Thy bảo cô luôn sống với hai cuộc đời, một cho hiện thực, một cho những giấc mơ hoang đường và nỗi thèm khát có được những chuyến đi dọc ngang đất nước.

Không chỉ báo chí, thơ ca đôi khi cũng “không còn tính thời sự”. Như hôm tôi tìm đến mũi Sa Vĩ ở Trà Cổ địa đầu tổ quốc- dấu đặt bút đầu tiên khi vẽ bản đồ hình chữ S mà câu thơ của Tố Hữu đã ghi nhận: “Từ Trà Cổ rừng dương đến cà Mau rừng đước…”. Giật mình bởi rừng đước Cà Mau đang ngày một sinh sôi, nhưng rừng dương Trà Cổ chỉ còn lưa thưa vài gốc… Thế là trí nhớ lại lang thang theo bước chân qua những vùng biên suốt dặm dài đất nước…

Người đầu tiên tôi bắt chuyện ở bờ biển Trà Cổ (Móng Cái, Quảng Ninh) vào một chiều muộn là Thy- bạn của một người đồng nghiệp có đôi mắt biết cười sau gương mặt bịt kín. Lên bè đi nạo vạn với em không? Con ngao ở biển Trà Cổ này hay lắm, bảo đảm “toa” nhất nước. Tôi không tin vào tai mình khi nghe Thy phát âm “to” thành “toa” rất đặc trưng của người Hải Phòng miền biển.

{keywords}
Đình làng Trà Cổ.

Trà Cổ tổ Đồ Sơn mà, người dân nơi đây phần lớn vẫn giữ âm giọng của Đồ Sơn (Hải Phòng), Thy giải thích. Rồi cô dẫn tôi về với một Trà Cổ hoang vu, đầm lầy từ thế kỷ 16, thời Hậu Lê. Có nhiều chuyện kể khác nhau về nguồn gốc Trà Cổ, nhưng tựu chung có 12 gia đình từ hai làng Cổ Trai và Trà Phương của bán đảo Đồ Sơn di dân đến đây khai phá lập làng, sinh con đẻ cái… tạo nên cộng đồng người Việt như bây giờ.

Người Trà Cổ tổ Đồ Sơn là chủ nhân của nhiều công trình kiến trúc, lễ hội thuần Việt có giá trị tại Móng Cái, điển hình như đình làng Trà Cổ có niên đại từ thế kỷ thứ 16 đến nay vẫn nguyên vẹn. Hôm đầu tiên chạm đến cửa đình- nơi ông bà mình đã có hơn 500 năm gửi vào đó những buồn vui, tay tôi run lên, lòng lâng lâng, tai nghe lao xao như thể ai đó đang thì thầm cùng câu hát thân quen trong “Mái đình làng biển” của nhạc sĩ Nguyễn Cường: “Thi gan cùng tuế nguyệt/ Bao lâu bao lâu rồi/ Mái dình xưa làng biển/ Thênh thênh một góc trời…”. Tôi thầm hỏi: “Việc phát âm “to” thành “toa” của Thy có liên hệ nào với một sức sống mãnh liệt của văn hóa Việt trên vùng biên này- nơi hàng ngàn năm không ngừng hứng chịu va đập, xoắn vặn trực tiếp hoặc gián tiếp từ văn hóa Trung Quốc?

“Sợ gì mà không theo em”- tôi làm động tác xắn quần sẵn sàng bước lên chiếc bè (thuyền) máy đang đợi sẵn và bất ngờ là Thy, bảo trêu anh thế thôi, chứ hôm nay em không ra biển được vì lý do phụ nữ. Rồi cô tháo khăn, cười mê hoặc, nói ừ khi tôi đề nghị là hướng dẫn cho người lần đầu tiên đến với Trà Cổ. Nạo vạn như lời Thy là nghề đi cào ngao; bắt sá sùng, giun đất… trên vùng biển giáp ranh với biển Trung Quốc để kiếm sống của hàng ngàn người dân Trà Cổ và các phường lân cận Móng Cái như Vạn Ninh, Bình Ngọc, Vĩnh Thực, Vĩnh Trung; thậm chí đến tận các huyện Hải Hà, Đầm Hà… của Quảng Ninh.

Bắt đầu từ khoảng 6 giờ chiều đến 12 giờ đêm hàng ngày, họ đi theo từng bè, mỗi bè khoảng 30 người, trả cho chủ bè 15.000/ người. Với phương tiện duy nhất là cái cào, đầu cán buộc vào người, đi giật lùi, phát hiện có ngao thì dừng lại vớt lên, vậy mà mỗi đêm, trung bình mỗi người kiếm được 2-3 trăm ngàn đồng. Và có đêm cào trúng bãi nhiều ngao, kiếm được tiền triệu như lời Thy kể.

{keywords}
Ngư dân vùng biển Trà Cổ.

Đứng từ đất liền nhìn rất rõ cột mốc chủ quyền số 1378 đặt ở đỉnh cực Đông Bắc, trên mũi Sa Vĩ. Đây là dấu mốc cuối của tuyến biên giới Việt - Trung, tính từ mốc số 0 - trên đỉnh Khoang La San ở ngã ba biên giới nước Việt - Lào - Trung dài 1.450km với 1378 cột mốc chính và 593 cột mốc phụ.

Thy bảo cô luôn sống với hai cuộc đời, một cho hiện thực, một cho những giấc mơ hoang đường và nỗi thèm khát có được những chuyến đi dọc ngang đất nước. Nhưng cho đến năm 30 tuổi, cô mới chỉ mấy lần xa nhất theo bố mẹ về quê tổ Đồ Sơn dự hội chọi trâu. Xa hơn nữa là một lần qua Đông Hưng, nơi có làng Vạn Mỹ toàn người Việt sinh sống- Thy chỉ tay về phía bờ biển Trung Quốc bên kia, nơi có những nóc nhà lô nhô mịt mờ trong màn đêm. Vạn Mỹ là một trường hợp trớ trêu và buồn đau của lịch sử, bắt đầu vào khoảng thế kỷ 16, khi một số người Việt di cư lên phía Bắc lập nghiệp ở vùng Trường Bình- Bạch Long. Vùng đất đó bấy giờ thuộc Đại Việt, nhưng theo hiệp ước ký năm 1887 giữa Pháp và nhà Thanh thì Trường Bình bị sát nhập vào Trung Quốc. Bây giờ thì nhóm người Việt này đã con đàn cháu đống, sinh sống chủ yếu trên 3 đảo (Vạn Vĩ, Sơn Tâm và Vu Đầu), nay gọi chung là Kinh Đảo hay Kinh tộc Tam Đảo, thuộc Đông Hưng (Quảng Tây) và đã trở thành một trong 56 dân tộc thiểu số được công nhận tại Trung Quốc. Hôm em qua đó, nói chuyện với mấy người già, họ bảo rất nhớ cố quốc Việt Nam. Về em cứ thắc mắc là bên mình có nhớ đến họ không, anh nhỉ?

Trí nhớ bỗng động đậy về những đêm dài trên vùng biển Hoàng Sa - một vùng biên khác đã và đang dầu sôi lửa bỏng với những cuộc rượt đuổi, đâm húc bằng tàu để bảo vệ vùng biển chủ quyền của lực lượng kiểm ngư và cảnh sát biển mà tôi may mắn được làm chứng nhân khi Trung Quốc hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981.

Tôi kể Thy nghe về người Trung Quốc “hay lắm” như nhận xét của em. Từ một ngày tháng 4.2014, tàu cảnh sát biển và ngư dân Việt Nam cùng với tàu tổng đội Nam Hải ngư chính của Trung Quốc, thực hiện đợt kiểm tra liên hợp về nghề cá trên biển. Trước khi xuất phát, họ đã lên tàu của nhau để bắt tay, tặng quà lưu niệm và nói những lời có cánh về tình hữu nghị Việt- Trung… Nhưng chưa đầy mười ngày sau, cũng chính những con tàu đó, những “người bạn” đó, họ không chỉ ngang nhiên kéo đến đặt trước “hiên nhà” Việt Nam một con “quái vật” mà còn ngày đêm uy hiếp, phun vòi rồng, đâm húc… tàu Việt Nam đang làm nhiệm vụ chấp pháp.

Thy bóp chặt hai lòng bàn tay khi nghe tôi kể về một Hoàng Sa máu thịt bị chiếm đoạt, chia lìa suốt hơn 40 năm nay. Về những đêm trắng tôi ngồi sau đuôi một con tàu kiểm ngư dập dềnh sóng gió chỉ cách Hoàng Sa hơn 20 hải lý với câu hỏi day dứt như em vừa hỏi về người dân Vạn Mỹ: Hẳn có người đang nhớ nhung đất liền như triệu triệu trái tim Việt suốt hơn 40 năm qua đau đáu về người? Và tôi nghe những âm sóng rì rầm đáp lại…

Chúng tôi lang thang đi qua rừng dương khi ngoài kia biển đã lên đèn. Có lẽ năm 1977, khi Tố Hữu viết “Vui thế hôm nay”… với những câu thơ: “Hùng vĩ thay toàn thân đất nước/ Tựa Trường Sơn vươn tới Trường Sa/ Từ Trà Cổ rừng dương tới Cà Mai rừng đước/ Đỏ bình mình mặt sóng khơi xa…”, bờ biển Trà Cổ vẫn còn được phủ xanh bởi ngút ngàn dương liễu như hồi ức của mẹ Thy. Và chắc ông không thể ngờ được gần 40 năm sau, không chỉ Trà Cổ mà gần như tất cả các bờ biển của Việt Nam, rừng dương, may mắn lắm như Trà Cổ cũng chỉ còn một vài gốc cây xác xơ, đầy sẹo đứng chơ vơ, cô độc như những chứng nhân lịch sử bất đắc dĩ.

Tôi kể cho Thy nghe về những đem dài ở điểm cuối Cà Mau- nơi những câu thơ của Tố Hữu vẫn còn nguyên tính thời sự, khi những rừng đước không còn vẹn nguyên mà đang sinh sôi, nảy nở, có thể nghe được từng giờ, từng phút. Tôi nôn nao nhớ những anh Tư, chú Sáu, chị Ba… đã cùng nâng rượu lai rai giữa hai bờ biển Đông- Tây., rồi ôm nhau rưng rưng với tháng ngày mịt mờ, khốn khó bởi họ không hình dung được có ngày kiếm miếng ăn ở đây lại khốn đốn như bây giờ. Nhưng đó là chuyện quốc gia đại sự, dân đen như mình thì biết làm gì được hả anh? Thy hỏi như những anh Tư, anh Sáu… đã từng hỏi khi nghe tôi kể người Trung Quốc đã và đang chặn dòng xây dựng các đập thủy điện ở thượng nguồn Mê Kông (dự kiến là 15 đập thủy điện thuộc địa phận Trung Quốc và 11 đập thuộc địa phận hai nước Lào và Thái Lan với dung tích khoảng 30 tỉ mét khối nước).

Hệ thống đập thủy điện này như những quả bom nước khổng lồ treo lơ lửng trên đầu hàng triệu dân cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, thậm chí có nguy cơ hóa sông cả khu vực nếu chẳng may vỡ đập ở thượng nguồn. Và hậu quả đã được thống kê bằng các con số, dữ liệu khoa học rằng các sông Cửu Long đang đổi dòng, bồi lấp, mặn xâm nhập, nguồn lợi thủy sản cạn kiệt (trung bình mỗi năm có hơn 400.000 tấn cá trắng di cư các loại biến mất, gây thiệt hại cho người dân cả tỉ USD)… “Nhưng mấy đứa bây đừng lo, chúng tao sẽ có cách, chuyện gì cũng có cách…”. Tôi không bao giờ quên được cách chú Sáu nâng chén kêu ực với tiếng cười vừa hào sảng, vừa chất chứa đắng cay.

Dặm dài đất nước, từ địa đầu cho đến cuối trời lắc lơ, nơi những vùng biên tôi từng qua đêm, đâu cũng nghe ngổn ngang, rối bời. May mà có tinh thần bất khuất không sợ tàu Trung Quốc, chỉ sợ nỗi nhớ nhà của các kiểm ngư và cảnh sát biển trên vùng biển Hoàng Sa; còn có nụ cười hào sảng của những chú Sáu ở bờ biển miền Tây cuối Việt; còn có mái đình trơ gan cùng tuế nguyệt nơi địa đầu Móng Cái… Và may mà ai đó đã run rủi cho tôi được gặp Thy- người đã thay mặt Trà Cổ tạm biệt tôi với cái bắt tay, thì thầm: Không nhất thiết phải biến tất cả những giấc mơ thành hiện thực, nhưng chắc chắn một ngày nào đó, bước chân em sẽ tìm đến những nơi anh đã đi qua…

(Theo Lao động - số Xuân Ất Mùi)