- Chính phủ hôm nay đề nghị với UB Thường vụ QH nâng mức dư nợ nguồn vốn huy động tối đa lên cao hơn 30% đối với Đà Nẵng.

Đây là một trong những kiến nghị trong dự thảo Nghị định quy định một số cơ chế đặc thù về đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đối với TP Đà Nẵng.

Trong bối cảnh nhu cầu huy động vốn lớn và việc sử dụng nguồn vốn đầu tư lâu nay có hiệu quả, Đà Nẵng cho rằng với mức dư nợ từ nguồn huy động hàng năm khoảng 1.300 tỷ đồng sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đảm bảo nguồn lực để thực hiện đầu tư các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.

{keywords}

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân. Ảnh: Quochoi.vn

Vì vậy, Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ trình UB Thường vụ QH nâng mức dư nợ nguồn vốn huy động tối đa từ 30% theo quy định hiện hành lên 100%. Khi luật Ngân sách nhà nước mới có hiệu lực từ năm ngân sách 2017 thì thực hiện theo quy định của luật này, để đưa mức dư nợ vay tối đa lên khoảng 3.000 tỷ đồng.

Đà Nẵng đề xuất "vay nợ" thông qua hình thức phát hành trái phiếu chính quyền địa phương và các hình thức huy động khác. Tổng nguồn vốn huy động không vượt quá 100% tổng mức vốn đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách địa phương.

Cơ quan thẩm tra, UB Tài chính Ngân sách QH thấy đề nghị này là cần thiết, nhất trí với Chính phủ nhằm tạo thuận lợi cho Đà Nẵng trong huy động nguồn lực.

Nhưng có một số ý kiến đề nghị cho phép Đà Nẵng huy động vốn theo tỉ lệ cao hơn mức 30% hoặc bằng mức huy động của TP.HCM (60%) theo quy định của luật Ngân sách NN 2015, nếu Đà Nẵng có khả năng trả nợ đúng hạn.

Cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này vì cho rằng, việc nâng mức trần dư nợ từ 30% vốn đầu tư phát triển trong nước của thành phố lên 100% là mức nâng khá lớn, cần được xem xét, tính toán và cân nhắc đến khả năng trả nợ của địa phương.

Thảo luận tại UB Thường vụ QH hôm nay, Chủ tịch UBND Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết: Theo luật Ngân sách NN 2015 (sẽ có hiệu lực từ 1/1/2017), Đà Nẵng không còn một ưu đãi nào, trong khi TP có lịch sử lâu dài huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn đầu tư để phát triển.

"Đà Nẵng mong được nâng mức này lên cao hơn trên 30%, bao nhiêu thì UB Thường vụ QH xem xét quyết định, có thể bằng mức của TP.HCM. Thành phố tự tin rằng sẽ sử dụng hiệu quả và có khả năng trả nợ", ông Thơ nói.

"Đây cũng sẽ là động lực để phấn đấu tăng thu, phát triển kinh tế. Đà Nẵng cũng mong được phân cấp mạnh hơn để tự chủ giải quyết thủ tục trong quản lý nhà nước và quản lý doanh nghiệp. Vì thành phố có đội ngũ và năng lực quản lý tốt, không cần tốn nhiều thủ tục ra trung ương".

Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển cho rằng Đà Nẵng khó có thể được mức bằng Hà Nội và TP.HCM, vì 60% số thu là con số lớn, tuy số thu của Đà Nẵng thì không lớn bằng.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh việc này không phải cho tất cả các thành phố trực thuộc TƯ, mà chỉ riêng cho Đà Nẵng. Cơ chế đặc thù cho Đà Nẵng đã được quy định tại Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị, sau đó đã có họp đánh giá và ra Kết luận số 75.

"Đây là cơ sở để ra các cơ chế đặc thù, chứ không phải tỉnh nào cũng có, liên quan đến vị trí và vai trò của Đà Nẵng đối với kinh tế miền Trung. Là thành phố động lực, Đà Nẵng xứng đáng được hưởng, nhưng phải đảm bảo khả năng trả nợ", bà Ngân nói.

Về tỉ lệ, bà Ngân cho rằng không nên vung tay quá trán dẫn đến nợ công cao, Đà Nẵng sẽ phải chịu.

Thực tế, trên cơ sở các văn kiện của Bộ Chính trị, Chính phủ đã cho phép Đà Nẵng huy động vốn đến mức 100% (theo luật Ngân sách NN hiện hành) từ năm 2014, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đưa ra con số 40% theo luật Ngân sách NN mới, đồng thời khống chế bội chi và đầu tư công.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển nói: Cơ chế này sẽ áp dụng từ 1/1/2017, còn mức huy động thống nhất là không quá 40% số thu ngân sách của Đà Nẵng, cao hơn quy định chung 10% nhưng thấp hơn mức của Hà Nội và TP.HCM (hiện là 60%).

Chung Hoàng