Tin giả, hậu quả thật

Thủ tướng vừa ban hành kế hoạch thực hiện phong trào “cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hoá công sở”, trong đó có quy định: 'Cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ kỷ luật phát ngôn, không sử dụng mạng xã hội để khai thác, tuyên truyền các thông tin chưa được kiểm chứng, phiến diện, một chiều ảnh hưởng đến thực thi nhiệm vụ”. Vì sao Thủ tướng đưa ra quy định này và ông đánh giá thế nào về việc cán bộ, công viên chức sử dụng mạng xã hội?

Mạng xã hội có nhiều mặt tích cực nhưng mặt không tích cực cũng không phải là ít. Những thông tin xấu, độc, bôi nhọ, bịa đặt, chưa được kiểm chứng, không có dựng lên thành có xuất hiện khá nhiều trên mạng xã hội, gây hoang mang dư luận, làm suy giảm niềm tin của công chúng. Vì vậy, công chúng không xác định được đâu là nguồn tin đáng tin cậy.

{keywords}
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng. Ảnh: Nhật Bắc

Thời gian gần đây, chúng ta đã kiểm soát và loại bỏ nhiều tin xấu độc, bịa đặt nhưng trên mạng xã hội vẫn còn nhiều thông tin thất thiệt, tin tức giả nhưng hậu quả lại rất thật, thậm chí nghiêm trọng.

Vì vậy, trước hết cán bộ công chức, viên chức và người dân phải có quan điểm và lập trường vững vàng. Khi đó, nghe những tin xấu, tin độc là biết ngay và nhận ra ngay ai là người nói đúng, ai là người xuyên tạc, kích động.

Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, viên chức phải nâng cao trách nhiệm, nhận thức để khi gặp những thông tin xấu, độc, tự mỗi người xác định được thông tin đó là thật hay giả.

Hiện nay còn xuất hiện một số thông tin suy diễn, hư cấu, bịa đặt, thổi phồng lên tạo ra một cái gì đó rất mập mờ, không minh bạch rõ ràng để thu hút, câu view. Nhưng nếu chúng ta có bản lĩnh, lập trường vững vàng thì chắc chắn sẽ nhận biết được điều này.

Mục tiêu chỉ đạo của Thủ tướng là mong muốn tất cả cán bộ, công chức thấm nhuần được chỉ đạo này để có suy nghĩ, văn hóa lành mạnh trong hoạt động công vụ cũng như ứng xử ngoài xã hội. Từ đó nhận biết được và có quan điểm phản bác các thông tin xấu, độc tác động vào bản thân mỗi chúng ta.

Bản thân Bộ trưởng có gặp phải tình trạng mạo danh mình trên các trang mạng xã hội và ông xử lý những tình huống này như thế nào?

Có chứ, có người mạo danh tôi đi làm nhiều chuyện lắm. Khi nhận được những phản ảnh về việc mạo danh, một mặt tôi khẳng định những điều đó là không có, là giả mạo; một mặt tôi cũng đề nghị cơ quan an ninh điều tra vào cuộc.

Chúng ta phải cảnh giác và thông báo cho các cơ quan chức năng ngay đấy là thông tin giả, thông tin lừa gạt.

Ngoài ra, còn có tình trạng mạo danh thư, danh thiếp, mạo danh các chức danh không có hoặc có nhưng không thực hoặc có chức danh ấy nhưng không phải con người thực tế.

Rất nhiều trường hợp không phải người của VPCP nhưng mạo danh, giới thiệu là người của VPCP, ghi trên danh thiếp rồi đi chạy dự án, xin việc làm, lừa người dân.

Khi chúng tôi nhận được những thông tin như vậy, chúng tôi trả lời các cơ quan ngay là “VPCP không có những trường hợp này và đây là mạo danh” và kiên quyết xử lý, công khai, minh bạch để người dân không bị hiểu lầm.

Vừa rồi chúng tôi đề nghị cơ quan điều tra xử lý mấy trường hợp liên quan đến mạo danh đi huy động tiền xây chùa và cơ quan công an đã làm rất kiên quyết. Đây là tin xấu, tin độc, tin mạo danh để lôi kéo, mua chuộc, vòi tiền của người dân và DN.

Lấy cái đẹp, dẹp cái xấu

Ông có chia sẻ gì với cán bộ, công viên chức cũng như người dân khi tham gia mạng xã hội?

Chúng ta nên xác định những giá trị khi chúng ta tham gia mạng xã hội, mục tiêu tham gia là cái gì, nếu chúng ta tham gia để tìm hiểu thông tin là điều tốt.

Thế giới ảo, xã hội ảo đòi hỏi chúng ta phải truy cập mạng xã hội để xem xét cập nhật thông tin xung quanh là cần thiết chứ không nên đóng kín cửa, ngồi trong nhà.

Nhưng quan trọng là chúng ta có quan điểm, tư tưởng, kiến thức vững vàng khi tham gia một vấn đề nào đó trên mạng xã hội hoặc bình luận một việc gì đó phải xem xét kỹ lưỡng. Khi tham gia mạng xã hội dù không phải tên mình thì chúng ta cũng phải có trách nhiệm. Cái gì tốt thì chúng ta cổ vũ, cái không tốt thì chúng ta có phản biện hợp lý, trên tinh thần xây dựng.

Nếu đưa đẩy những thông tin không tốt sẽ ảnh hưởng tiêu cực, nghiêm trọng đến những người xung quanh chúng ta, đặc biệt là giới trẻ.

Ông nghĩ gì về vai trò và trách nhiệm của báo chí trong việc đẩy lùi thông tin giả mạo, thất thiệt?

Cuộc sống thì bao gồm điều tốt đẹp và cả những điều chưa tốt, như sự việc đoàn thanh tra của Bộ Xây dựng đi làm việc ở Vĩnh Phúc bị lập biên bản vì nhận tiền hối lộ, báo chí thông tin giúp người dân biết, lên án việc làm không đúng.

Còn đối với những thông tin xấu độc, xuyên tạc, bôi nhọ, vận động biểu tình bạo loạn, hay cổ vũ lối sống không lành mạnh như hướng dẫn sử dụng ma túy trên mạng càng phải có phản bác, có bài viết loại trừ.

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, truyền thông kéo theo sự phát triển quá nhanh chóng của thông tin điện tử, mạng xã hội khiến thông tin báo chí bị cạnh tranh gay gắt. Tin giả, thông tin sai sự thật trên mạng ngày càng gia tăng, có lúc, có nơi lấn át thông tin báo chí.

Vì thế hơn lúc nào hết báo chí, các nhà báo phải thể hiện những giá trị cốt lõi của mình, theo những nguyên tắc cơ bản của nghề báo: chính xác, chính thống, nhanh nhạy… Đặc biệt là nhà báo phải có quan điểm lập trường, bản lĩnh chính trị vững vàng.

Báo chí cần khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng, đồng thời chủ động để thích ứng với công nghệ làm báo mới, đang thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin của công chúng hiện đại.

Tôi mong các nhà báo luôn ý thức được vai trò, sứ mệnh của mình, chủ động đưa thông tin chính thống, “lấy cái đẹp, dẹp cái xấu”, đấu tranh đẩy lùi cái ác, cái xấu, cái bất công, thiếu chuẩn mực xã hội.

Cuộc đấu tranh chống lại thông tin xuyên tạc và xấu độc là sứ mạng mới của báo chí. Ngòi bút của các bạn cũng là vũ khí sắc bén trong sự nghiệp phò chính, trừ tà, phải phản ánh trung thực dòng chảy chính của đất nước, của dân tộc, góp phần tạo nên và nuôi dưỡng khát vọng dân tộc.

Thu Hằng

Làm nhiều điều tốt để kẻ lợi dụng mạng xã hội hết 'đất’ nói xấu

Làm nhiều điều tốt để kẻ lợi dụng mạng xã hội hết 'đất’ nói xấu

TS Nguyễn Viết Chức nhấn mạnh cán bộ, đảng viên cần nêu gương thực hiện những điều tốt đẹp, như vậy những kẻ lợi dụng mạng xã hội nói xấu chế độ không có đất để nói xấu.