Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh vừa ký văn bản về việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 9 và các tháng cuối năm 2021.

Theo UBND TP, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố đang diễn biến rất phức tạp, khó lường; còn phát sinh nhiều ca mắc mới trong cộng đồng tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện ổ dịch mới. Trong khi đó, nếu kéo dài giãn cách xã hội sẽ gây nhiều hệ lụy, tác động tới nền kinh tế, xã hội. 

{keywords}
Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường của người dân. Ảnh: Đình Hiếu

UBND TP yêu cầu các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã, trực tiếp là các thủ trưởng, tư lệnh ngành coi công tác chủ động tấn công, dập dịch Covid-19 là nhiệm vụ quan trọng, ưu tiên hàng đầu hiện nay; tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm chiến thắng dịch bệnh cao nhất với phương châm “khóa nhanh, xóa gọn vùng đỏ, mở rộng, bảo vệ vững chắc vùng xanh”.

Đồng thời, tập trung phát triển KT-XH, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp tình hình dịch bệnh và trong thời gian giãn cách Thành phố.

UBND TP đề nghị các đơn vị khẩn trương tập trung tổ chức thực hiện quyết liệt, hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với cấp xã, phường tại thành phố Hà Nội về phòng, chống dịch Covid-19.

Sở Y tế được giao chủ trì cùng các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tham mưu Ban Chỉ đạo Thành phố phương án, kịch bản phòng, chống dịch sau đợt giãn cách thứ 3 trên địa bàn Thành phố theo phương châm siết chặt hơn, áp dụng một số biện pháp cao hơn đối với những khu vực nguy cơ rất cao, nguy cơ cao, khu vực “vùng đỏ”, “vùng da cam”. 

Tiếp tục xét nghiệm diện rộng theo kế hoạch trên toàn Thành phố, nâng cao năng lực xét nghiệm, ưu tiên xét nghiệm cho các khu vực phong tỏa hoặc khu cách ly “nhóm đỏ” (tần suất 2-3 ngày/lần); tại các khu vực có nguy cơ cao “nhóm da cam” (tần suất 5-7 ngày/lần); song song với việc ưu tiên xét nghiệm theo hộ gia đình tại các “nhóm xanh” cũng cần thực hiện nhanh chóng, kịp thời để bảo vệ và dần mở rộng “nhóm xanh”. 

Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ bao phủ vắc xin trên địa bàn ngay khi có nguồn vắc xin phân bổ về Thành phố.

Sở Y tế chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, ưu tiên tiêm ngay cho các đối tượng có nguy cơ cao, hộ gia đình tại các khu vực đông dân cư, ngõ/hẻm giáp ranh ổ dịch nhằm tăng cường miễn dịch cộng đồng cho người dân trong vùng nguy cơ cao…

Được phép mới ra đường

UBND TP giao Công an Thành phố kiểm soát chặt chẽ việc đi lại của người dân trong dịp Lễ Quốc khánh 2/9 và thời gian giãn cách xã hội, đồng thời phân luồng, tổ chức tốt giao thông, không để tập trung đông người tại các chốt kiểm soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp giả mạo giấy đi đường.

Công an Thành phố chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện việc quản lý chặt chẽ hoạt động của người dân và các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn Thành phố; hướng dẫn cụ thể và cấp giấy đi đường cho các đối tượng, phương tiện được phép di chuyển trên địa bàn (trong đó bao gồm hoạt động chính trị, ngoại giao, dịch vụ công ích thiết yếu, công vụ, phòng chống dịch; khám chữa bệnh, xét nghiệm, tiêm chủng của người dân...). 

Đồng thời, tổ chức quản lý chặt chẽ và thực hiện nghiêm quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng đối với 23 chốt kiểm soát ra-vào thành phố và các cá nhân, phương tiện lưu thông trên địa bàn thành phố theo nguyên tắc chỉ các cá nhân, phương tiện “được phép mới ra đường”, “ai ở đâu thì ở đó”, “người ở vùng nào thì ở vùng đó”. Kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. 

Đối với các khu vực phong tỏa chật hẹp, đông dân cư, căn cứ tình hình thực tiễn, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố chỉ đạo các địa phương tổ chức đưa người dân đi cách ly tập trung để giãn mật độ dân cư trong khu vực phong tỏa, tránh lây nhiễm; lắp camera, siết chặt kiểm soát trong khu phong tỏa. 

UBND TP đề nghị các quận, huyện, thị ủy, yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn siết chặt quản lý, kiểm tra, giám sát từ các ngõ, phố, kiểm tra lưu động trên các tuyến đường gắn với kiểm tra các cơ quan, doanh nghiệp đóng trên địa bàn; kiểm soát người dân đi lại bằng cách kiểm tra tính hợp lý của giấy đi đường (kèm theo lịch trực của cơ quan, tổ chức); xử lý nghiêm nếu phát hiện sai phạm về phòng, chống dịch Covid-19, việc cấp và sử dụng giấy đi đường... 

Hương Quỳnh

Cô gái giật giấy đi đường của tổ cơ động khi bị kiểm tra ở Hà Nội

Cô gái giật giấy đi đường của tổ cơ động khi bị kiểm tra ở Hà Nội

Cô gái trẻ sau khi bị tổ cơ động kiểm tra đã giằng co để giật lại tờ giấy đi đường không đúng quy định.