- Hóa chất độc hại được sử dụng tràn lan là hiểm họa đối với sức khỏe của cả dân tộc, là “anh em” với ma túy, cần phải bị nghiêm trị, xử lý hình sự - ĐB Trần Du Lịch đề xuất.

“Cái gì cũng nhúng hóa chất hết”

Chiều 31/5, QH thảo luận ở tổ về dự án luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật. ĐB Trần Du Lịch (TP HCM) đã có phần phát biểu đáng chú ý.

Theo ông Lịch, hiện nay vì ham lợi, không ít người dùng nhiều hóa chất độc hại trong chăn nuôi, trồng trọt, nhất là chất tăng trọng cực kỳ có hại cho sức khỏe.

Ông Lịch nêu ra một ví dụ: Trước khi ra Hà Nội họp Quốc hội, ông mua 3 trái sầu riêng để tặng người quen nhưng khi bổ ra thì không ăn được múi nào do quả nào cũng thối hết bên trong.

“Có người quen mang cho nhà tôi sầu riêng và nói sầu riêng này trồng để ăn nên không nhúng hóa chất, còn ngoài chợ cái gì cũng nhúng hóa chất hết. Chỉ cần 20 ngàn mua hóa chất ngoài chợ, hòa vào xô, sầu riêng xanh nhúng vào từng quả một chỉ qua một đêm là chín hết. Không biết hóa chất gì nhưng tay động vào thì nóng rát”, ông Lịch thuật lại.

{keywords}

ĐB Trần Du Lịch. Ảnh: Lê Anh Dũng

Vị ĐBQH gọi tình trạng này là “hiểm họa” đối với sức khỏe không phải của một cá nhân mà với cả dân tộc và cho rằng hóa chất độc hại về mức độ nguy hiểm thì xứng đáng là “anh em” với ma túy.

Trước diễn biến này trong thực tế, ông Lịch cho biết luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật chưa làm rõ được mục đích là để bảo vệ thực vật hay bảo vệ sức khỏe con người.

Theo ông, mục đích cuối cùng luật này là bảo vệ sức khỏe con người chứ không phải bảo vệ thực vật. Do đó, nếu luật cứ thế này mà thông qua thì không thể giải quyết được gì cả do mọi quy định rất chung chung.

ĐB Huỳnh Thành Lập (TP HCM) cũng đồng quan điểm cho rằng luật này cần hướng tới mục đích bảo vệ sức khỏe người dân. “Chúng ta đã có luật quản lý hóa chất, luật An toàn thực phẩm, giờ lại có thêm luật này nữa, phải kết hợp sao cho hài hòa để sức khỏe người dân được đảm bảo”, ông Lập cho hay.

Đề nghị xử lý hình sự

ĐB Trần Du Lịch đề xuất cần xử lý hình sự đối với những người buôn bán, tàng trữ và sử dụng trái phép hóa chất độc hại tác động đến chất lượng sản phẩm gây hại cho sức khỏe của con người.

“Các hóa chất độc hại, tăng trọng tôi không biết từ đâu tới nhưng đó là nguồn đang phá hoại sức khỏe cả dân tộc. Luật phải làm rõ được điều này”, ông Lịch kiến nghị.

Cho rằng mỗi xã nếu có bố trí thêm một cán bộ đảm nhận công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật cũng không giải quyết được gì (do đây là vấn đề lớn, một người không thể bao quát được địa bàn thường xuyên), ông cho rằng cần có chế tài nghiêm trong việc sử dụng hóa chất trái phép (sử dụng, mua bán, tàng trữ) tác động đến chất lượng sản phẩm gây hại cho sức khỏe của con người.

“Nên bổ sung vào luật hình sự tội “mua bán, sử dụng trái phép các loại hóa chất” và cần phải được xử lý nghiêm”, ông nhấn mạnh.

Ngoài ra, khi luật đã được ban hành, cần in tờ rơi phát đến từng nhà dân để nói về tác hại của hóa chất và việc dùng hóa chất bị cấm. “Chúng ta không thể tiếc tiền được, và cả hệ thống chính trị phải vào cuộc”, ông nói.

C.Quyên - X.Linh