- Sáng 23/9, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng tổ chức hội thảo "Đại tướng Lê Trọng Tấn - Nhà quân sự đức độ, mưu lược của cách mạng Việt Nam" nhân 100 năm ngày sinh của Đại tướng (1/10/1914 - 1/10/2014).

Hơn 50 tham luận của các nhà khoa học, tướng lĩnh, lão thành cách mạng đã tập trung làm rõ tài năng, công lao to lớn của Đại tướng Lê Trọng Tấn - nhà quân sự mưu lược, một trong những tướng lĩnh Việt Nam tiêu biểu của thời đại Hồ Chí Minh.

Vị tướng hai lần anh hùng

Đại tá Nguyễn Nhật Minh, nguyên thư ký của Đại tướng Lê Trọng Tấn cho biết, điều mà Đại tướng đặc biệt quan tâm trong xây dựng quân đội là xây dựng lực lượng và cách đánh.

Với Đại tướng, để đánh bại kẻ địch quân hùng tướng mạnh như đế quốc Mỹ, để tiêu diệt gọn được binh đoàn của địch, quân chủ lực phải được tổ chức xây dựng thành các đơn vị lớn, có trang bị mạnh, có sức cơ động cao, có sự phối hợp tác chiến hiệp đồng binh chủng thích hợp.

{keywords}

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Thành Cung trao đổi với đại diện gia đình Đại tướng Lê Trọng Tấn tại hội thảo. Ảnh: Báo điện tử Quốc phòng

Đại tá Minh cho hay, trong 30 năm chiến tranh cách mạng, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã trực tiếp chỉ huy những chiến dịch, trận đánh có tính then chốt quyết định. Ở chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại tướng đã chỉ huy đại đoàn 312 tiến vào trung tâm sở chỉ huy địch ở Mường Thanh, bắt sống tướng De Castrie, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

21 năm sau, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với cương vị là Phó Tư lệnh chiến dịch trực tiếp phụ trách cánh quân phía Đông, Đại tướng đã cùng tập thể lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi đập tan tuyến phòng thủ Phan Rang, đánh chiếm Dinh Độc Lập, bắt nội các của chính quyền Sài Gòn đầu hàng, kết thúc chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ông nhắc lại lời Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng đánh giá: “Với hai chiến công ấy, Lê Trọng Tấn xứng đáng hai lần anh hùng”.

Đại tướng Lê Trọng Tấn là một vị tướng có nhiều công lao nhưng lại rất giản dị trong sinh hoạt, gần gũi với mọi người xung quanh.

Cán bộ, chiến sỹ không những tin tưởng về tài năng chỉ huy mà còn mến mộ Đại tướng về đức độ “liêm khiết, chí công vô tư”, về cuộc sống tình nghĩa.

Trung tướng Đặng Quân Thụy kể, khi đảm nhiệm chức vụ Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Đại tướng thường chỉ ở một căn nhà nhỏ, xung quanh che bằng ni-lông, mái lợp bằng lá trung quân, thứ lá có nhiều ở rừng miền Đông Nam Bộ.

Bàn làm việc, giường nằm làm toàn bằng tre, nứa. Đồ đạc cũng rất sơ sài, có lẽ vật có giá trị nhất là đài bán dẫn nhỏ mà Đại tướng thường dùng nghe tin tức.

Chăm lo cho bản thân ít nhưng Đại tướng lại rất quan tâm tới đời sống của cán bộ, chiến sỹ, luôn kiểm tra tình hình bảo đảm vật chất và tinh thần cho bộ đội, thường xuyên chỉ thị cơ quan hậu cần phải bảo đảm thuốc men điều trị cho thương bệnh binh, nhắc nhở các bác sỹ chăm sóc mọi người cho chu đáo.

H.Nhì