Câu chuyện tách, nhập 3 văn phòng (đoàn ĐBQH, HĐND và UBND) được đưa ra thảo luận tại phiên họp UB Thường vụ QH cho ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương hôm qua.

Tạo cơ sở pháp lý sắp xếp tổ chức lại 3 văn phòng sau thí điểm

Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, nhiều ý kiến của ĐBQH và ý kiến thẩm tra của UB đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương nhằm thực hiện chủ trương hợp nhất 3 văn phòng đoàn ĐBQH, HĐND và UBND.

{keywords}
Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định

Theo ông Định, tờ trình của Chính phủ cho rằng, việc hợp nhất 3 văn phòng đang thực hiện thí điểm theo Nghị quyết của QH và UB Thường vụ QH.

Trong quá trình xây dựng dự án luật, Chính phủ đã cân nhắc kỹ và đề nghị chưa quy định trong dự thảo luật những vấn đề đang thí điểm, chưa thực hiện việc sơ kết, tổng kết theo chủ trương của cấp có thẩm quyền.

Thường trực UB Pháp luật thấy rằng, chủ trương hợp nhất 3 văn phòng này thành 1 văn phòng tham mưu, giúp việc chung đã được nêu tại Nghị quyết số 18 của TƯ.

Đã có 12 địa phương thực hiện thí điểm, nếu không sửa các quy định liên quan đến bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương thì sẽ không tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp, tổ chức lại 3 văn phòng.

Và như vậy, sau khi kết thúc việc thí điểm, để tổ chức, sắp xếp lại các văn phòng khác với hiện nay thì Chính phủ lại phải trình QH sửa đổi, bổ sung luật để quy định về vấn đề này.

Vì vậy, Thường trực UB Pháp luật đề nghị cần sửa đổi ngay các quy định có liên quan đến bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương để tạo cơ sở pháp lý, dự liệu trước cho việc sắp xếp tổ chức lại 3 văn phòng sau thí điểm.

Cụ thể là sửa đổi, bổ sung các quy định theo hướng không quy định Chánh Văn phòng HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ thuộc cơ cấu của Thường trực HĐND cấp tỉnh.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung điều 127 về bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương theo hướng khái quát về cơ quan, chức năng, nhiệm vụ mà không xác định cụ thể tên gọi của cơ quan này.

Lần này đừng có tách ra, nhập vào nữa

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho biết, hiện 12 địa phương sáp nhập 3 văn phòng với nhau và qua thí điểm mới thấy có vấn đề nảy sinh. Từ thảo luận của HĐND các địa phương, thấy rằng 'đúng là có chuyện'.

Theo ông, nếu văn phòng HĐND, đoàn ĐBQH cùng hệ thống dân cử nhập vào là hợp lý, không ai phản đối. Tuy nhiên lại sáp nhập văn phòng cơ quan dân cử với văn phòng UBND mặc dù là cơ quan giúp việc nhưng vẫn làm chuyên môn sẽ phát sinh vấn đề.

{keywords}
Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển

Ông cho rằng đây là câu chuyện cần xem xét lại: “Văn phòng UBND không chỉ làm chuyện ‘cơm ngon, canh ngọt’ mà chính là làm chuyên môn. Một ông Chánh văn phòng đưa ra vấn đề, bên tay này là báo cáo, tay này thẩm tra. Cùng một tay cầm 2 cái còi thì Văn phòng như 1 cổ phục vụ 2 cái đầu không biết ngoái kiểu nào”.

Vì vậy theo ông, tốt nhất đưa ra 2 phương án. Một là theo hướng thí điểm, 3 làm 1, 1 cổ 3 cái đầu. Phương án 2 là chỉ hợp nhất 2 cơ quan là văn phòng HĐND và văn phòng đoàn ĐBQH. Tháng 10 xin ý kiến TƯ về 2 phương án này để chốt lại.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng tình để 2 phương án xin ý kiến TƯ.

“Tôi nói nhập vào tách ra lần này là lần thứ 3. Lúc tôi làm ở Hải Dương đã tách ra nhập vào, rồi khi làm luật khoá 13 thì lại tách ra, giờ lại nhập vào. Thôi lần này đừng có tách ra nhập vào nữa, cứ mỗi lần làm thế thay đổi con dấu rồi đủ thứ chuyện”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Theo bà, việc thí điểm trong 3 quý thì có thể đánh giá được vào tháng 10 để làm sao QH họp kỳ tới, bước qua tháng 11 có cơ sở đánh giá tác động.

Nếu bí thư tỉnh làm chủ tịch HĐND thì khóa tới không có ĐBQH là bí thư

Nếu bí thư tỉnh làm chủ tịch HĐND thì khóa tới không có ĐBQH là bí thư

Đó là băn khoăn của Chủ tịch QH khi Thường vụ QH thảo luận sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ và luật Tổ chức chính quyền địa phương chiều nay.

Thu Hằng