Anh Vũ Ngọc Tuấn, công nhân của một công ty sản xuất linh kiện điện thoại tại khu công nghiệp Bắc Ninh cho biết, sau thời gian cách ly 21 ngày tại nơi cư trú, khi trở lại làm việc anh và hàng trăm lao động được công ty thông báo sẽ được hỗ trợ bằng mức lương tối thiểu vùng.
 
Để được nhận hỗ trợ của công ty, anh Tuấn phải có giấy xác nhận của chính quyền tại nơi cư trú trong thời gian cách ly. Thế nhưng, khi anh ra phường Đại Phúc, TP.Bắc Ninh (nơi anh cách ly 21 ngày) xin giấy xác nhận thì cán bộ phường “lắc đầu” không cấp do anh Tuấn do không đăng ký tạm trú, tạm vắng tại phường.
 
Theo hướng dẫn của phường, anh Tuấn phải đến cơ quan công an đăng ký tạm trú. Sau khi công an xác nhận, cấp giấy tạm trú, UBND phường Đại Phúc mới cấp giấy chứng nhận cách ly cho anh Tuấn.

{keywords}
Để nhận được chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp người lao động phải làm khá nhiều thủ tục 

Chưa hết, khi anh Tuấn đến nộp giấy xác nhận cách ly cho công ty thì nhân viên phòng nhân sự tỏ ra lúng túng, tra hỏi đủ kiểu do phom giấy xác nhận của người lao động ở mỗi phường, xã lại khác nhau.
 
“Thực sự lúc khó khăn được công ty hỗ trợ là rất quý, nhưng việc phải xin đủ các loại giấy tờ, thủ tục để hưởng chế độ thật sự rất là mệt mỏi”, anh Tuấn chia sẻ.
 
Chị Hoàng Thị Hiền, làm việc cho công ty TNHH Vic tech của Hàn Quốc, chị thường trú tại thôn Giang Liễu, xã Phương Liễu, huyện Quế Võ (Bắc Ninh). Chị kể, sau thời gian cách ly để được hưởng hỗ trợ lương tối thiểu vùng, công ty yêu cầu chị phải có giấy xác nhận thời gian cách ly.
 
Chị Hiền may mắn được chủ nhà trọ chủ động lấy giấy xác nhận cho người thuê nhà nên không mất nhiều thời gian đến UBND xã xin xác nhận cách ly.
 
Thế nhưng, ngoài giấy xác nhận cách ly, chị Hiền vẫn phải ra xã Phương Liễu xin giấy xác nhận hoàn thành cách ly để nộp cho công ty.
 
Chị Hiền phân trần với công ty tại sao đã có giấy xác nhận cách ly rồi vẫn phải có giấy xác nhận hoàn thành cách ly thì được công ty giải thích, có nhiều người không trong vùng cách ly vẫn nghỉ việc. Vì vậy, để đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng người lao động phải có đầy đủ 2 loại giấy tờ trên.
 
“Việc bắt buộc phải có đủ 2 giấy để hưởng lương tối thiểu vùng thực sự là làm khó người lao động, nhưng vì đó là quy định bắt buộc của công ty thì chúng tôi vẫn phải làm”, chị Hiền nói.
 
Yêu cầu cần thiết để đảm bảo hỗ trợ đúng đối tượng
Bà Nguyễn Thị Vân Hà, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh cho rằng, việc một số doanh nghiệp yêu cầu người lao động phải có đầy đủ giấy xác nhận cách ly và giấy hoàn thành cách ly là nhằm đảm bảo hỗ trợ đúng người, đúng đối tượng.
 
Thực tế vẫn có số ít người lao động không thuộc đối tượng phải cách ly nhưng vẫn nghỉ việc trong thời gian giãn cách xã hội. Vì vậy, nếu không yêu cầu chặt chẽ thì doanh nghiệp sẽ phải chi trả cho cả những người không thuộc diện hỗ trợ.
 
Đại diện Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Ninh nói rõ, quan điểm của tỉnh là tạo mọi điều kiện thuận lợi để người lao động được hưởng chính sách hỗ trợ từ doanh nghiệp.
 
Sở Lao động tỉnh sẽ làm việc với chính quyền địa phương có lao động cư trú và doanh nghiệp trên địa bàn để việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhanh gọn, đúng đối tượng.
 
“Tuy nhiên, từ phía người lao động khi lưu trú tại địa bàn bắt buộc phải đăng ký tạm trú, tạm vắng để thuận tiện cho chính quyền quản lý cũng như bảo vệ quyền lợi của người lao động khi xác nhận hỗ trợ do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19”, đại diện Sở LĐ-TB&XH Bắc Ninh cho biết.

Chuyên gia lo lao động tự do khó tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ

Chuyên gia lo lao động tự do khó tiếp cận gói hỗ trợ 26.000 tỷ

Các chuyên gia lao động cho rằng, chính sách hỗ trợ 26.000 tỷ theo Nghị quyết 68 đối với lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 sẽ khó khăn trong việc xác định đúng người, đúng đối tượng.  

 Vũ Điệp