Đánh giá tình hình 5 năm 2015-2020, Đại hội khẳng định: 5 năm qua, bên cạnh những thuận lợi, An Giang cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức từ tình hình thế giới và trong nước, nhưng với truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang đã nỗ lực phấn đấu đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020.

{keywords}
 

2015-2020: Nhiều thành tựu quan trọng 

Kinh tế tăng trưởng qua từng năm phù hợp nguồn lực địa phương. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 5,25%. Quy mô nền kinh tế tăng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Thu nhập bình quân đầu người đạt 46,803 triệu đồng/người/năm. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 127.360 tỉ đồng (tăng trên 27.970 tỉ đồng so giai đoạn 2010-2015). Tổng thu ngân sách nhà nước 5 năm đạt 31.345 tỉ đồng (tăng trên 5.180 tỉ đồng). Kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 4,18 tỉ USD.

Xác định đầu tư hạ tầng trọng điểm để thúc đẩy phát triển kinh tế, tỉnh tập trung nguồn lực phát triển hạ tầng sản xuất nông nghiệp, giao thông (nhất là giao thông kết nối các khu du lịch) và hạ tầng đô thị. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh.

Nông nghiệp khẳng định vai trò nền tảng của nền phát triển. Nét nổi bật là tỉnh đã tìm giải pháp tháo gỡ các “điểm nghẽn”, nhất là về thủ tục hành chính, khuyến khích tập trung đất đai, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh gắn với nhà đầu tư. Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành sớm hơn 1 năm so với nghị quyết.

Thương mại, dịch vụ phát triển khá. Thế mạnh về du lịch được phát huy, công tác quảng bá hình ảnh du lịch An Giang được chú trọng. Công nghiệp chế biến tăng trưởng ổn định; phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Giáo dục-đào tạo phát triển về quy mô, chất lượng; mạng lưới trường, lớp học được đầu tư rộng khắp. Triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực phục vụ các ngành kinh tế mũi nhọn, gắn với nhu cầu xã hội.

Các chính sách an sinh xã hội huy động sự tham gia của cộng đồng, đời sống người dân được cải thiện, hộ nghèo đa chiều giảm còn 1,93% (giảm 1,5%/năm).

Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng; mạng lưới, dịch vụ y tế phát triển; nâng cao năng lực y tế dự phòng, ngăn chặn nhiều loại dịch bệnh nguy hiểm, nhất là phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu được quan tâm. Hoạt động văn hóa, thể thao gắn với xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị được triển khai sâu rộng.

Hội đồng nhân dân các cấp thực hiện tốt trách nhiệm xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương. Bộ máy hành chính được củng cố, kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Tiềm lực quốc phòng, quân sự địa phương, xây dựng khu vực phòng thủ được tăng cường. Giữ vững ổn định an ninh, trật tự xã hội. Quan hệ đối ngoại được mở rộng trên nhiều lĩnh vực. Công tác nội chính, cải cách tư pháp có nhiều chuyển biến.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được chú trọng. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 về xây dựng Đảng gắn với Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, các quy định về trách nhiệm nêu gương, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, góp phần nâng cao trách nhiệm, khơi dậy khát vọng vươn lên của đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Tập trung sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII); nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng; tập trung nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, đáp ứng yêu cầu phát triển của địa phương.

Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật Đảng được tăng cường. Triển khai đồng bộ giải pháp phòng, chống tham nhũng, tạo sự chuyển biến rõ nét trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Nâng cao nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên về công tác dân vận; đẩy mạnh thi đua “Dân vận khéo”; xây dựng phong cách dân vận chính quyền dân chủ, công khai, đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy tốt quyền làm chủ của nhân dân.

Phương thức hoạt động của các cấp ủy ngày càng nền nếp, khoa học, bám sát quy chế làm việc, nguyên tắc tập trung dân chủ; kịp thời xử lí những vấn đề thường xuyên, đột xuất phát sinh trên các lĩnh vực.

Mục tiêu, phương hướng chủ yếu 5 năm 2020-2025

Trên cơ sở dự báo tình hình thế giới và trong nước, nhận định thời cơ, thách thức, xác định quan điểm phát triển, Đại hội nhất trí đề ra mục tiêu, chỉ tiêu và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong nhiệm kỳ tới như sau:

Mục tiêu tổng quát: Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ và hiệu quả quản lý của chính quyền; phát huy dân chủ, kỷ cương; khai thác mạnh mẽ lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; giữ vững quốc phòng, an ninh. Phấn đấu đến năm 2025, kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực đồng bằng sông Cửu Long và đạt mức trung bình cả nước; đến năm 2030 đạt trên mức trung bình cả nước.

Các khâu đột phá: Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch; Nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ; cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; Cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.

Chỉ tiêu phát triển chủ yếu:

Giai đoạn 2020-2025, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm đạt từ 6,5% - 7%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt từ 70,4 đến 72,2 triệu đồng/người/năm, tương đương từ 2.563-2.626 USD; tổng vốn đầu tư xã hội 5 năm đạt từ 164,6 đến 176 nghìn tỉ đồng; kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt 5.285 triệu USD; thu ngân sách từ kinh tế địa bàn 5 năm đạt 41.303 tỉ đồng; tỉ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 43%.

Tỉ lệ trường học đạt chuẩn quốc gia đến năm 2025 đạt 55%; tỉ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đến năm 2025 đạt 73%; tỉ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân từ 1%-1,2%/năm; đến năm 2025, có 11 bác sĩ/1 vạn dân và 28 giường bệnh/1 vạn dân; tỉ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đến năm 2025 đạt 95%; đến năm 2025, tỉ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt từ 75%-80% so tổng số xã toàn tỉnh, có từ 30 - 35 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, phấn đấu có thêm 2 huyện đạt huyện nông thôn mới, có 1 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao; tỉ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, nước hợp vệ sinh đến năm 2025 đạt 95%; tỉ lệ cơ quan nhà nước các cấp hoàn thiện chính quyền điện tử đến năm 2025 đạt 90%.

Hằng năm, có 20% tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, 70% đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có tổ chức cơ sở Đảng yếu kém; có 80% Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội các cấp hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, không có tổ chức yếu kém.

Giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 2020 - 2025

(1) Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa nông sản An Giang. Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp với phương châm “thị trường hóa hoạt động nông nghiệp để ổn định đầu ra cho nông sản; công nghiệp hóa và công nghệ hóa nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng; dịch vụ hóa nông nghiệp để tăng cường chuyên môn hóa và cải thiện hiệu quả; nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững”.

Thực hiện có hiệu quả Kết luận số 81-KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về “Đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030”. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo giá trị sản xuất cao gắn với thị trường. Phát triển các loại hình trang trại, kinh tế hợp tác, tổ hợp nông nghiệp-công nghiệp-dịch vụ công nghệ cao, hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, vùng nông nghiệp công nghệ cao.

(2) Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, tạo động lực mới cho tăng trưởng. Tái cơ cấu ngành Công nghiệp, ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông sản công nghệ cao, năng lượng sạch. Đến năm 2025, phần lớn các sản phẩm nông nghiệp đều qua chế biến trước khi ra thị trường.

(3) Phát huy mạnh mẽ thế mạnh về thương mại, dịch vụ và du lịch. Phát triển mạnh các loại hình dịch vụ du lịch, dịch vụ tín dụng, dịch vụ y tế, dịch vụ đô thị. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và có lộ trình phát triển kinh tế số. Phát triển các trung tâm tập kết trung chuyển hàng hóa, các loại hình dịch vụ logistics.

Phát huy vai trò của các cửa khẩu quốc tế trong việc kết nối đồng bằng Sông Cửu Long và thành phố Phnôm Pênh (Campuchia), đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế biên giới.

Phát triển đồng bộ các loại hình du lịch tâm linh-sinh thái-nghỉ dưỡng. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khuyến khích những loại hình văn hóa, giải trí về đêm… thu hút, giữ chân du khách.

(4) Huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực của xã hội đầu tư hạ tầng phục vụ phát triển công nghiệp, du lịch và đô thị. Xây dựng các chính sách thu hút đầu tư, tập trung các ngành kinh tế mũi nhọn. Huy động nguồn lực đầu tư hệ thống giao thông trọng điểm, kết nối các khu tập trung dân cư, vùng sản xuất, khu công nghiệp, khu du lịch… Đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa, phấn đấu đến năm 2025 tỉ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt 43%.

(5) Nâng cao năng lực quản trị của doanh nghiệp, phát huy vai trò kinh tế tư nhân trở thành động lực cho phát triển. Kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cạnh tranh, an toàn, minh bạch. Kêu gọi đầu tư, hình thành các doanh nghiệp lớn dẫn dắt, liên kết mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, nhất là trên lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp, du lịch.

(6) Phát triển giáo dục-đào tạo gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Đẩy mạnh đổi mới giáo dục và đào tạo. Tiếp tục triển khai Chương trình phát triển nguồn nhân lực đến năm 2025. Phát huy tốt vai trò đào tạo nguồn nhân lực của Trường Đại học An Giang, nâng chất Trường Cao đẳng Nghề, Trường Cao đẳng Y tế; tạo điều kiện đưa vào hoạt động phân hiệu Trường Đại học Tôn Đức Thắng.

(7) Nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới y tế cơ sở. Tăng cường công tác y tế dự phòng, thực hiện tốt chương trình mục tiêu y tế-dân số. Huy động nguồn lực đầu tư các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa theo lộ trình.

(8) Phát huy giá trị và sức mạnh văn hóa, con người An Giang. Đẩy mạnh quảng bá, phát huy bản sắc đặc trưng, khơi dậy truyền thống văn hóa, con người An Giang. Xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trong xã hội. Gắn phát triển văn hóa với phát triển du lịch.

(9) Quản lý phát triển xã hội bền vững, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội. Ưu tiên đầu tư cho phúc lợi xã hội, an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; hỗ trợ phát triển vùng khó khăn, vùng dân tộc. Chú trọng đào tạo nghề, giải quyết việc làm, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Thực hiện tốt chính sách người có công cách mạng, chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; quan tâm bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

(10) Nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên, môi trường. Chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, sạt lở bờ sông. Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn về tích tụ đất đai để thu hút đầu tư; quản lý chặt chẽ đất công.

(11) Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương. Xây dựng chính quyền An Giang thân thiện, năng động, trách nhiệm với nhân dân. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số.

Đảm bảo quốc phòng-an ninh; tăng cường công tác nội chính, cải cách tư pháp và đối ngoại

Tăng cường quốc phòng an ninh, giữ vững thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân. Nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị về nhiệm vụ diễn tập khu vực phòng thủ. Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự xã hội, an toàn giao thông, đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Làm tốt công tác nội chính, cải cách tư pháp, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp.

Tăng cường đối ngoại trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội, làm tốt công tác đối ngoại quân sự, đối ngoại nhân dân, tạo môi trường hòa bình, ổn định. Hoàn thành việc phân giới, cắm mốc biên giới; tìm kiếm, quy tập hài cốt quân tình nguyện hy sinh trên đất bạn Campuchia.

Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và chú trọng công tác dân vận

Nâng cao hiệu quả công tác chính trị-tư tưởng. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII) về xây dựng Đảng, các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, Đảng viên, tạo lan tỏa về khát vọng đổi mới, ý tưởng đột phá, sáng tạo cho sự phát triển.

Tiếp tục sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao chất lượng công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu tổ chức cơ sở Đảng và Đảng viên.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; đẩy mạnh phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra..., kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lí nghiêm minh sai phạm.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, báo chí, cơ quan dân cử, Mặt trận, đoàn thể, cán bộ, Đảng viên và nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng gắn với xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Nâng cao hiệu quả công tác dân vận hướng tới sự đồng thuận, khơi dậy khát vọng phát triển, trí tuệ, trách nhiệm của nhân dân. Tăng cường hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở.

Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với hệ thống chính trị. Đổi mới việc quán triệt, sơ kết, tổng kết và tổ chức thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Đẩy mạnh cải cách hành chính trong Đảng gắn với ứng dụng công nghệ thông tin.

(Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025)