Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ô Píc vừa ký ban hành Chỉ thị số 15 về việc chấn chỉnh một số nội dung trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh.

Theo nội dung chỉ thị, thời gian qua, Sở TN&MT, các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý về đất đai. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn bộc lộ một số thiếu sót, hạn chế. 

Cụ thể, việc tổ chức lập, thẩm định quy hoạch sử dụng đất, phương án phân bổ khoanh vùng đất đai còn chưa tốt, thiếu linh hoạt, chưa cho thấy được vai trò điều phối và định hướng chiến lược của cơ quan quản lý đất đai cấp tỉnh.

Việc quản lý chỉ tiêu sử dụng đất và lập danh mục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng chưa khoa học, thường xuyên bị động, không nắm chắc số liệu; việc thẩm định hồ sơ giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất còn sơ sài, chưa kỹ lưỡng, thiếu thủ tục, còn nhiều hồ sơ trình UBND tỉnh nhưng có sai sót lớn, phải trả lại, gây mất thời gian.

{keywords}
Việc quản lý đất đai tại tỉnh Bắc Giang được xác định còn một số tồn tại. Ảnh: Nguyễn Miền

Việc xử lý các vi phạm về đất đai còn thiếu quyết liệt, hiệu quả chưa cao. Công tác quản lý các dự án hết hạn sử dụng đất và sau khi được gia hạn sử dụng đất chưa được quan tâm đúng mức. Đáng chú ý, trong thời gian gần đây có biểu hiện lơ là, ít chú trọng kiểm tra, đôn đốc, tổ chức thực hiện. Tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai rất chậm, ý thức trách nhiệm của các cấp, ngành đối với nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh còn hạn chế.

Từ một số tồn tại nêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang yêu cầu Sở TN&MT, các cơ quan liên quan và UBND các huyện, thành phố cần nghiêm túc rút kinh nghiệm. Đồng thời, người đứng đầu UBND tỉnh Bắc Giang giao một số nhiệm vụ cụ thể đối với từng đơn vị. 

Sở TN&MT cần nghiên cứu phương án chuẩn bị sẵn sàng việc phân bổ chỉ tiêu sử dụng đất cho các huyện, thành phố. Sở cần có văn bản hướng dẫn các địa phương bố trí kinh phí, lựa chọn đơn vị tư vấn thực hiện nhiệm vụ lập quy hoạch theo đúng quy định đảm bảo có được sản phẩm đầy đủ, chất lượng cao.

Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT tổ chức làm việc với từng huyện, thành phố rà soát kỹ lưỡng, đảm bảo đối khớp giữa quy hoạch sử dụng đất cấp huyện điều chỉnh với phương án quy hoạch tỉnh được duyệt.

Việc thẩm định quy hoạch sử dụng đất các huyện, thành phố phải được thực hiện nghiêm túc, kỹ lưỡng, phải có tiêu chuẩn rõ ràng, khắc phục bằng được tư duy “tùy tiện”, “đại khái” trong lập quy hoạch. 

Đối với việc xử lý các vi phạm về đất đai, đảm bảo đến hết ngày 31/12/2021 tất cả các vi phạm về đất đai phát sinh sau ngày ban hành chỉ thị phải được xử lý xong theo đúng kế hoạch đề ra trước đó.

Trước ngày 30/12/2021, Sở TN&MT phải tổ chức công bố công khai trên trang điện tử của UBND tỉnh danh sách (đã phát hiện và xử lý) các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc chậm tiến độ sử dụng đất 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư.

Đoàn Bổng

Khi mét vuông đất rừng có giá tương đương nửa gói xôi

Khi mét vuông đất rừng có giá tương đương nửa gói xôi

Năm 2021, các sở ngành tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị chủ đầu tư dự án Khu đô thị Nam Đà Lạt (Lâm Đồng) đền bù 19 tỷ đồng vì làm mất 257ha đất rừng. Tính ra, mỗi m2 rừng có giá 7,4 nghìn đồng, bằng nửa gói xôi.