Sát Tết, nhịp sống Sài Gòn càng hối hả. Phố phường đông đúc. Đường xá xe cộ đan xen như mắc cửi. Trong nhịp sống đó, có một không gian rộng lớn, trầm lặng và bình thản cho những người mưu sinh dọc bờ kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè.

Đến bờ kênh hôm nay, những xóm lao động nghèo dọc theo kênh như Vạn Chài, Cầu Mới, Xóm Chùa, Cống Bà Xếp…đã đi vào dĩ vãng thay vào đó là những căn nhà khang trang, kiên cố. Mùi hôi tanh và màu đen đặc quánh của dòng nước đã trở lại trong xanh. Hai bên bờ, suốt chiều dài con kênh là dải công viên với cây xanh và thảm cỏ…

Tại khu vực Xóm Chùa, một phụ nữ đứng tuổi thả từng hạt lúa vào lồng chim. Có hàng chục chiếc lồng được chị sắp thành hàng dài quanh bồn cỏ. Hết lồng này đến lồng khác, lúa được rải vào trong lồng đầy ắp.

{keywords}
Rải lúa dụ chim trời

Cách thiết kế của lồng cũng khác lạ. Có một khoảng chung kín và nhiều ngăn riêng hở. Xong việc rải lúa, chị di chuyển những chiếc lồng đi nhiều nơi. Có lồng ở dưới đất, có lồng trên ngọn cây và cả ở thảm cỏ.

Tiếng ríu rít của chim trong lồng kích thích các chú chim bên ngoài sà tới. Chim trong lồng vừa ăn lúa vừa gọi đàn. Những con chim bên ngoài nhảy vào. Một tiếng “bật” nhỏ phát ra. Ngay lập tức, con chim bị nhốt kín không còn cách nào bay ra được.

Thì ra, chị chuyên bẫy chim trời. “Chim này chị bán cho các nhà hàng làm thịt ?”. Chúng tôi hỏi. “Không anh à, tôi bẫy chim bán cho các đầu mối chuyên bán chim phóng sinh đó”.

Chị kể, đây là công việc đã làm từ hàng chục năm nay. Trước kia, khi kênh Nhiêu Lộc chưa được chỉnh trang ngày ngày chị cắp lồng qua những ruộng rau muống bên kia kênh. Ngày nay ruộng rau muống ấy đã là khu dân cư Miễu Nổi với những biệt thự sang trọng không còn chỗ bẫy chim nên chị về đây.

Gần Tết rồi chị không nghỉ sao? “Không anh à. Một năm 365 ngày tôi làm đủ. Nghỉ một ngày là đói một ngày nên dù có Tết hay lễ cũng phải làm thôi. Mà ngày Tết, ngày rằm giá chim lên cao có thể kiếm được khá hơn . . .”

{keywords}
Bẫy chim dưới đất

Nghe chị thở than, thì ra cái ung dung của chị vào thời gian cận Tết cũng có cái lý của nó. Bẫy chim mà hối hả thì làm sao mà bẫy được. Phải chờ phải đợi và phải lặng lẽ mới có được miếng ăn?

Hai bên bờ kênh, chúng tôi còn bắt gặp những “Lã Vọng” thời nay thản nhiên buông cần ra giữa dòng kênh; gần đó từng đàn cá vẫy vùng sát bờ.

Mặc dù có lệnh cấm câu trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè để bảo vệ đàn cá, nhiều người vẫn bất chấp. Buổi sáng của những ngày cuối năm, người câu cá vẫn đông, lặng lẽ với công việc đòi hỏi nhiều kiên nhẫn này.

Khác với chị bẫy chim mưu sinh, những người buông câu trên kênh đều là người nhàn tản. Họ tìm thú vui để quên đi những giây phút mệt nhọc căng thẳng. Con cá câu được sau đó thì cũng…chén chú chén anh không cải thiện được gì trong cuộc sống gia đình.

Doc theo kênh, người câu cá tụ tập đông nhất là đoạn từ cầu Trần Khánh Dư đến cầu Kiệu phía Phú Nhuận. Mặc cho phố phường đang rộn rã đón xuân, mặc cho thời gian lặng lờ trôi đi vào những ngày giáp Tết, nhóm người câu cá vẫn ngồi hàng giờ dõi mắt theo dòng nước.

Bỗng chiếc cần lay động. Người câu tỉnh hẳn. Dây được thâu đến gần đoạn cuối. Giật mạnh, một chú cá khá to đang vẫy vùng cố thoát nhưng không kịp vì…đã lên bờ. Chú cá da trơn này nặng có thể đến hơn 2kg.

{keywords}
Chuẩn bị buông câu

Trong niềm vui, tôi hỏi anh, thường thì ở kênh này anh câu được cá gì ? Toàn cá da trơn thôi anh. Nhiều nhất là cá trê và cá bông lau. Đôi khi cũng có cá lóc và cá rô. Những loại cá này từ cửa sông ngược dòng vào đây nên rất háu ăn mồi.

Còn những đàn cá nổi lên vàng cả mặt nước thì không bao giờ ăn câu. Chúng là cá mùi, sống thành đàn sinh sản ngày một nhiều.

Chợt nhớ có lần Chủ tịch UBND TP thả hàng tấn cá xuống kênh, chúng tôi hỏi thăm những người câu bây giờ chúng ra sao. Hầu hết đều cho biết một số bị bắt ngay sau đó. Số còn lại không thể sống được với môi trường nước này nên đã chết. Hiện giờ xem như số cá đó không còn nữa.

Những ngày cuối năm, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè vẫn như ngày thường. Dường như nơi đây chỉ dành cho những người trầm lặng, không muốn tận hưởng không khí rộn rã của mùa xuân…

Trần Chánh Nghĩa