không cần bắt buộc thông tin tóm tắt đối với cùng một nhân vật đó phải giống nhau giữa các địa phương, chỉ cần đảm bảo là các thông tin chính xác, việc đảm bảo tính chính xác đối với các thông tin cơ bản, của các nhân vật nổi tiếng như vậy theo cháu nghĩ cũng không quá phức tạp và dễ gây tranh cãi hay mâu thuẫn.

Giả sử, nếu có sai sót hiển nhiên, mọi người cũng có thể góp ý để điều chỉnh, nhưng theo cháu việc sai sót đối với các thông tin cơ bản như vậy chắc cũng không nhiều.

Kính mong bác và những người quan tâm xem xét, cân nhắc triển khai trong tương lai gần được không ạ.

2. Những ngã tư đèn đỏ chói chang

Kính gửi bác, từ rất nhiều năm trước, trước tình hình biến đổi khí hậu chung trên toàn cầu, nhiệt độ trung bình càng ngày càng tăng lên và cái nắng hè tại Hà Nội cũng càng ngày càng gay gắt hơn.

Những năm gần đây, hệ thống giao thông ở Hà Nội thay đổi chóng mặt, phát triển và khoác lên mình bộ áo mới, đẹp hơn, hiện đại hơn. Và bóng râm cây xanh mùa hè cũng ít đi hơn hẳn.

{keywords}
Bóng râm trở thành chỉ dấu đỗ xe chờ đèn đỏ thay cho vạch sơn theo quy định trong những ngày nắng như thiêu đốt. (Ảnh chụp tại ngã tư Nguyễn Trãi - Trường Chinh)

Trên con đường cháu đi làm, có rất nhiều ngã tư lớn và phải dừng đèn đỏ đến cả hơn 100 giây. Thưa bác, cháu đi làm bằng xe máy ạ, và cháu nghĩ hiện tại, đa số người dân Hà Nội cũng sử dụng phương tiện đi lại chính là xe máy. Việc dừng đèn đỏ giữa trưa nắng, đếm lùi đến hơn 100 giây, khi nhiệt độ ngoài đường lên đến gần 50 độ, thực sự là rất khủng khiếp!! Chính vì vậy có rất nhiều người đã bất chấp để vượt đèn đỏ, hoặc cũng có người chọn giải pháp dừng hẳn lại cách xa ngã tư hàng chục mét dưới bóng một gốc cây nhỏ nào đó.

Cháu đã từng thấy cảnh một nhóm người đi xe máy dừng hẳn lại dưới bóng râm của một cái cây ven đường, cách xa vạch kẻ của ngã tư đường một đoạn, nhưng điều đó lại vô tình chắn ngang lối rẽ phải của các xe ô tô phía sau. Mặc kệ xe ô tô bấm còi xin đường, nhóm người (khá đông) cũng không nhúc nhích. Trời quá nắng! Mà đèn đỏ thì đang còn tận hơn 90 giây! Cháu cũng từng thấy cảnh một chị đang đi xe máy, phía trước mặt cách mấy chục mét là ngã tư, đèn báo giao thông đang vừa chuyển từ vàng sang đỏ 90 giây, chị phanh xe dừng hẳn luôn tại bóng râm của cái cây mà xe chị đang vừa đi tới, lúc đó, chiếc ô tô con phía sau đang đà lao lên, may mà phanh kịp. Một cuộc tranh cãi nhỏ xảy ra.

Những hình ảnh đó không đẹp chút nào.

Ai cũng biết những điều trên là do ý thức. Nhưng xét về một khía cạnh nào đó, mọi người đều hiểu, nếu trong hoàn cảnh thuận lợi sẽ chẳng ai muốn trở nên “vô ý thức” như vậy cả. Nắng gay gắt quá! Thú thực, chính bản thân cháu cũng từng mấy lần “bất chấp ý thức”, tạt vào dừng cách xa vạch kẻ ngã tư đèn đỏ để trú dưới bóng cây vì nắng quá, vì nghĩ nếu đứng giữa cái nắng đường nhựa gần 50 độ hơn 100 giây như vậy, chắc cháu sẽ ngất mất!

Liệu có giải pháp nào cho điều đó được không bác? Sẽ chẳng ai (hoặc sẽ ít người hơn) phải bất chấp cả ý thức để vượt đèn đỏ hay bất chấp các xe phía sau bấm còi inh ỏi mà vẫn cố đứng yên tại một bóng râm chờ đèn đỏ chuyển sang xanh. 

Trên đây là các ý kiến góp ý của cháu, kính mong bác xem xét, và nếu được có thể triển khai thực hiện trong tương lai thì tốt quá. Cháu rất mong được góp một phần ý tưởng để xây dựng thành phố đẹp hơn, tiện lợi hơn cho bà con.

Cháu cảm ơn bác!

Hồng Phúc

Hà Nội nắng cao điểm, vệt bóng đổ của xe buýt, xe máy chen nhau nép vào

Hà Nội nắng cao điểm, vệt bóng đổ của xe buýt, xe máy chen nhau nép vào

Hà Nội hôm nay (23/6) tiếp tục nắng nóng rất gay gắt, có nơi trên 40 độ khiến việc đi lại của người dân trở nên khó khăn, phải tìm những bóng râm để nép vào khi chờ đèn đỏ.