LTS: Có những bước ngoặt của cách mạng Việt Nam đã đặt lên vai một vị tướng một trọng trách lớn lao: Vừa tổ chức và chỉ huy quân sự, vừa phải thực thi sứ mệnh ngoại giao-một nhiệm vụ quan trọng và cơ mật; Phẩm chất, trí tuệ và bản lĩnh đã giúp ông hoàn thành xuất sắc. Cuộc sống cách mạng đã hun đúc ông trở thành một một vị tướng chiến lược tài đức vẹn toàn. Nhân dịp Kỷ niệm 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, báo VietNamNet xin trân trọng giới thiệu một bài viết về ông: Đại tướng Lê Đức Anh.

Ba lần đi Trung Quốc – Một lần ấn tượng sâu

 

Năm 1954, ông Lê Đức Anh có mặt trong đội ngũ hàng vạn cán bộ Miền Nam tập kết ra miền Bắc theo “Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954”. Những ngày đầu, ông được giao làm Sư đoàn Trưởng Sư đoàn bộ binh 330, đóng quân ở Thanh Hóa; nhưng chỉ mấy tháng sau ông lại được điều động về Bộ tổng Tham mưu làm Phó cục trưởng Cục Tác chiến. Ông Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu Trưởng đa trực tiếp giao nhiệm vụ cho ông nghiên cứu kế hoạch phòng thủ bờ biển từ Quảng Ninh vào đến Quảng Bình.

 

{keywords}

Đại tướng Lê Đức Anh trong một lần trao đổi với tác giả bài viết, đại tá Khuất Biên Hòa.
 

Lần đầu tiên ông đặt chân tới đất nước Trung Quốc là thời điểm giữa năm 1955; lúc đó, Bộ tổng Tham mưu cử một đoàn cán bộ đi sang Trung Quốc nghiên cứu học tập về phòng thủ bờ biển. Trong đoàn có cán bộ của hai ngành Tác chiến và Công binh, ông Văn Tiến Dũng, Tổng tham mưu Trưởng cử ông Lê Đức Anh, Phó cục trưởng Cục Tác chiến làm Trưởng đoàn.


Lần thứ hai là vào khoảng gần cuối năm 1957, ông là thành viên trong đoàn cán bộ Bộ tổng Tham mưu do ông Văn Tiến Dũng dẫn đầu, đi sang Trung Quốc bàn về trang bị cho quân đội ta. Sang tới nơi, ông Dũng chủ động nói: “Ở miền Nam Việt Nam hôm nay, quân Mỹ-ngụy dùng xe bọc thép, máy bay trực thăng, tàu thủy, xả súng bắn giết đồng bào. Chúng tôi cần các đồng chí giúp đỡ - cho chúng tôi trung liên, đại liên và súng DKZ cho bộ đội và nhân dân chiến đấu đánh trả”. Nhưng trưởng đoàn phía Trung Quốc, tên là Thành, là Tổng tham mưu Trưởng ngồi mần thinh không nói gì. Và chuyến đi đó, họ chỉ cho ta toàn súng trường K44 bắn phát một, họ bảo để trang bị cho dân quân du kích phòng chống càn.


Phải đến lần thứ ba sang Trung quốc mới thật sự gây ấn tượng mạnh mẽ đối với ông.

 

Tháng 11 năm 1963, theo sự sắp xếp của tổ chức, ông Lê Đức Anh bí mật đi trên “Con tàu Không số” trở về chiến trường Nam Bộ, làm Tham mưu Trưởng Bộ chỉ huy Quân giải phóng miền Nam (lúc đó có mật danh là B2).
 

Đến cuối năm 1966, ông được Trung ương gọi ra miền Bắc báo cáo tình hình chiến trường. Ngay sau đó, hai ông Văn Tiến Dũng và Lê Đức Anh được Bí thư Thứ Nhất Lê Duẩn cử đi trong đoàn cán bộ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang Trung Quốc.

 

Từ miền Nam ra Bắc và cả khi ông đi cùng đoàn sang Trung Quốc, đều đi bằng máy bay của Hoàng gia Cam-phu-chia; vì lúc đó miền Bắc đang bị máy bay của đế quốc Mỹ ném bom phá hoại, việc đi lại rất khó khăn. Máy bay của Hoàng gia Cam-phu-chia đưa đoàn cán bộ sang Quảng Châu, rồi từ Quảng Châu đi Tô Châu để gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông.

 

Cuộc tiếp kiến này có đại diện Chính phủ, đại diện Bộ Quốc phòng và đại diện của Bộ Ngoại thương Trung Quốc là ông Lý Cường, Thứ trưởng; phía Bộ Ngoại thương Việt Nam là ông Lý Ban, Thứ trưởng.

 

Khi tiếp kiến, Chủ tịch Mao Trạch Đông hỏi không nhiều, rất ngắn gọn là đằng khác: “Quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam đông, tư tưởng của người dân và chiến sỹ Việt Nam thế nào?”. “Hiện nay, cách mạng ở miền Nam của các đồng chí có khó khăn gì?” Khi đó Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói: “Đồng chí Lê Đức Anh mới ở miền Nam ra, hãy trả lời Mao Chủ tịch”. Ông Lê Đức Anh liền trả lời thẳng vào hai câu hỏi của Chủ tịch Mao – “Thứ nhất về tư tưởng, Mỹ vào đông vậy chứ đông hơn nữa thì bộ đội và nhân dân miền Nam cũng quyết đánh. Hai là, về khó khăn, vừa qua và hiện tại tất cả là tự lực, súng đạn tự tạo và súng trường Bá đỏ K44 sản xuất theo kiểu mẫu trước Đại chiến thế giới lần thứ nhất, có gì đánh nấy. Nhưng hiện nay có khó khăn rất lớn là xe tăng và máy bay của Mỹ rất nhiều nhưng Việt Nam thiếu vũ khí chống tăng, súng bắn máy bay và đánh tàu thủy; thiếu đô-la để mua gạo, vì từ trước đến nay cách mạng ở miền Nam Việt Nam vẫn mua gạo từ Cam phu chia và Thái Lan là chủ yếu, mà mua bên đó phải mua bằng đồng đô-la”.

 

Nghe xong, Mao Chủ tịch liền chỉ tay vào các quan chức, những người dưới quyền ông đang có mặt: “Hãy giải quyết cho các đồng chí ở miền Nam Việt Nam súng đạn và tiền!” . Lúc đó, ông Lê Đức Anh thầm nghĩ – “ông chỉ tay và nói thế thôi, chứ cụ thể thì nếu có được thì chắc còn lâu”. Nào ngờ, xong việc, đoàn Việt Nam về liền, khi về đến Việt Nam thì cũng được tin Đảng cộng sản, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đang tích cực thực hiện chỉ đạo của Mao Chủ tịch. Và sau đó không lâu, vũ khí được chở thẳng từ Trung Quốc sang cảng Xi-ha-núc-vin; từ Xi-ha-núc-vin đưa tới Kra-chia, Công-pông-chàm rồi chở về biên giới Việt Nam rất nhanh. Tiền Đô la thì được đưa theo một “tuyến đường đặc biệt”. Khi ông Lê Đức Anh trở về Miền Nam thì đã thấy có súng, đạn và gạo – Khối lượng vật chất này đã thật sự nâng nhanh sức mạnh chiến đấu cho bộ đội và nhân dân miền Nam.

Tháo ngòi nổ xung đột biên giới Việt – Trung; Từ phát kiến ý tưởng đến thực thi kế sách đưa Việt Nam thoát ra khỏi vòng xoáy xung đột của các nước lớn

 

Đại hội Đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ Sáu, từ ngày 15 đến 18/12/1986. Đại hội VI là mốc son lịch sử trong sự nghiệp lãnh đạo cách mạng của Đảng ta. Tại Đại hội này, Đảng đã đề ra Đường lối Đổi mới và quyết định khởi xướng sự nghiệp Đổi mới đất nước. Đại hội đã bầu ông Nguyễn Văn Linh làm Tổng bí thư. Đoàn đại biểu Quân đội có ba tướng: Lê Đức Anh và Đoàn Khuê được bầu vào Bộ Chính trị; Nguyễn Quyết được bầu vào Ban chấp hành Trung ương. Sau Đại hội, Trung ương Đảng và Quốc hội đã quyết định bổ nhiệm ông Lê Đức Anh làm Bộ trưởng Quốc phòng, ông Đoàn Khuê làm Tổng tham mưu Trưởng, ông Nguyễn Quyết làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Lúc này, cuộc xung đột quân sự vẫn đang diễn ra trên biên giới Việt-Trung vô cùng căng thẳng.

 

Ngay sau đại hội, đầu năm 1987, có cuộc họp "Bộ Chính trị hẹp" tại Nhà Con rồng-Bộ Quốc phòng. Tại đây, sau hai chuyến đi thị sát trực tiếp toàn tuyến biên giới phía Bắc trở về, tướng Lê Đức Anh đã báo cáo toàn bộ tình hình biên giới phía Bắc, báo cáo những suy nghĩ của ông về Mỹ, Trung Quốc, về các nước ASEAN, liền sau đó, ông giải trình những đề xuất của mình. Ông nói: “Trên biên giới, phía bên kia họ bắc loa chửi ta và kể công, nếu bộ đội ta cứ chửi lại, bắn lại thì không làm được công tác tư tưởng. Thà rằng họ đánh sâu vào nội địa ta như Pôn Pốt đánh ta ở biên giới Tây Nam thì ta nói họ là xâm lược và ta kêu gọi chống xâm lược thì dễ. Đằng này qua thăm dò, khảo sát trực tiếp, qua tin tức và phân tích tình hình nhiều mặt, tôi thấy rằng họ không có ý đồ xâm lược, mà họ gây xung đột biên giới với ta nhằm một mục đích khác, ngoài ý đồ xâm lược. Còn Mỹ, sau thất bại chiến tranh Việt Nam, Mỹ câu kết với phản động quốc tế, dùng Pôn Pốt ở Cam-phu-chia đánh ta để trả thù, làm cho ta suy yếu và ngăn chặn sự ảnh hưởng của Việt Nam với khu vực, nhưng đến bây giờ ý đồ này cũng đã thất bại. Trong khi Mỹ chưa có chính sách gì mới đối với Việt Nam là thời cơ ta có thể tiến hành phá bao vây cấm vận. Các nước ASEAN gần đây cũng đã có sự phân hoá và thay đổi. Trước đây Lý Quang Diệu nói ta rất dữ, gần đây đã khác. Thái Lan cũng đã thay đổi, nhất là từ khi Xạt-xai Xu-ha-vẳn lên làm Thủ tướng. Có khá nhiều ban lãnh đạo của các nước ASEAN lệ thuộc Mỹ và Trung Quốc. Bây giờ ta tìm cách gia nhập vào ASEAN để nâng tinh thần độc lập tự chủ của họ lên, họ sẽ dần cảm thấy không bị lệ thuộc vào Trung Quốc và Mỹ nữa”.

 

Nghe ông nói, mọi người rất hào hứng và tán thành, tuy nhiên cũng có ý kiến còn băn khoăn: - Liệu vào ASEAN ta có lôi kéo được họ không hay lại bị họ lôi kéo? Với lại, nếu xét ở khía cạnh kinh tế thì hiện các nước trong ASEAN đang giàu và mạnh hơn ta nhiều lần, liệu họ có chịu không? Chưa chắc họ chịu mình đâu.

 

Tướng Lê Đức Anh nói: “Nếu chỉ vì mục đích kinh tế thì khó, vì ta đang nghèo về kinh tế. Nhưng ta có hai cái "giàu" là giàu về chính trị và về địa lý, giàu về tiềm năng con người. Ban đầu về kinh tế có thể ta chưa có thế và chưa có lợi gì; nhưng về chính trị thì ta có thế của một nước độc lập có chủ quyền, mà nền độc lập của ta không phải nói suông, cả dân tộc ta đã đổ bao nhiêu mồ hôi, xương máu và trí tuệ mới có được. Lòng tự trọng, tự tôn dân tộc thì anh nào cũng có. Ta vào thì họ sẽ có chỗ dựa về chính trị để họ vươn lên vì từ trước đến nay họ thường xuyên bị nước lớn chi phối. Họ cần ở ta là cần về chính trị trước tiên, mà ta lại có "vốn lớn" về chính trị. Trong khối ASEAN tuy có một số nước trước đây rất "căng" với ta, nhưng gần đây đã có những dấu hiệu thay đổi. Và cũng có những nước sẽ ủng hộ ta vào, những nước này từ lâu vẫn có thiện cảm với Việt Nam, từng đồng tình và ủng hộ Việt Nam chống ngoại xâm, giải phóng dân tộc, như Indonesia chẳng hạn. Ta sẽ đặt chân vào ASEAN từ cánh cửa của những nước như vậy. Nhưng những bước đi đầu tiên phải hết sức bí mật và thận trọng. Nếu ta không vào thì Mỹ và một số nước lớn sẽ tiếp tục phá ta, thậm chí tiếp tục dùng một số nước ASEAN để phá ta. Còn nếu ta vào được thì họ không phá được ta mà ngược lại, ta sẽ là chỗ dựa về chính trị để các nước ASEAN vươn lên”.

 

Khi họp bàn, các thành viên của Bộ Chính trị đều nói: "Thế thì được!" Không có ai nói khác. Có người còn hứng khởi: "Như vậy có tư tưởng rồi, hệ thống rồi, được lắm!" Lúc đó ông Phạm Văn Đồng nói: "Việc này bên Ngoại giao làm là đúng chức năng rồi, mà Bộ Quốc phòng phải phối hợp; nhưng việc lớn này cả Đảng và Nhà nước cùng làm mới xong". Ông Nguyễn Cơ Thạch, Bộ trưởng Ngoại giao cũng nói rất hăng hái: "Bây giờ các anh cứ quyết, tôi xin làm ngay!" Ông Trường Chinh bảo: "Bộ Ngoại giao làm là tất nhiên rồi. Nhưng trước hết đề nghị anh Lê Đức Anh suy nghĩ cách làm, biện pháp cụ thể, và đề nghị giao cho anh Đức Anh làm cái đoạn "mở đầu"". Mọi người nhất trí. Tướng Lê Đức Anh nói: “Tôi xin làm "mở đầu" với Trung Quốc!”; và ông nói vui: “Có chết thì tôi xin chết trước!…”.

 

Trong suy nghĩ, tướng Lê Đức Anh dự kiến mình sẽ mở "hai luồng thăm dò": Một là thăm dò qua cộng đồng người Hoa kiều ở khu vực Chợ Lớn thành phố Hồ Chí Minh, vì từ xưa đến nay, nói chung cộng đồng người Hoa kiều ở các nước trên thế giới, họ có truyền thống đoàn kết bao bọc nhau rất hay, có tổ chức chặt chẽ và có sự quan hệ mật thiết với chính phủ của Trung Hoa lục địa. Bởi vậy gặp gỡ, tiếp xúc, thăm dò từ khối Hoa kiều này thì có thể "bắt mạch" được tư tưởng của Chính phủ nước họ. Hai là thăm dò qua đường Đại sứ Trung Quốc tại Hà Nội.

 

Khoảng mươi ngày sau, tướng Lê Đức Anh vào gặp Thành ủy TP Hồ Chí Minh. Ông Võ Trần Chí, Bí thư Thành ủy nói với Ban Hoa vận của Thành ủy tiến hành mời và gặp gỡ một số người đại diện và có uy tín trong cộng đồng bà con người Hoa của khu vực Chợ Lớn. Cuộc gặp giữa tướng Lê Đức Anh với đại diện bà con Hoa kiều đã diễn ra tại trụ sở của Thành ủy trong không khí thân tình và thẳng thắn. Có 8 Hoa kiều, cùng dự có một đồng chí đại diện Thành ủy.

 

Mở đầu, tướng Lê Đức Anh điểm lại quá trình quan hệ hữu nghị của Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Trung Quốc-Việt Nam. Ông cũng nói có những đồng chí người gốc Việt Nam nhưng đã tham gia Giải phóng quân Trung Quốc, trở thành Đảng viên Đảng cộng sản Trung Quốc. Cũng có khá nhiều người gốc Trung Quốc là Đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam. Rồi ông nói về Cộng đồng người Hoa suốt mấy chục năm qua định cư, làm ăn sinh sống tại Việt Nam đã tham gia, đóng góp vào hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc, giải phóng đất nước của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, chính ông đã trực tiếp chứng kiến có những bà mẹ người Hoa đã nuôi dấu và cứu chữa thương binh là bộ đội Giải phóng ngay tại nhà mình, bất chấp nguy hiểm, đó là những nghĩa cử cao đẹp của bà con Hoa kiều tại khu vực Chợ Lớn này…” Người Việt và người Hoa, Trung Quốc và Việt Nam, hai nước bấy lâu vẫn đoàn kết, hữu nghị là chuyện bình thường. Vừa rồi xảy ra chuyện Trung Quốc và Việt Nam lại xung khắc nhau là chuyện không bình thường. Vậy thì yêu cầu bà con người Hoa hãy góp sức mình để hàn gắn lại tình hữu nghị, để xoá bỏ cái không bình thường này đi. Tình hữu nghị Trung-Việt là truyền thống tốt đẹp và bền lâu, chúng ta cần làm cho nó bền vững và phát triển”.

 

Khi nói lên những điều này, ông thấy họ nghe và nét mặt họ rạng rỡ, phấn chấn lắm. Nói xong, khi ông đề nghị họ phát biểu, họ nói rằng: "Từ lâu rồi chúng tôi cũng muốn như thế. Việt Nam và Trung Quốc cứ tốt như hồi xưa với nhau, giúp nhau như anh em trong nhà thì chúng tôi sung sướng lắm. Sống trên đất Việt Nam, chúng tôi cũng muốn chăm lo xây dựng gia đình và góp công xây dựng đất nước Việt Nam, quê hương thứ hai của mình …"
 

Dịp này, Ban Đối ngoại Trung ương có chỉ đạo bộ đội ta ở một số chốt giáp đường biên đưa thuốc lá, thuốc lào sang mời bộ đội bên Trung Quốc. Họ rất phấn khởi. Khi anh em mình hỏi vì sao cứ bắn pháo sang Việt Nam thì họ chỉ lên trời, ý nói tại trên ra lệnh thì họ phải làm chứ trong lòng họ không muốn hai bên bắn nhau. Qua đó ta hiểu được phần nào của họ. 
 

Tiếp xúc với bà con Hoa kiều xong, tướng Lê Đức Anh liền trở ra Hà Nội. Khoảng nửa tháng sau, ông chỉ đạo cho Thiếu tướng Vũ Xuân Vinh, Cục trưởng cục Đối ngoại quân sự đi mời Đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy đến dùng cơm với ông tại nhà khách Bộ Quốc phòng, ở số 28 phố Cửa Đông. Khi hai người, chủ và khách bắt tay nhau thì đồng chí Cục trưởng ý tứ khép cửa lại và bước ra phòng ngoài. Cuộc gặp tuy bí mật nhưng không khí thoải mái và không ai cảm thấy có gì căng thẳng. Hai người vừa ăn cơm vừa nói chuyện. Tướng Lê Đức Anh điểm lại quá trình quan hệ hữu nghị giữa hai nước và nói rằng Trung Quốc giúp Việt Nam về cách mạng nói chung, về quân sự nói riêng là rất quan trọng. Từ chiến dịch Biên Giới năm 1950, Hồ Chủ tịch lên tận nơi để chỉ đạo, Mao Chủ tịch đã cho hai đồng chí Trần Canh, Vi Quốc Thanh cùng Đoàn cố vấn Trung Quốc sang giúp đỡ bộ đội Việt Nam về cách đánh chiến dịch như thế nào. Ở Điện Biên Phủ, nếu không có lựu pháo, vũ khí đạn dược và quân trang quân dụng của Trung Quốc giúp thì Việt Nam khó giành được thắng lợi. Rồi những năm đánh Mỹ, có những đoàn cán bộ, những đoàn học sinh miền Nam được gửi ra Bắc rồi đưa sang Trung Quốc học tập. Rồi chuyện Quân đội Việt Nam hành quân vượt Thập Vạn Đại Sơn theo điện yêu cầu của đồng chí Chu Ân Lai sang đánh dẹp quân Tưởng, giải phóng vùng đất Ung-Long-Khâm để đón đại quân Nam Hạ của Giải phóng quân Trung Quốc v.v…

 

Rồi ông khẳng định: “Đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược, công lao của Việt Nam là chính nhưng là công chung của hai Đảng, hai nước. Vậy mà bây giờ tại sao lại xung đột với nhau. Việc này không phải do dân và bộ đội gây ra, mà do lãnh đạo của hai nước gây ra. Đề nghị đồng chí Đại sứ báo cáo với lãnh đạo của Trung Quốc. Tôi mới nhận chức nhưng cũng sẽ báo cáo với lãnh đạo của Việt Nam; để lãnh đạo hai nước gặp nhau giải quyết việc này”. Ông cũng kể lại với Đại sứ Trương chuyến đi với Thủ tướng Phạm Văn Đồng sang Tô Châu gặp Mao Chủ tịch. Khi Mao Chủ tịch hỏi có khó khăn và cần gì, ông nói rằng cần súng đạn và tiền để mua gạo, thì một tháng sau chiến trường Nam Bộ đã nhận được vũ khí và tiền … Khi nghe nói vậy thì ông thấy Đại sứ Trương mừng lắm, nét mặt phấn khởi nói rằng: "Thế thì tôi phải về nhanh để báo cáo với lãnh đạo bên tôi…"


Đến đây, sứ mệnh "mở luồng" và "thăm dò" mà Bộ Chính trị tin cậy giao cho Tướng Lê Đức Anh, được xem như đã hoàn tất. Quả nhiên sau đó, trong chuyến đi thăm Singapore (tháng 7/1990), Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng đã "đánh tiếng" là "Sẵn sàng bình thường hoá quan hệ với Việt Nam". Thời điểm này ta cũng đã hoàn tất việc rút toàn bộ Đoàn chuyên gia và Quân tình nguyện Việt Nam ở Camphuchia về nước. Thực chất Mỹ đã thua ta tại "Ván bài Camphuchia" nhưng ở thời điểm này Mỹ không tỏ ra cay cú mà ngược lại, có phần cám ơn Việt Nam vì hai lẽ, một là đã làm tan rã chế độ diệt chủng Pôn-Pốt mà cả loài người nguyền rủa, hai là việc rút toàn bộ quân Việt Nam về nước đã có tác động tích cực trong việc Liên Xô rút quân ra khỏi Apghanistan, điều mà Mỹ rất mong muốn.

  

Tuy nhiên những sự kiện trên là những dấu hiệu rất cơ bản để tiến tới việc bình thường hoá quan hệ giữa hai nước, nhưng đó là sự kiện diễn ra ở cấp lãnh đạo cao nhất của hai Đảng và hai Nhà nước (Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ), là những cuộc gặp hẹp và bí mật. Bởi vậy cán bộ ở cấp dưới, nhất là ở cơ sở và bộ đội hai bên đường biên không thể biết, do đó hàng ngày trên tuyến biên giới vẫn chưa có sự thay đổi lớn theo xu hướng hoà bình hữu nghị mà vẫn duy trì không khí xung đột căng thẳng; tuy lúc này phía bên kia không còn cho quân tiến công sang, nhưng bộ đội của họ vẫn bắc các dàn loa phóng thanh chửi rủa với những lời lẽ rất tệ hại nặng nề và vẫn bắn pháo sang bên đất của ta. Nhất là ở Quảng Ninh, họ chửi và bắn pháo rất nhiều. Anh em mình nghe rát tai, tức quá thì cũng chửi lại và nạp đạn pháo bắn lại.

 

Khi lên thị sát biên giới, tướng Lê Đức Anh nhắc nhở thì anh em thôi, không bắn, không chửi lại nữa. Ông nói với anh em: “Chừ họ chửi một, các đồng chí chửi lại mười; họ bắn một, các đồng chí bắn lại mười, cứ như thế này thì không làm được công tác tư tưởng, không giải quyết dứt điểm được tình hình”. Anh em cán bộ hỏi: "Vậy thưa Thủ trưởng, giờ ta làm gì để giải quyết được tình hình?". Ông bảo, họ bắc loa chửi ta thì ta nhắc lại truyền thống và quá trình đoàn kết hữu nghị giữa hai nước; họ bắn sang ta bằng đạn pháo, thì ta "bắn lại" bằng tình hữu nghị! Nhất định phải làm mọi cách để nối lại tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt-Trung. ở cao điểm Vị Xuyên, bộ đội hai bên nhìn rất rõ nhau vì chỉ cách nhau mấy chục thước. Ông bảo anh em mang thuốc hút và diêm quẹt sang mời họ. Bên họ cũng nhiều anh em nghiện thuốc nên họ phấn khởi lắm. Bộ đội hai bên nói chuyện với nhau và cũng thôi không chửi, không bắn nhau nữa.


Tại một số điểm chốt, ông bảo anh em hãy lui về phía sau một quãng. Cán bộ, chiến sỹ đều nói rằng “Nếu mình lui mà bên kia họ lên thì lo lắm!”. Ông bảo “Cứ rút đi!”. Tiếp đó, ông cho rút từng phần các đơn vị chủ lực về phía sau, về tuyến hai để đưa dân quân, bộ đội địa phương và bộ đội biên phòng lên tuyến một. Lúc đó tâm lý chung của các "Tư lệnh chiến trường" và cán bộ chỉ huy các cấp là lo sợ, không anh nào dám cho chủ lực và các đơn vị dưới quyền mình lui xuống. 
 

Một hôm ông đến sở chỉ huy của Sư đoàn 316 thuộc Quân khu 2 ở phía dưới Phố Lu; khi tướng Vũ Lập, Tư lệnh Quân khu kéo đồng chí An là Chỉ huy trưởng Sư đoàn 316 lại gặp riêng ông và hỏi: "Báo cáo Bộ trưởng, đêm qua đồng chí An này đã báo cáo tôi cho đơn vị của đồng chí này lui xuống?!" Ông liền trả lời: “Đúng thế!”, thì tướng Vũ Lập tỏ vẻ sửng sốt, bất ngờ mà nói rằng "Vậy thì xin anh cho văn bản!" Tướng Anh liền bảo đồng chí Phi Long, Cục phó cục Tác chiến: “Viết lệnh để tôi ký liền!”. Thấy thái độ kiên quyết của ông, ông Vũ Lập liền nói vẻ xoa dịu: "Anh lệnh thì chúng tôi chấp hành, dù mệnh lệnh bằng giấy hay bằng miệng cũng chấp hành. Nhưng anh cho giấy để cơ quan còn lưu trữ." 
 

Thực chất lúc này, đối với ý định của ông, chưa phải là điều chỉnh bố trí chiến lược, mà ông chỉ thực hiện điều chỉnh sơ bộ, vừa để cho thế phòng thủ biên giới của bộ đội ta có chiều sâu, có thế vững chắc hơn, vừa để thăm dò phía bên kia. Khi trở về Hà Nội, ông đã báo cáo hết tình hình với Bộ Chính trị.


Tiếp đó, cuối tháng 7/1991, tướng Lê Đức Anh được Bộ Chính trị cử làm phái viên của Bộ Chính trị sang Trung Quốc (thực chất là “đi tiền trạm”) bàn bạc những vấn đề cụ thể việc bình thường hoá quan hệ hai nước. Cùng đi có đồng chí Hồng Hà, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương. Sáng ngày 28 bắt đầu khởi hành. Trên đường đi Bắc Kinh, các ông dừng chân ở Nam Ninh, thủ phủ Khu tự trị dân tộc Choang, Quảng Tây. Ông Triệu Phú Lâm, Bí thư Khu ủy Khu tự trị Quảng Tây và ba cán bộ của Văn phòng Khu ủy; ông Chu Thiện Khanh, Phó trưởng Ban Đối ngoại và ba cán bộ, phiên dịch của Ban Đối ngoại Trung ương Trung Quốc ra đón các ông ở sân bay Nam Ninh. Đây là lần thứ tư trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông Lê Đưc Anh sang đất nước Trung Quốc. Dùng cơm trưa ở Quảng Tây xong, các ông đã bay luôn lên Bắc Kinh.

 

Sáng hôm sau, 29/7, từ 9 giờ đến 12 giờ, ông Kiều Thạch, ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng cộng sản Trung Quốc làm việc với hai ông tại Đại lễ đường. Cùng dự về phía Trung Quốc còn có các ông: Chu Lương và Chu Thiện Khanh, Trưởng và Phó trưởng ban Đối ngoại Trung ương; Chu Sỹ Cầm, Trịnh Quốc Tài là Cục trưởng và Phó cục trưởng Cục 2 Châu á Ban Đối ngoại; Trương Đức Duy, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam; Từ Đôn Tín, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Cuộc họp này để chuẩn bị cho cuộc hội đàm chính thức với Tổng Bí thư Giang Trạch Dân sau đó. Làm việc họp hành xong, đến 12 giờ 30 thì ông Kiều Thạch và các ông kể trên dự bữa cơm thân mật với hai ông tại phòng Tân Cương của Đại lễ đường. 
 

Cuộc hội đàm chính thức diễn ra tại Trung Nam Hải vào buổi chiều ngày 31/7/1991. Phía Trung Quốc do Tổng bí thư Giang Trạch Dân làm Trưởng đoàn. Trước khi hội đàm, có ít phút gặp riêng giữa Tổng bí thư Giang và tướng Lê Đức Anh, có hai phiên dịch của hai Ban Đối ngoại Trung ương Việt Nam và Trung Quốc. Ông Giang Trạch Dân liền nêu một vấn đề khá "hóc búa": "Tới đây lãnh đạo cấp cao hai nước gặp nhau sẽ mở lại trang sử tốt đẹp quan hệ Trung-Việt. Nhưng có một vấn đề quan trọng phải bàn riêng, vì ra họp chung khó nói. Tôi ở địa phương mới lên làm Tổng Bí thư. Trước chưa biết, nhưng nay nghiên cứu lịch sử mới biết là Nam Sa tức Trường Sa là của Trung Quốc". Nghe vậy, tướng Lê Đức Anh liền nói: “Tôi cũng như đồng chí, tôi ở chiến trường mới về Trung ương; khi về có dịp nghiên cứu về lịch sử, địa lý và pháp lý thì thấy Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc lãnh thổ Việt Nam. Bây giờ chúng ta nên cử các cơ quan chức năng nghiên cứu và xác định cụ thể”. Nghe vậy, ông Giang không nói gì nữa; ông cười rồi ông bảo: "Tới giờ rồi, mời đồng chí ra hội đàm!.."
 

Theo Tướng Lê Đức Anh, nhìn chung cuộc hội đàm đạt kết quả tốt; mọi vấn đề đặt ra đều được hai bên thoả thuận, nhất trí, kể cả việc giải quyết vấn đề Campuchia. Có một điểm tốt, khác với cuộc gặp hai bên vào năm trước ở Thành Đô là phía Trung Quốc không còn lấy việc giải quyết vấn đề Campuchia làm điều kiện tiên quyết cho việc bình thường hoá quan hệ Trung-Việt nữa. Lúc đó Khơ-me đỏ đã tan, Trung Quốc cần ta đồng tình việc đưa Quốc vương Xi-ha-núc trở về Campuchia, mà thời điểm đó Xi-ha-núc đang ở Bắc Kinh. Trung Quốc cũng thấy rằng quan hệ hữu nghị với Việt Nam để phát triển là một nhu cầu của cải cách, mở cửa của họ. Khi họ gặp thái độ của ta rất phải chăng thì họ tiếp thu ngay. Họ đang có nhu cầu phát triển, ta cũng có nhu cầu bình thường hoá quan hệ để ổn định và phát triển, hơn nữa bối cảnh Quốc tế lúc này Liên Xô đã tan rã, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu cũng sụp đổ, do đó hai nước láng giềng xã hội chủ nghĩa Trung-Việt đã gặp nhau như một tất yếu lịch sử.(1) 
 

Tiếp đó là những cuộc tiếp xúc trao đổi giữa hai Ban Đối ngoại Trung ương của hai Đảng, giữa Bộ Ngoại giao hai nước và giữa Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Mạnh Cầm với Đại sứ Trung Quốc Trương Đức Duy.
 

Đến tháng 11/1991, nhận lời mời của Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Giang Trạch Dân và Thủ tướng Quốc vụ Viện Trung Quốc Lý Bằng, đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu sang thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 5 đến ngày 10. Sau lễ đón và hội đàm, hai bên ra Thông cáo chung và ký kết Hiệp định chính thức quan hệ bình thường giữa hai nước Trung-Việt trên cơ sở 5 nguyên tắc hoà bình, đồng thời ký kết cả quan hệ bình thường giữa hai Đảng, khép lại 15 năm đối đầu căng thẳng.

Lịch sử nhân loại ở những thập niên cuối thế kỷ 20 có ba “cuộc lui quân vĩ đại”. Thứ nhất là quân đội Liên Xô rút khỏi Apghanistan; tuy không có sự xua đuổi nhưng không được người dân “đưa tiễn thắm tình”. Thứ hai là cuộc rút quân về nước trước thời hạn của Quân tình nguyện và đoàn chuyên gia Việt Nam. Cả đất nước Chùa tháp rực rỡ cổng chào, cờ hoa cùng các tầng lớp nhân dân Campuchia lưu luyến đưa tiễn. Trước Hoàng cung, Quốc trưởng Nô-rô-đôm Xi-ha-núc và Vua Sãi Tếp Vông trịnh trọng quàng vòng Nguyệt quế lên cổ Đại tướng, Tổng chỉ huy Quân tình nguyện và Đoàn chuyên gia Việt Nam Lê Đức Anh rồi thống thiết nói lời cảm ơn Đảng, Nhân dân và Quân tình nguyên Việt Nam đã chịu gian khổ, hy sinh, không tiếc máu xương, sức lực, trí tuệ và của cải để cứu Dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng và hồi sinh Đất nước Chùa tháp từ tiêu điều xơ xác trở nên xanh tươi bền vững. Thứ ba là cuộc lui quân, chấm dứt việc đấu súng, đấu trí của hai Quân đội, hai Nhà nước, khôi phục đường biên giới hữu nghị, lập lại quan hệ bình thường giữa hai Quốc gia Việt Nam - Trung Quốc. Có thể nói, trong ba cuộc lui quân vĩ đại này, thì hai cuộc sau đều là “cuộc lui quân Đẹp!”, lui quân vô cùng ngoạn mục, mà người được giao trọng trách lớn lao, vừa thiết kế vừa tổ chức thực hiện nó, chính là Đại tướng Lê Đức Anh!

Đại tá Khuất Biên Hòa

Bài sau: Vận dụng Đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng và Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, ông là tác giả của kế sách Bố trí thế phòng thủ chiến lược mới; xây dựng tuyến phòng thủ Trường Sa; Thu hồi quân cảng Cam Ranh trước thời hạn.