Chiều nay (5/8), Phó Bí thư Thành ủy Phan Văn Mãi, Phó Chủ tịch TP Dương Anh Đức chủ trì họp báo, cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố.

Trả lời các câu hỏi tại cuộc họp, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng khẳng định, không có chuyện tăng giá hỏa táng hoặc ngưng tiếp nhận F0 tử vong.

Theo ông Thắng, hiện nay, ngoài hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, thành phố còn cấp ngân sách hỗ trợ việc hỏa táng cho các trường hợp không may tử vong.

Ông Thắng cho biết, bệnh nhân mắc Covid-19 tử vong sẽ được hỏa táng tại nhà hỏa táng Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân. Cơ sở này hoạt động 24/24 để đảm bảo xử lý theo yêu cầu. 

Quy trình 6 bước xử lý ca tử vong do nhiễm SARS-CoV-2 được căn cứ theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, các cơ sở phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình này.

Cũng theo ông Thắng, với các F0 tử vong nhưng chưa có người thân tới nhận, hoặc đang cách ly, hoặc vì lý do khác, Công ty Môi trường Đô thị lưu giữ, dán đầy đủ họ tên, ngày mất lên hũ tro, sau đó thông tin cho gia đình. Khi người thân đủ điều kiện tới nhận, đơn vị sẽ giao lại.

"Không có trường hợp không lưu giữ hay không trao về cho gia đình”, ông Thắng khẳng định.

{keywords}
Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Toàn Thắng cho biết, với các F0 tử vong mà người thân chưa nhận ngay sẽ được ghi họ tên trên hũ tro cốt để có thể trao lại cho người thân khi họ đến nhận. Ảnh: HCDC.

Ông Thắng cũng thừa nhận, thời gian qua, trong quá trình xử lý vận chuyển F0 tử vong từ nơi mất đến nơi hỏa táng có nhiều bất cập, nhưng tình trạng này đã được cải thiện. 

Đối với các F0 có hoàn cảnh khó khăn không may tử vong, thành phố sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí, từ giai đoạn vào bệnh viện đến khi hỏa táng.

Hỏa táng để đảm bảo công tác phòng, chống dịch

Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP.HCM (HCDC), bệnh Covid-19 được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A, vì vậy, người tử vong sẽ được xử lý theo quy định tại Điều 18 Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm, người mắc bệnh truyền nhiễm hoặc bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A tử vong, thì thi thể phải được diệt khuẩn và tổ chức mai táng trong thời hạn 24 giờ.

Riêng với thi thể F0, Bộ Y tế hướng dẫn phải được hỏa táng, chỉ mai táng khi không thực hiện được việc hỏa táng. Đồng thời phải được khâm liệm càng sớm càng tốt và hỏa táng hoặc mai táng trong vòng 24 giờ kể từ khi tử vong.

Đối với trường hợp tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh, thi thể sẽ được xử lý hướng dẫn của cơ quan y tế, quá trình khâm liệm tuân theo quy trình đặc biệt với bệnh dịch nguy hiểm. 

Việc khâm liệm phải được thực hiện tại nhà tang lễ bệnh viện, hạn chế tối đa số người tham gia. Người trực tiếp khâm liệm thực hiện phòng hộ cá nhân và vệ sinh khử khuẩn, tuyệt đối không để người nhà người bệnh thăm viếng trong suốt thời gian lưu giữ cho tới khi khâm liệm xong. Đặc biệt, hạn chế người vào viếng. Những ai vào viếng phải mang khẩu trang, không đụng chạm vào quan tài và vệ sinh tay bằng dung dịch cồn sau khi viếng.

Đối với trường hợp tử vong tại cộng đồng, thi thể cũng được xử lý theo hướng dẫn của cơ quan y tế. Theo đó, khi có người tử vong do nhiễm nCoV tại cộng đồng, phải gọi điện cho chính quyền, cơ quan y tế địa phương để được tư vấn, hỗ trợ xử lý. Cần phải hạn chế người không có nhiệm vụ vào khu vực có người tử vong do nhiễm nCoV, trừ nhân viên y tế và người tham gia xử lý.

“Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Tú Anh - Hồ Văn

Ông Tây ở TP.HCM đi tiêm vắc xin

Ông Tây ở TP.HCM đi tiêm vắc xin

Với tốc độ tiêm đang được cải thiện và tăng tốc khá nhanh, có lẽ viễn cảnh TP.HCM trở lại bình thường không phải là điều quá xa xôi.