Thông tin trên được công bố tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới ngành Công Thương, tổ chức tại Thanh Hoá ngày 2/10.  

{keywords}
Trong 10 năm qua, số đề tài nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm hơn 50% trong tổng số các đề tài nghiên cứu KHCN của ngành Công Thương.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho hay, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM) trở thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020 của đất nước.

Mục tiêu chủ đạo là xây dựng nông nghiệp, nông thôn với cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển công nghiệp, dịch vụ, đô thị; không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hòa giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở khu vực còn nhiều khó khăn.

Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cũng nhấn mạnh, trải qua gần 10 năm (2010-2019) xây dựng NTM mặc dù gặp không ít thách thức nhưng với quyết tâm của cả ngành và chung tay đồng thuận từ phía người dân, chương trình đã đạt được những kết quả quan trọng.

Cụ thể, hệ thống lưới điện khu vực nông thôn cả nước hoàn thiện nhờ được đầu tư, nâng cấp từ nhiều nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu điện sản xuất và sinh hoạt của người dân. Số liệu từ Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, tổng số vốn cả nước đã đầu tư cho phát triển lưới điện nông thôn tính đến nay là 48.291 tỷ đồng.

Việc chuyển đổi mô hình quản lý điện nông thôn đã bước đầu mang lại hiệu quả. Người dân trước đây phải sử dụng điện giá cao, chất lượng điện không ổn định thì nay đã được mua điện với giá thống nhất theo quy định của Chính phủ. Tương tự với tiêu chí số 7, hệ thống chợ được đầu tư đúng quy hoạch, phù hợp với tình hình thực tế đã phát huy hiệu quả,tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc mua bán, trao đổi hàng hóa.

Đáng lưu ý, thông qua phong trào thi đua “Ngành Công Thương chung sức xây dựng NTM”, các đơn vị thuộc Bộ và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Công Thương nhiệt tình hưởng ứng.

Tiêu biểu, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã liên kết với hội nông dân các địa phương mở đại lý bán phân bón cho nông dân với hình thức trả chậm không tính lãi; Công đoàn Tổng Công ty CP Thiết bị điện Việt Nam có chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân mua máy móc phục vụ nông nghiệp nông thôn với giá ưu đãi và trả tiền sau; Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hoàn thành dự án cấp điện đến hộ đồng bào nghèo, đồng bào dân tộc và đưa điện lưới quốc gia ra các huyện đảo…

Với những kết quả trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khẳng định: Ngành Công Thương có đóng góp quan trọng trong thành quả thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Bộ Công Thương cũng đã tích cực phối hợp với Bộ NN&PTNT tham mưu trình Chính phủ ban hành nhiều cơ chế chính sách chung và chính sách riêng trong lĩnh vực điện và thương mại nông thôn phù hợp với thực tế, giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM.

Đặc biệt, nỗ lực đưa điện tới vùng sâu, vùng xa, huyện đảo, không chỉ góp phần phát triển kinh tế mà còn đảm bảo an ninh quốc phòng; các hình thức thương mại hiện đại đã phát triển ở khu vực nông thôn là điểm nhấn của ngành, đây cũng là tiêu chí vượt xa nhất so với mục tiêu Chính phủ giao.

Mặc dù đạt những kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên Bộ Công Thương vẫn gặp nhiều khó khăn trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Nói về điều này, ông Bùi Quốc Hùng- Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo bày tỏ: Khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo dân cư sống không tập trung nên hiệu qủa đầu tư lưới điện gần như âm, huy động vốn cho đầu tư khu vực này rất khó khăn. Việc di dân nhất là tại khu vực Tây Nguyên khiến sinh sôi các hộ dân ở vùng chưa có kế hoạch cung cấp điện, nên thường xuyên phải bổ sung quy hoạch. “

Tuy rằng hiện 98% số hộ trên cả nước đã được sử dụng lưới quốc gia nhưng số hộ còn lại phân bố ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo không thể kéo điện, hoặc có thể kéo nhưng rất tốn kinh phí. Đây là thách thức với ngành điện trong thực hiện mục tiêu đến năm 2020, 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia”, ông Bùi Quốc Hùng nói.

Tương tự với cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, đa số các chợ nông thôn đã được xây dựng từ lâu, cơ sở hạ tầng yếu kém, thiếu các hạng mục thiết yếu, hoạt động không hiệu quả, không thu hút được đầu tư, xã hội hóa. Trong khi nguồn vốn ngân sách dành cho phát triển lại rất hạn chế, không đáp ứng nhu cầu. Nhận thức thức của một bộ phận người dân, tiểu thương kinh doanh, cán bộ sợ mất quyền lợi, không muốn thay đổi nên ảnh hưởng đến công tác chuyển đổi mô hình quản lý, tư tưởng còn trông chờ, ỷ lại.

Bài: Lê Tuyết Nhung - nhóm PV
Ảnh: Trần Quang Ninh - nhóm PV