- Xã Tiên Cảnh (huyện Tiên Phước, Quảng Nam) hiện còn lưu giữ “dấu xưa” những ngôi nhà cổ bằng gỗ mít trên 160 năm. Nhiều xóm có cảnh sắc kiến trúc là “đặc sản” của đá.

Sau một hồi lặn lội, chúng tôi đến được ngôi nhà ba gian, hai chái của ông Nguyễn Đình Hoan ở làng cổ Lộc Yên (thuộc thôn 2, xã Tiên Cảnh), nằm lưng chừng trên một quả đồi.

Ngôi nhà có 36 cột chính, trong đó có 16 cột cái cỡ một người ôm, còn lại là cột con và cột hiên. Gỗ tạo dựng lên ngôi nhà đều toàn bằng gỗ mít lâu năm, bóng loáng.

{keywords}

{keywords}

Những bậc thềm, tường đá ở Tiên Cảnh

Trên những cây kèo, đòn tay được chạm những hoạ tiết khắc lên dấu vết trăm năm với hình hoa cúc, hoa mai và hình thù con chim, dơi...

Nhìn kỹ những đường nét uốn cong thấy một “tác phẩm” nghệ thuật về biệt tài chạm lộng, chạm nổi trong nghề điêu khắc gỗ.

Ông Hoan cho biết: ngôi nhà có từ đời ông cố, nối dài thời gian trên 160 năm tuổi, trải qua 4 thế hệ. Chỉ khác xưa một chút là trước đây mái lợp bằng đất, nay thay đổi bằng ngói âm dương.

Đi khoảng 500m nữa là đến ngôi nhà ông Nguyễn Đình Mẫn, với nét kiến trúc cổ khá nguyên vẹn. Ông Mẫn còn lưu giữ “dấu xưa” cùng thời với ngôi nhà đó là bàn tròn cổ tự xoay, gương đựng vật dụng và cái quả đựng bánh.

Khuôn viên nhà ông Mẫn rộng 1ha. Ngôi nhà cổ dựa lưng vào vách núi, phía trước là cánh đồng lúa. Đến ngôi nhà cổ của ông Mẫn có một khác lạ là đang đi trên con đường bê tông xi măng, xuyên qua cánh đồng, bước lên khỏi ruộng là “đụng” đá.

{keywords}
Nhà cổ ở Tiên Cảnh

{keywords}

Giếng nước được xếp bằng đá

Từ cửa ngõ trườn lên dốc cao nối dài qua các bật tam cấp đều lát bằng đá. Cạnh lối đi là bờ đá cao dựng đứng ngăn cách con đường và sân vườn.

“Năm ngoái có người ngỏ lời hỏi mua 5 tỉ đồng. Tuy nhiên, không phải mua ngôi nhà cổ không mà trong đó mua hết cả khuôn viên có cả “tài sản” đá” - ông Mẫn nói.

Tại đây, hiện còn 5 ngôi nhà cổ mà trong khuôn viên đều có kiến trúc bằng đá. Tuy nhiên, không chỉ những ngôi nhà cổ có kiến trúc đá trải qua trên 100 năm, mà hàng trăm ngôi nhà ở thuộc thế hệ sau này cũng được bàn tay con người nhọc công “trang trí” hàng rào đá, bờ đá.

Tuỳ theo khuôn viên nhà rộng hẹp, thế nhưng những ngôi nhà đều có nét chung là trước nhà là hàng rào đá vững chãi; còn lối vào ngõ đá được xếp “tạo dáng” vòng cung mềm mại.

Trong vườn nhà cũng được người dân ở đây kỳ công xếp những bờ đá để mùa mưa ngăn không xói lở đất đồi dốc, từ đó hình thành những mảnh vườn bậc thang để trồng rau, hoa.

Chị Nguyễn Kim Thiện, cán bộ phụ trách bảo tàng của Phòng VH-TT huyện Tiên Phước cho hay: “Nhiều đoàn tham quan đến huyện Tiên Phước đều yêu cầu đưa lên đây chiêm ngưỡng kiến trúc đá. Có đoàn chịu khó đi cả ngày đến từng ngõ đá, không bỏ sót nhà nào”.

Đến thôn 4 (xã Tiên Cảnh), xóm nhà thưa thớt bình yên, “mười nhà như chục” lối nhỏ vào nhà đều được lát đá.

Những ngõ đá trải dài như đang “rải bùa mê” đoàn người từ xa đến. Đá xếp từng dãy tỉ mẩn, công phu, hoang sơ không hề có mạch hồ.

Qua thôn 6 (xã Tiên Cảnh), nhà ở cạnh nhau đông đúc hơn, thế nhưng trụ cửa ngõ nhà nào cũng được tạo dáng bởi “lôgô” đá (đá xếp thành trụ cửa ngõ).

Trước nhà, hàng rào chạy dọc theo con đường, đá trải dài như “nối vòng tay” bao bọc khắp xóm.

Ông Trần Văn Long (56 tuổi), ở thôn 6 xởi lởi: Cha sanh mẹ đẻ ra tôi đã thấy kiến trúc đá. Lớp trẻ sau này của tôi lập gia đình cất nhà ở riêng, ngoài thời gian làm đồng tranh thủ ra sau đồi gánh đá về để dành, rảnh hồi nào chất hồi đó.

Khi nào thấy trong khuôn viên mùa mưa không còn chỗ xói lở mới thôi. Vì vậy có những bờ đá cao hơn gang tay dài 1m, có bờ đá dài 3m, thế nhưng cũng có những bờ đá cao hơn 1m, dài 10m để ngăn vách núi.

{keywords}

{keywords}

Rất nhiều đoàn khách đến Quảng Nam đã tìm đến đây tham quan

Nhà thì cất nhanh nhưng “công trình” đá này phải nhọc công xếp từng dãy, năm này qua tháng nọ kéo dài 3 – 5 năm mới xong.

Bên cạnh đó, thêm một sự kỳ vĩ nữa của đá là con sông Đá Giăng. Dòng sông mùa cạn, có nơi ló ra những tảng đá to bằng cái nong, cái sàng nhô lên khỏi mặt nước giống như cây cầu gãy từng đoạn nhỏ nối đôi bờ sông.

Có nơi lớp đá nhô lên cao như con đập đá ngăn dòng sông, nước chảy qua khe hở “đập đá” uốn cong dòng nước tạo nét thơ mộng.

Gọi là sông Đá Giăng nên hầu như dưới dòng sông không có chỗ nào không có đá. Mùa này nước sông trong vắt chảy lững lờ, dưới ánh nắng chói chang nhìn xuống dòng sông ánh lên sắc màu của đá…

Ông Đặng Công Dung, Trưởng phòng VH-TT huyện Tiên Phước cho hay: Đặc trưng của cảnh sắc Tiên Cảnh là kiến trúc đá. Đá là một “đặc sản” làm nên khung cảnh nơi đây. Tiên Cảnh là vùng bán sơn địa, gò đồi xen lẫn ruộng đồng. Ở đây mặc dù trải qua sự thay đổi của thiên nhiên cũng như sự hủy diệt của chiến tranh, nhưng đến nay vẫn còn giữ nguyên dáng vẻ, nét đẹp tự nhiên ban đầu.

Trâm Trân