Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp trên địa bàn Thủ đô và các địa phương trên cả nước, với chủng vi rút Delta có tốc độ lây lan nhanh, vào tối 23/7, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 17 thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày tính từ 6h ngày 24/7, “ai ở đâu ở đó”.

{keywords}
 Đường Trường Chinh hướng Ngã tư Sở những ngày giãn cách Ảnh: Phạm Hải

Trong thời gian giãn cách, Hà Nội đóng cửa, tạm dừng hoạt động đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ trừ một số trường hợp là siêu thị, chợ dân sinh, cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế… Chính vì vậy, việc cung cấp nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh trong hơn 50 ngày giãn cách vừa qua không bị đứt gãy. 

Đến nay, thành phố đã qua 3 đợt giãn cách xã hội; từ ngày 6/9, áp dụng phương án chia 3 vùng với mức độ phòng, chống dịch khác nhau, trong đó tiếp tục giãn cách xã hội ở Vùng 1.

Việc áp dụng biện pháp giãn cách và phải kéo dài là tình thế bắt buộc nhằm bảo vệ sức khỏe và an toàn tính mạng của người dân, nhất là khi nguy cơ dịch bệnh còn cao, trong khi lượng vắc xin được phân bổ không đủ để tạo miễn dịch cộng đồng. 

{keywords}
Khi cả Hà Nội giãn cách là lúc người dân lựa chọn mua bán online. Ảnh: Phạm Hải

Số ca mắc trên địa bàn Hà Nội đến nay đang có chiều hướng giảm, số ca mắc trong cộng đồng cũng giảm dần.

Nếu như ở giai đoạn 1 giãn cách xã hội, số ca mắc trong cộng đồng chiếm khoảng 50%; trong giai đoạn 2 và nửa đầu giai đoạn 3, số ca mắc trong cộng đồng chiếm khoảng 30%; thì đến cuối giai đoạn 3 đến nay, số ca mắc trong cộng đồng đã giảm xuống 8,7%. Những ngày gần đây vẫn còn có các ca bệnh nhưng chủ yếu là các ca mắc trong khu cách ly, phong tỏa.

Để nâng cao năng lực y tế, Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các bệnh viện Trung ương, huy động các bệnh viện tư nhân cùng vào cuộc; nâng cao năng lực của tất cả các cơ sở y tế của thành phố, từ các bệnh viện đến các trạm y tế.

Hà Nội cũng xây dựng phương án cao, dự kiến có tới 40.000 F0, đã giao nhiệm vụ cho các cơ sở y tế chuẩn bị phương án này. 

Hiện nay, thành phố đang kích hoạt và vận hành cơ chế có 10.000 F0, nhưng đã có 14.600 giường bệnh để thu dung, điều trị thể nhẹ (tầng 1). Còn tầng 2, tầng 3 đã kích hoạt 2.000 giường. Chưa kể số giường bệnh của Bộ Y tế giao nhiệm vụ cho các bệnh viện tuyến Trung ương hỗ trợ Hà Nội 2.500 giường ở tầng 3.

Hà Nội cũng cho sửa chữa, nâng cấp hệ thống oxy của tất cả các bệnh viện thuộc thành phố, bảo đảm đáp ứng yêu cầu điều trị cho 40.000 người bệnh.

Về cơ sở cách ly, Hà Nội đang chuẩn bị ở mức 118.000 chỗ cho cách ly F1; đã có quyết định thành lập, đang vận hành trên 40.000 chỗ... và toàn bộ các khu cách ly tập trung cũng không phải xây mới, mà tận dụng các khu nhà ở chưa đưa vào sử dụng, trường học, ký túc xá...

{keywords}
Chợ Đồng Xuân những ngày giãn cách. Ảnh: Phạm Hải

Đến nay, thành phố mới sử dụng chưa đến 9% công suất. Thành phố cũng giao các quận, huyện, thị xã (trừ 4 quận nội đô) phải chủ động xây dựng các khu cách ly tập trung của mình, với công suất từ 1.000-5.000 chỗ.

Tính đến 18h ngày 13/9, Hà Nội có 2.351 bệnh nhân đã được điều trị khỏi, hiện còn 1.070 ca bệnh đang điều trị tại cơ sở y tế.

Về công tác xét nghiệm, theo Kế hoạch 206/KH-UBND thành phố Hà Nội ngày 8/9, tính đến 18h ngày 13/9, toàn thành phố đã lấy được hơn 2,7 triệu mẫu xét nghiệm, phát hiện 18 ca dương tính. 

Tính đến 18h30 ngày 13/9, toàn thành phố tiêm được hơn 4,7 triệu mũi tiêm, đã sử dụng hơn 4,3 triệu liều vắc xin, đạt 80,6% trong tổng số hơn 5,3 triệu liều vắc xin được cấp.

Với tiến độ này, đến ngày 15/9, Hà Nội cố gắng sẽ hoàn thành mục tiêu 100% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phòng Covid-19

Về đảm bảo an sinh xã hội, đến 16h ngày 13/9, các sở, ngành, tổ chức chính trị xã hội có liên quan và các quận, huyện, thị xã đã thực hiện chính sách của Trung ương, đặc thù của thành phố Hà Nội và huy động xã hội hoá để quyết định hỗ trợ cho các đối tượng với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng.

{keywords}
Nhiều ngõ phố, khu vực trên địa bàn Hà Nội lập các chốt vùng xanh. Ảnh: Phạm Hải

Ngay từ đầu, khi dịch bệnh bùng phát thì vai trò của người dân đã thể hiện rất rõ, người dân thực sự là chủ thể, là chiến sĩ trong phòng, chống dịch... Nhờ đó, các “vùng đỏ” dần được thu hẹp, "vùng xanh" được mở rộng. 

Các mục tiêu chưa đạt

Bên cạnh những kết quả đạt được của việc giãn cách ở Hà Nội thì còn một số mục tiêu chưa đạt được, vẫn còn hiện tượng chưa đồng đều, chưa quyết liệt, chưa hiệu quả ở một số nơi, để xảy ra hiện tượng “chặt ngoài, lỏng trong”. Lượng người ra đường ở nơi thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg vẫn còn đông, chưa bảo đảm mục tiêu giãn cách xã hội, còn hiện tượng chủ quan, lơ là.

{keywords}
Phương tiện ùn ứ tại chốt kiểm soát dịch. Ảnh: Nhị Tiến

Từ ngày 24/7 đến nay, toàn thành phố đã xử lý hơn 40.000 vụ vi phạm các quy định phòng, chống dịch, với số tiền phạt hơn 61 tỷ đồng.

Việc cấp giấy đi đường cũng khiến nhiều người dân, doanh nghiệp “chóng mặt” khi quy định thay đổi liên tục và không có hướng dẫn cụ thể. Việc này dẫn đến hiện tượng tập trung đông người khi đi xin xác nhận ở phường và tắc đường ở một số chốt kiểm soát dịch. Không chỉ vậy còn có hiện tượng làm giả mã QR Code trên giấy đi đường mới. 

Để phù hợp với thực tiễn, Hà Nội quyết định trước mắt tiếp tục sử dụng giấy đi đường đã cấp và cấp giấy mới, người dân được cấp giấy đi đường được phép đi xuyên vùng, nhưng phải đúng điểm đến.

{keywords}
Người dân Hà Nội đi tiêm vắc xin. Ảnh: Phạm Hải

Ngày 13/9, trên cơ sở kết quả đạt được của công tác phòng chống dịch, Thường trực Thành ủy Hà Nội đã giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố xem xét, đánh giá tổng thể, quyết định phương án nới lỏng một số hoạt động dịch vụ trong các khu vực trên cơ sở đảm bảo chặt chẽ phương án phòng, chống dịch sau ngày 15/9 và 21/9. 

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng, mặc dù kết quả đã có bước tiến mới nhưng công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn đang đặt ra những khó khăn, thách thức lớn. Vì các ca F0 cộng đồng vẫn còn. Trong khi tình hình dịch bệnh trên cả nước tiếp tục diễn biến phức tạp. Ngay cả khi thành phố đang chỉ đạo xem xét, đánh giá tổng thể để có thể nới lỏng một số hoạt động dịch vụ thì tinh thần chỉ đạo chung vẫn là tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. 

Ông Đinh Tiến Dũng thêm một lần nhấn mạnh phải tiếp tục coi phòng, chống dịch là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; bảo vệ sức khoẻ và an toàn tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; lưu ý không vì được tiêm vắc xin rồi mà chủ quan, coi thường phòng dịch.  

Hương Quỳnh

Bí thư Hà Nội: Không vì được tiêm vắc xin rồi mà coi thường phòng dịch

Bí thư Hà Nội: Không vì được tiêm vắc xin rồi mà coi thường phòng dịch

Bí thư Hà Nội lưu ý, khi thành phố đang chỉ đạo xem xét, đánh giá tổng thể để có thể nới lỏng một số hoạt động dịch vụ thì tinh thần chỉ đạo chung vẫn là tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.