Cảng cá Thuận An (phường Thuận An, TP Huế, TT-Huế) nằm cách trung tâm TP Huế khoảng 14km. Đây được xem là cảng cá lớn nhất tỉnh với khu chợ sầm uất, thủy hản sản phong phú, đa dạng.

{keywords}
Chợ cá tấp nập vào 4h sáng.

Những ngày này, với những ngư dân vùng biển Thuận An, cuộc sống của họ ít bị ảnh hưởng bởi mỗi ngày, “tôm cá vẫn đầy thuyền”.

{keywords}
Những chuyến xe chở hải sản tươi sống lần lượt được chở lên bờ.
{keywords}
 Nữ “phu cá” đang bốc hàng.

Từ mờ sáng, khu chợ đã đi vào hoạt động với hình ảnh tấp nập kẻ mua, người bán. Để đảm bảo quy định phòng, chống dịch Covid-19, mọi người ai nấy đều đeo khẩu trang nhưng trên gương mặt vẫn lộ rõ nét vui mừng, phấn khởi.

Một nhóm thanh niên kéo xe ra sát mép bờ cảng nhận cá từ tàu rồi vội vàng đưa lên bờ. Người đưa cá từ tàu vào bờ, người vận chuyển tôm, cá, mực… từ ghe lên, người phân loại hải sản, người cân hàng, người xay đá… Không khí bến cảng luôn sôi động.

Thỉnh thoảng họ dừng tay nghỉ ngơi, túm tụm chuyện trò, cười đùa trong chốc lát rồi lại nhanh chóng vào vị trí công việc khi có một chiếc thuyền mới cập bến.

{keywords}
Chợ cá tấp nập lúc rạng sáng.
{keywords}
Nét mặt tươi cười ẩn mình sau chiếc khẩu trang kín mít.
{keywords}
Việc chấp hành đeo khẩu trang được bà con thực hiện tốt.

“Mọi người vẫn quen gọi chúng tôi là “phu cá” vì làm công việc bốc vác, xếp hàng tại cảng. Chúng tôi làm việc từ khi tàu cá đầu tiên cho đến khi tàu cá cuối cùng vào bờ mới được nghỉ.

Chúng tôi làm liên tục từ tinh mơ, thay nhau tranh thủ ăn sáng. Công việc vất vả nhưng thu nhập cũng đủ sống”, một thanh niên trong nhóm chia sẻ.

{keywords}
{keywords}
Sản lượng đánh bắt đợt này khá tốt, thuyền nào về cũng đầy khoang.
{keywords}

Những khay cá tươi được sắp sẵn để giao cho thương lái.

Chị Nguyễn Thị Mơ - một tiểu thương thu mua cá tại cảng cho biết, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi nhưng Huế vẫn yên bình, bà con ai cũng phấn khởi.

“Từ sáng sớm, tôi đã chạy xe từ TP Huế về đây để chờ mua những mẻ cá tươi đưa lên thành phố bán. Cảng Thuận An mùa này rất tấp nập. Cá rất tươi do thuyền đánh bắt đưa về lúc rạng sáng nên tiêu thụ thuận tiện”, chị Mơ chia sẻ thêm.

{keywords}
Những chuyến xe đông lạnh lần lượt vào cảng để lấy cá.
{keywords}
Bốc hết hải sản, những ngư dân lại chuẩn bị cho hành trình mới, tiếp tục ra khơi.

Trao đổi với VietNamNet, ngư dân Nguyễn Văn Quyền (trú tổ dân phố An Hải, phường Thuận An) cho biết, gia đình anh trải qua nhiều đời làm nghề đánh bắt cá trên vùng biển Thuận An.

Theo anh Quyền, công việc, giờ giấc của những ngư dân như anh thay đổi linh động tùy vào từng mùa, nhưng khi xuất phát từ ngoài khơi vào bờ thì phải căn thời gian để tiêu thụ hải sản vào buổi sáng và cũng là lúc cảng cá đông người, nhộn nhịp.

“Mỗi chuyến ra khơi, chúng tôi thường mất 3-5 ngày để trở về bờ. Thời gian qua, nhờ thời tiết thuận lợi nên việc đánh bắt cũng mang lại hiệu quả cao”, anh Quyền cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Bình – Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế cho biết, hiện nay, diễn biến dịch bệnh tại địa phương đang được kiểm soát tốt, các ca bệnh chủ yếu được phát hiện sau khi cách ly tập trung.

“Quan điểm nhất quán của tỉnh là kiểm soát chặt chẽ từ vùng ngoài, rà soát kỹ vùng trong với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, ý thức trách nhiệm của người dân.
Đến thời điểm hiện tại, TT-Huế chưa có nhiều “vùng đỏ”. Nếu trường hợp phát hiện F0, lực lượng chức năng sẽ lập tức phong tỏa, giãn cách và truy vết ở mức thần tốc nhất.

Vấn đề lo ngại là các ca nhiễm trong khu cách ly và các ca nhiễm không rõ nguồn lây ngoài cộng đồng. Chủ trương của tỉnh là khi phát hiện ca nhiễm, sẽ thực hiện các biện pháp phong tỏa, giãn cách ở cấp độ cao nhất để đảm bảo hiệu quả công tác khoanh vùng, truy vết và khống chế dịch lây lan”, ông Bình cho biết.

Quang Thành – Bảo Lâm

Nhiều tỉnh miền Trung siết chặt chống dịch, có nơi không ra khỏi nhà sau 21h

Nhiều tỉnh miền Trung siết chặt chống dịch, có nơi không ra khỏi nhà sau 21h

Các tỉnh miền Trung tiếp tục siết chặt hàng quán, hạn chế tụ tập đông người, có tỉnh yêu cầu người dân không ra khỏi nhà sau 21h.