Tại phiên thảo luận tại hội trường về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ, ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) bày tỏ hoàn toàn nhất trí với các nội dung, chính sách đặc thù được quy định trong dự thảo nghị quyết.

Thu nhập tăng thêm phải căn cứ vào điều kiện KT-XH của từng nơi

Tuy nhiên, đại biểu Nga băn khoăn về quy định "sau khi ngân sách thành phố đảm bảo đủ nguồn thực hiện cải cách tiền lương thì HĐND thành phố được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của ngân sách để thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm với mức không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản. Việc sử dụng nguồn cải cách tiền lương chi thu nhập tăng thêm được quy định tại điều này chỉ được thực hiện khi thành phố tự cân đối được ngân sách".

Chính sách này được áp dụng tương tự như Hải Phòng, TP.HCM và Đà Nẵng. Tuy nhiên, theo bà Nga, quy định về thu nhập của cán bộ, công chức cần được xây dựng dựa trên chi phí sinh hoạt của từng địa phương, từng vùng, miền để tính đặc thù được thể hiện ngay trong từng chính sách.

{keywords}
ĐB Nguyễn Thị Việt Nga, Hải Dương

Theo công bố chỉ số giá sinh hoạt năm 2020 của Tổng cục Thống kê, các địa phương Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM đều thuộc nhóm có chỉ số giá sinh hoạt đắt đỏ. TP.HCM đứng thứ hai trong cả nước với 99,5%, Hải Phòng đứng thứ ba với 97,38%, Đà Nẵng là 97,11%. Cần Thơ thuộc nhóm các tỉnh, thành phố có mức chỉ số giá sinh hoạt trung bình 94,16%.

“Việc cào bằng mức chi trả thu nhập tăng thêm giữa các địa phương có những đặc thù khác nhau và chỉ số tiêu dùng chênh lệch như trong dự thảo sẽ không đảm bảo tính công bằng giữa các địa phương”, nữ đại biểu tỉnh Hải Dương thắc mắc, chính sách đặc thù mà chưa tính toán đến sự khác biệt này.

Theo bà, mức thu nhập, chỉ số giá tiêu dùng cũng là chỉ số cơ bản để phản ánh khả năng duy trì đời sống và việc tích lũy của người dân. Vì vậy, đại biểu đề nghị không nhất thiết phải rập khuôn về mức chi thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức mà phải căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương để xây dựng cho cụ thể.

Cho rằng con người vẫn là yếu tố quyết định của mọi chính sách, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) thống nhất bên cạnh chính sách tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức của thành phố Cần Thơ thì trong nghị quyết cũng cần có cơ chế, chính sách đặc thù để đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, tuyển dụng nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đặc biệt là nhân lực để vào làm việc tại công sở cũng như Trung tâm ứng dụng công nghệ phục vụ cho phát triển sản xuất cũng như phát triển của thành phố Cần Thơ.

Sớm xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Cần Thơ - TP.HCM

Còn đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Ban Công tác đại biểu thì băn khoăn về các chính sách liên quan đến tài chính, ngân sách; quản lý đất đai, quy hoạch; thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức dành cho Cần Thơ đã được triển khai tại Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng (mới đây được thực hiện tại Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên – Huế) nhưng chưa có một số liệu sơ kết, tổng kết nào.

Với 7 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang thực hiện thí điểm và thành phố Cần Thơ tới đây nữa, chiếm tới 12,6% tổng số địa phương trong cả nước và về tỷ trọng đóng góp trong GDP chắc chắn rất lớn.

{keywords}
Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Ban Công tác đại biểu

Đại biểu thắc mắc: “Không biết khi nào những chính sách đặc thù này sẽ được áp dụng cho các địa phương khác cũng theo hướng tương thích với những đặc điểm riêng có và tạo cơ sở phát huy lợi thế so sánh về vị trí địa lý, tiềm năng kinh tế, nguồn lực con người của từng địa phương? Chính phủ có dự liệu một lộ trình nào đó hay không?”.

Về Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, bà Yên cho rằng nên định hướng đây là trung tâm sản xuất, chế biến nông nghiệp công nghệ cao và cần có tiêu chí cụ thể.

Phó Ban Công tác đại biểu cũng đề nghị nên đưa vào nghị quyết nội dung sớm xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao nối Cần Thơ với TP.HCM và hệ thống đường sắt quốc gia. Từ đó hình thành đồng bộ mạng lưới vận tải hàng hóa, hành khách thủy, bộ, hàng không và đường sắt cho Đồng bằng Sông Cửu Long, kết nối các hình thức vận tải đa phương thức, đảm bảo vận chuyển khối lượng lớn với giá thành hợp lý, kết nối với hệ thống vận tải liên vận quốc tế.

“Trong những ngày vừa qua, việc ách tắc thông quan nông sản hàng hóa ở một số cửa khẩu phía Bắc là một ví dụ điển hình của việc còn thiếu các phương thức vận tải thay thế bên cạnh những khiếm khuyết về hạ tầng, như kho mát, kho lạnh, bãi chứa và phương thức buôn bán, giao nhận tiểu ngạch, biên mậu”, đại biểu Tạ Thị Yên phân tích.

“Trước khi chúng ta khởi công tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, tôi rất mong Quốc hội, Chính phủ cân nhắc sớm xây dựng tuyến đường sắt tiên tiến này, tôi cho rằng đây cũng có thể coi là dự án thí điểm bởi vì quy mô nhỏ hơn rất nhiều so với tuyến cao tốc Bắc - Nam và có lẽ cũng là đáp ứng sự mong đợi của nhân dân đồng bằng sông Cửu Long”, đại biểu Yên nói.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết,  đối với 8 chính sách trong dự thảo nghị quyết này, đã có 6 chính sách như mức dư nợ vay, bổ sung có mục tiêu, phí và lệ phí, quản lý đất đai, điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng khu chức năng và quy hoạch chung của đô thị, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức đã được Quốc hội ban hành áp dụng đối với các thành phố lớn khác tương tự như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng và Hải Phòng.

Riêng việc đề xuất các chính sách đợt này đối với Cần Thơ thì đã được rà soát, đánh giá nhằm bảo đảm khả năng cân đối ngân sách Trung ương, khả năng vay, hấp thụ nguồn vốn của thành phố và phân cấp thẩm quyền phù hợp với yêu cầu, trình độ phát triển của thành phố, gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát.

Do đó, Chính phủ sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến của các đại biểu Quốc hội hôm nay để trong thời gian tới hoàn thiện Nghị quyết của Quốc hội.

"Trước đây, theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội đã quyết định đầu tư Kênh Quan Chánh Bố hơn 6 nghìn tỷ, là kênh nối tắt từ sông Hậu đi qua tỉnh Trà Vinh để ra biển với chiều dài 46,5km, cho phép tàu biển có trọng tải 10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn giảm tải ra vào các cảng ở khu vực Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, đáp ứng khối lượng hàng hóa hàng chục triệu tấn một năm, thay thế cho cửa Định An? Có lẽ Bộ Giao Thông Vận tải nên có giải trình thêm với Quốc hội về vấn đề này", đại biểu Tạ Thị Yên đặt vấn đề.

Thu Hằng - Hồng Nhì

Đề nghị xác định lại chi phí phòng chống dịch của các bệnh viện công

Đề nghị xác định lại chi phí phòng chống dịch của các bệnh viện công

Đại biểu Tạ Thị Yên, Phó Ban Công tác đại biểu đề nghị cần rà soát, xác định lại chi phí tài chính trong phòng chống dịch bệnh vừa qua của các bệnh viện công.