Sinh ra trong một gia đình nghèo, lớn lên anh Đinh Tý (SN 1984, ở thôn Nhân Nam, xã Nhân Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đi xuất khẩu lao động với hy vọng đổi đời.

{keywords}
Những đống rác thải lớn ở quê khiến anh Tý trăn trở

Suốt 12 năm qua, anh làm việc tại Đức, Hàn Quốc, Đài Loan. “Tôi làm rất nhiều việc, từ công nhân, đi đánh cá, đến làm nông nghiệp rồi đầu bếp. Trong những lần về phép, tôi rất ngỡ ngàng vì sự thay đổi của quê hương, nhưng cũng lo lắng về vấn đề vệ sinh môi trường, xử lý rác thải.

Dòng Rào Con chảy qua làng, ngày trước trong xanh là vậy mà giờ đang chết dần bới rác thải người dân vứt xuống”, anh Tý buồn bã. 

{keywords}
Thuê máy múc khơi thông dòng Rào Con

Các chị gái của anh cũng lấy chồng, định cư ở nước ngoài. Tháng 6 vừa qua, anh và các cháu về quê chơi.

Chiều chiều dẫn 10 đứa cháu ra biển chơi mà không đứa nào chịu xuống tắm vì bãi biển đầy rác.

“Ngay ngày hôm sau, tôi đã mang cào ra biển, dọn dẹp, nhặt hết sạch rác thải. Lúc thấy cháu chạy ào xuống biển, tôi nghĩ ngay đến việc mình phải làm”, anh Tý tâm sự.

{keywords}
Công việc hàng ngày của anh Tý 

 

{keywords}
Anh Tý chèo thuyền vớt rác

Đem ý tưởng thu gom rác thải, vận động người dân giữ gìn vệ sinh môi trường nói với gia đình, anh bị gạt phắt ngay vì bao năm nay, chính quyền địa phương, các tổ chức đã vào cuộc nhiều lần nhưng vẫn không cải thiện được tình hình thì một mình sao lay chuyển được.

Dù bị cản, anh vẫn quyết tâm thực hiện. Đầu tiên anh trao đổi và viết đơn trình bày, xin ý kiến lãnh đạo xã Nhân Trạch.

Được sự đồng thuận của chính quyền, anh kêu gọi nguồn đầu tư từ những người bạn đang làm ăn ở nước ngoài, sau đó mua sắm loa máy và 120 thùng đựng rác đặt tại chợ, các trục đường chính trong xã và các trường học trên địa bàn. 

{keywords}
Dòng Rào Con trước và sau khi được dọn rác

Hàng ngày, anh cùng các cán bộ Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ xã đến những nơi người dân họp chợ tự phát để tuyên truyền, vận động bà con vào nơi quy định để buôn bán.

Anh Tý cũng cho in hàng chục tấm biển với nội dung: “Xin ông bà, cô bác, chú dì, anh chị… hãy bỏ rác vào thùng vì Nhân Trạch xanh-sạch-đẹp. Xin cảm ơn!”

Anh còn đứng “canh” hàng giờ ở nơi người dân hay xả rác để nhắc bỏ rác đúng nơi quy định. 

Không dừng lại ở việc thu gom rác thải, anh Đinh Tý còn thuê máy múc nạo vét dòng kênh Rào Con.

“Tổng kinh phí cho việc làm sạch môi trường xã nhà là gần 100 triệu đồng, trong đó 60 triệu đồng là nguồn tôi kêu gọi được từ người thân, bạn bè đang làm ăn ở nước ngoài, còn lại là tiền túi tôi bỏ ra”, anh nói.

Người dân đã quen với việc từ sáng sớm, anh Tý đứng ở cầu gỗ, nơi con đường dẫn vào trung tâm xã Nhân Trạch để nhắc nhở bà con không họp chợ trên đường, để xe đúng nơi quy định, tránh ách tắc giao thông.

Chốc lát, lại thấy anh đứng ở bờ kè động viên những người lái máy múc đang khơi thông dòng kênh Rào Con. Chiều xế bóng, họ lại thấy anh cùng nhiều người khác đang nhặt rác ở bãi biển.  

{keywords}
Phút thảnh thơi của anh Tý sau khi hoàn thành công việc dọn dẹp rác thải

Gần 2 tháng trời cần mẫn, hình ảnh chàng thanh niên đội mũ cối, mặc áo phông để lộ hình xăm trên người đi đến đâu cũng nhặt rác, luôn miệng nhắc nhở khiến nhiều người phải suy nghĩ.

Những việc làm của anh bước đầu đã đem lại hiệu quả, bờ biển được dọn sạch rác, kênh Rào Con đã khơi thông dòng chảy, những đống rác bốc mùi nồng nặc quanh chợ đã được dọn dẹp, cảnh quan môi trường ngày một sạch sẽ hơn. 

{keywords}
Quê nhà Nhân Trạch của anh ngày càng xanh sạch đẹp

Ông Phạm Mạnh Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Nhân Trạch cho biết: “Tương lai của xã là trở thành một điểm du lịch nên công tác vệ sinh môi trường là rất quan trọng. Anh Tý đã vào cuộc với địa phương, vận động bà con nhân dân nâng cao ý thức, bảo vệ môi trường.

Hiện xã đang chỉ đạo các lực lượng phối hợp với anh Tý tiếp tục công việc giữ cho môi trường luôn xanh, sạch, đẹp".

“Nhiều người trước đây nói tôi “khùng”, “điên” nhưng giờ cũng xắn tay dọn rác cùng, đó là điều tôi vui nhất”, anh Tý tâm sự.

Hải Sâm

Chuyên gia Nhật: Sở TN&MT TP.HCM chưa hiểu công nghệ làm sạch sông Tô Lịch

Chuyên gia Nhật: Sở TN&MT TP.HCM chưa hiểu công nghệ làm sạch sông Tô Lịch

Chuyên gia Nhật Bản cho rằng báo cáo của Sở TN&MT TP.HCM có nhiều nhận định sai về công nghệ Nano-Bioreactor đang áp dụng tại sông Tô Lịch.