Quốc hội sáng nay (15/6) tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế xã hội, ĐBQH Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đánh giá cao những kết quả trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và việcthực hiện mục tiêu kép tái khởi động lại và khôi phục nền kinh tế…

Hiện nay, cần ưu tiên cao cho việc khôi phục kinh tế sau dịch, bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư công, cần tạo điều kiện cho các dự án đầu tư của doanh nghiệp.

Thời gian qua, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhiều địa phương đã “trải thảm đỏ” cho các tập đoàn, doanh nghiệp lớn đa quốc gia về đầu tư. Tuy nhiên,  đối với doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các thủ tục đầu tư vẫn còn phức tạp, kéo dài.

{keywords}
ĐBQH Bùi Thanh Tùng: "“Thiết nghĩ chúng ta đang dọn tổ đón đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ"

Ông Tùng nêu thực trang nhiều doanh nghiệp phải mất từ 3-4 năm cho việc chạy lòng vòng và bước dần qua các thủ tục này, thực sự cảm thấy hụt hơi, nản chí.

“Thiết nghĩ chúng ta đang dọn tổ đón đại bàng thì cũng nên rắc thóc cho chào mào, chim sẻ để thực sự có được sự công bằng và tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp phát huy nội lực của doanh nghiệp trong nước, góp phần nhanh chóng hồi phục kinh tế”, ĐB Bùi Thanh Tùng nói.

Triển khai Luật Quy hoạch hiện nay còn chậm, nhiều vướng mắc, chậm điều chỉnh quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và sự lúng túng trong việc tích hợp các quy hoạch chuyên ngành ở địa phương và quy hoạch tỉnh, có tính chất “gối đầu” cho giai đoạn 2021-2025, khiến các dự án hạ tầng xã hội quan trọng cũng bị kéo chậm theo.

Ông Tùng đề nghị Chính phủ tiếp tục đánh giá những tồn tại, bất cập trong việc triển khai Luật Quy hoạch và chỉ đạo sớm có giải pháp đẩy nhanh tiến độ, điều chỉnh, xây dựng các quy hoạch ở các cấp độ khác nhau, bảo đảm tính đồng bộ để phát triển.

Đề xuất một số giải pháp phát triển KTXH, ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, trong thời gian qua, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sụt giảm mạnh, thị trường bị thu hẹp, nhất là lĩnh vực dịch vụ.

Trước thực tế này, việc điều chỉnh một số chỉ tiêu kinh tế là rất cần thiết. Cần đánh giá sự phát triển của đất nước trên một mặt bằng mới, một nền tảng mới, với sự nỗ lực cao nhất của cả hệ thống chính trị.

Bà Hoa nhất trí với đề xuất điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng GDP và một số chỉ tiêu vĩ mô khác như thu ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách nhà nước, nợ công, nguồn cung tín dụng cho nền kinh tế,... Tuy nhiên, cùng với việc điều chỉnh thì vẫn phải bảo đảm ổn định vĩ mô, giữ giá trị của đồng tiền Việt Nam.

ĐB tỉnh Nam Định cũng đề xuất dành thêm nguồn lực đầu tư cho những hạ tầng chiến lược, có vai trò kết nối vùng, liên vùng như đường cao tốc, sân bay, bến cảng, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và phát triển thương mại điện tử.

{keywords}
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa  đề xuất dành thêm nguồn lực đầu tư cho những hạ tầng chiến lược như đường cao tốc, sân bay, bến cảng, hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và phát triển thương mại điện tử

Cùng quan điểm, ĐB Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cần có sự điều chỉnh thích hợp trong thời gian tới trong khi nhà nước ta bảo đảm nhiều mục tiêu khác nhau, vừa bảo đảm cho nguồn lực đầu tư phát triển. Vì vậy cần kịp thời thực hiện tăng cường củng cố nguồn lực nhằm vượt qua thử thách khó khăn trong năm 2020 tạo sự vững chắc, chuẩn bị bứt phá vươn lên trong những năm tiếp theo để phù hợp với xu thế chung của nền kinh tế toàn cầu.

Mặt khác, cần nghiên cứu xem xét điều chỉnh kịp thời quy trình kế hoạch xuất nhập khẩu ngành nông lâm thủy sản của Việt Nam để phù hợp với tình hình diễn biến bất thường, thiên tai dịch bệnh. Tránh những vấn đề lúng túng, bị động như điều chỉnh xuất khẩu gạo trong đêm khuya, giảm giá thịt trên tivi như trong thời gian vừa qua.

Nhanh chóng ổn định và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển ổn định thị trường trong nước với hơn 96 triệu người dân, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Đây là lời giải lâu dài cho bài toán nông sản lặp đi, lặp lại trong thời gian vừa qua.

Điều hành xuất khẩu gạo đã rất linh hoạt

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết thời gian qua dịch bệnh cùng với diễn biến của bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa dân tộc và dân túy trên thế giới đã tác động tiêu cực đến toàn cầu hóa và kinh tế- xã hội Việt Nam.

Sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng cũng như khủng hoảng kinh tế thế giới, các hoạt động xuất nhập khẩu và hoạt động thương mại quốc tế cũng như hoạt động sản xuất của Việt Nam khiến doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn.

Trong tháng 4-5  cơ bản thành công trong khống chế dịch bệnh, các hoạt động tăng trưởng kinh tế từng bước khôi phục lại.

{keywords}
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh giải trình thêm về việc xuất khẩu gạo 

Bộ Công Thương đã chủ động xây dựng một kế hoạch hành động, trong đó tập trung vào ba nhóm vấn đề lớn:  củng cố và tổ chức lại các chuỗi cung ứng cho sản xuất, tránh phụ thuộc vào một số thị trường; tập trung thúc đẩy phát triển; kích cầu tiêu dùng.

Tập trung thúc đẩy phát triển xuất khẩu và tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký cũng như khai thác các thị trường thuận lợi và tiềm năng.

Kích cầu tiêu dùng trong nước gắn với đẩy nhanh tái cơ cấu thị trường trong nước và phát triển thương mại điện tử. Trong đó, đề án phát triển nền tảng ứng dụng thương mại điện tử và thúc đẩy kết nối giữa các nhà sản xuất, các nhà phân phối để kết nối với thị trường cũng là trọng tâm của năm 2020.

Về điều hành xuất khẩu mặt hàng gạo, theo ông Trần Tuấn Anh, trong 5 tháng đầu năm, sản lượng xuất khẩu gạo đạt 3,06 triệu tấn, tăng 11,08% so với cùng kỳ năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,44 tỉ USD.

Trong thời gian hai tháng đầu, Chính phủ xem xét đánh giá tình hình chung trong điều hành xuất khẩu gạo và bối cảnh diễn biến phức tạp. Giá gạo trong nước tăng rất cao, gây khó khăn cho hoạt động mua tạm trữ, cộng thêm tâm lý của người dân trong nước có thể đối mặt với những bất ổn về mặt tâm lý.

Thủ tướng đã ra quyết định tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng Năm để đảm bảo các mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo cũng như ổn định giá gạo trong nước và đảm bảo chủ động trong việc dự trữ lương thực. Sau đó, tiếp tục cho triển khai hoạt động xuất khẩu gạo trở lại bình thường. 

Tuy nhiên, Bộ trưởng Công Thương cũng thẳng thắn thừa nhận việc điều hành xuất khẩu gạo còn chưa thông suốt, tồn tại một số bất cập. Vấn đề này Thủ tướng cũng đã chỉ đạo các bộ, ngành rút kinh nghiệm, để hoàn thiện pháp lý, điều hành xuất khẩu hiệu quả hơn.

Trần Thường - Thu Hằng