UB Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang mới đây thông báo kết quả kiểm tra, xử lý đối với cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và xác định có 151 cán bộ, đảng viên có liên quan.

Tỉnh kiểm tra, xem xét, xử lý đối với 137 trường hợp, trong số này có bà Phạm Thị Hà, Phó giám đốc Sở NN&PTNT (vợ nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang, Phó trưởng Ban Kinh tế TƯ Triệu Tài Vinh), em chồng bà Hà đã tác động nâng điểm thi cho con bà.

Nhiều độc giả gửi ý kiến tới VietNamNet cho rằng kết quả xử lý còn quá nhẹ, chưa thuyết phục.

Người hạ uy tín là người nhà

Ban đọc Bảo An cho rằng, hình thức kỷ luật quá nhẹ, chỉ kiểm điểm và kiểm điểm sâu sắc liệu có răn đe nổi không?

Bạn đọc Nguyễn Văn Miện nhắc lại lời ông Triệu Tài Vinh hồi năm 2018 khi có nghi vấn con ông được nâng điểm: “Nếu cháu nó học kém, hoặc tôi phải chạy vào trường chuyên, tôi chịu trách nhiệm. Con gái tôi nằm trong danh sách bị nâng điểm thì tôi không biết thế nào. Có thể họ lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao?”.

Bạn đọc Miện lập luận, như vậy suy nghĩ của ông là đúng nhưng có điều người nhằm hạ uy tín chính là người nhà ông.

{keywords}
Ảnh minh họa: Dân trí

“Vợ lén chồng để yêu cầu nâng điểm cho con, vậy rõ là vợ lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình mà trục lợi. Mà để vợ, người thân lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để trục lợi thì cán bộ đó phải thể nào?”, bạn đọc Hai lúa đặt vấn đề.

Một số độc giả thắc mắc vì sao con được nâng điểm mà chỉ có vợ ông bị kiểm điểm, yêu cầu rút kinh nghiệm, chưa thấy ông Triệu Tài Vinh phải chịu trách nhiệm. Theo bạn đọc Phong Anh: “Để vợ con làm điều sai trái thì ông Triệu Tài Vinh phải bị liên đới”.

Cùng đặt nghi vấn về hình thức kỷ luật đối với vợ ông Vinh, bạn đọc Linh Võ ý kiến “Sao em chồng tác động nâng điểm cho con, mà chồng không bị kiểm điểm, vợ lại bị?”. Bạn đọc Hữu Phú đề nghị "UB Kiểm tra TƯ phải vào cuộc thì mới ra nhẽ được”.

Không công bằng, không đủ sức răn đe

Trong danh sách 151 cán bộ, đảng viên có liên quan đến sai phạm, có nhiều cái tên lần đầu tiên được nhắc đến. Bạn đọc nêu thực tế: Những người có tên trong danh sách là những người có chức, có quyền, là giáo viên, công an, bác sĩ... Nhưng sau những cái tên chính được nêu ra thì là để vợ, để chồng, để em họ tác động vào người khác giúp con....

Bạn đọc Như Hoa bình luận: Sao danh sách toàn thấy con em quan chức và người nổi tiếng thôi, không có trường hợp nào nhầm vào con em nông dân và con nhà nghèo cả...?. “Toàn con cháu cán bộ, con dân chẳng có ai” - bạn đọc Võ Hoàng Minh có chung ý kiến.

UB Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang yêu cầu rút kinh nghiệm lần này cho những cán bộ mắc sai phạm, theo độc giả là chưa đủ sức răn đe, làm gương. Bạn đọc Nguyễn Chiến e ngại rằng: “Những lần sau những kẻ khác sẽ làm tinh vi hơn, không để người ta biết”.

Bạn đọc Nguyễn Anh Đức bày tỏ quan điểm: “Chỉ khiển trách cảnh cáo. Cuối cùng chỉ một số người nhận là chồng, vợ, em chồng tác động xem hoặc xin nâng điểm.

Những người này chỉ bị kỷ luật xong vẫn tại vị chức vụ, vẫn đi rao giảng cho cấp dưới là phải liêm chính, phải chống tham nhũng, phải đấu tranh cho công bằng, vậy người dân có tin không?”.

Bạn đọc Nông dân chia sẻ: Học sinh nếu có quay cóp trong kỳ thi thôi sẽ bị 0 điểm, điểm liệt hay đuổi học. Vậy mà nâng điểm lừa dối có hệ thống mà chỉ cảnh cáo. Vậy có công bằng không?

Nhìn nhận một cách lạc quan, bạn đọc Bùi Hữu Lộc ý kiến: “Hàng loạt cán bộ từ lớn tới nhỏ của tỉnh nâng điểm cho con rất may là bị phát hiện và xử lý nếu không phát hiện thì một ngày nào đó thế hệ tương lai sẽ ra sao”...

Bạn đọc Lê Hoài Nam hoan nghênh Đảng bộ Hà Giang rất nghiêm túc, xử lý nghiêm khắc nhưng có tình có lý.

"Rất mong các đồng chi có vi phạm kiểm điểm sâu sắc và phấn đấu lập thành tích để được xóa kỷ luật trong thời gian quy định", bạn đọc Nam viết.

Yêu cầu kiểm điểm vợ ông Triệu Tài Vinh trong vụ nâng điểm thi ở Hà Giang

Yêu cầu kiểm điểm vợ ông Triệu Tài Vinh trong vụ nâng điểm thi ở Hà Giang

Có 46 cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, vi phạm đã bị xử lý kỷ luật do sai phạm trong kỳ thi TPHT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Hà Giang.

T.Nam