Tại hội nghị tổng kết năm 2019, triển khai kế hoạch 2020 của Bộ GTVT sáng nay, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, năm qua ngành GTVT đã tạo ra hạ tầng giao thông cho cả nước, tăng năng lực vận tải đóng góp vào phát triển sản xuất, đầu tư xây dựng, tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống nhu cầu đi lại người dân.

Tuy nhiên, ngành cũng gặp không ít khó khăn xuất phát từ cả nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đường sắt đô thị, trong đó sớm đưa đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông vào khai thác do người dân đang rất mong mỏi. 

{keywords}
Phó Thủ tướng yêu cầu sớm đưa đường sắt Cát Linh-Hà Đông vào khai thác


Theo Phó Thủ tướng, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông còn một số vướng mắc nhỏ mà việc xử lý thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT nên Bộ cần sớm giải quyết để đưa dự án vào khai thác thương mại.

Trước đó, hồi tháng 9/2019, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã thị sát, đi thử tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Lúc đó ông đã chất vấn tổng thầu Trung Quốc và yêu cầu Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể trong năm 2019 phải đưa vào khai thác. Tuy nhiên đến thời điểm này tổng thầu và Bộ GTVT đã không thực hiện được yêu cầu đề ra. Hiện tại còn một số khâu đánh giá an toàn vẫn chưa được hoàn tất.

Còn nhiều nút thắt

Cùng với tồn tại của các dự án đường sắt đô thị, Phó Thủ tướng cũng đánh giá, kết cấu hạ tầng giao thông nước ta nhìn chung còn thấp, kết nối thiếu đồng bộ, còn nhiều nút thắt cần giải quyết.

Cụ thể, đối với đường bộ, nước ta có 290.000km nhưng chỉ có 1.300km đường cao tốc, con số này còn thấp so với mục tiêu đề ra đến năm 2020 cả nước có 2.000km đường cao tốc.

"Không một quốc gia nào phát triển mà không có đường cao tốc, do đó, phải dồn lực vào làm để phát triển kinh tế", Phó Thủ tướng nói.

Cùng với đó là tình trạng quá tải tại sân bay chưa được khắc phục, đặc biệt là sân bay Tân Sơn Nhất. Giao thông đường thủy chưa được khai thác có hiệu quả làm tăng áp lực lên vận tải đường bộ. Việc kết nối các loại hình giao thông và giữa các khu kinh tế, cảng biển, khu đô thị còn hạn chế; đầu tư giao thông vùng núi phía Bắc còn chậm; chất lượng hạ tầng giao thông khu vực ĐBSCL không tương xứng với nhu cầu phát triển của khu vực.

Hạ tầng giao thông ở các đô thị lớn đầu tư chậm đặc biệt là đường sắt đô thị làm gia tăng ô nhiễm môi trường; cơ cấu các loại hình vận tải mất cân đối; lúng túng trong việc chọn nhà đầu tư dự án trọng điểm, lúng túng trong việc giao khu bay, DN có tiền nhưng vướng nên không thể triển khai.

Trong năm 2020, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ GTVT tập trung đầu tư xây dựng các dự án trọng điểm quốc gia đã có vốn hoặc huy động được vốn như: đẩy nhanh việc lựa chọn nhà đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam để sớm thi công; khẩn trương nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, xây dựng sân bay Long Thành…

{keywords}
Hàng loạt dự án đường sắt đô thị trên cả nước đội vốn, chậm tiến độ

Để thực hiện được nhiệm vụ đề ra, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT cần tập trung xây dựng chính sách, pháp luật, không để lúng túng trong việc chọn nhà đầu tư dự án trọng điểm, lúng túng trong việc giao quản lý khai thác đường băng, đường lăn (khu bay) dẫn đến tình trạng DN có tiền nhưng vướng luật nên không thể triển khai đầu tư nâng cấp đường băng Nội Bài, Tân Sơn Nhất trong khi ngân sách thiếu.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn thừa nhận năm 2019, công tác xây dựng chính sách pháp luật của Bộ gặp rất nhiều khó khăn, nhất là việc hoàn thiện dự thảo thay thế nghị định 86 về kinh doanh vận tải bằng ô tô.

Tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công không đạt kế hoạch đề ra, năm 2019 giải ngân ước đạt 26.700 tỉ đồng, tương đương 88,6% kế hoạch được giao năm 2019 (30.134 tỉ đồng). Năm nay, Bộ GTVT đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công dự kiến hơn 35.300 tỉ đồng.

Tiến độ thi công tại một số dự án còn chậm như các dự án đường sắt đô thị, các dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận, một số hạng mục đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; một số dự án còn để xảy ra các khiếm khuyết về chất lượng gây dư luận không tốt như đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, tuyến tránh Chư Sê của đường Hồ Chí Minh qua Gia Lai... 

13 đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông được cấp chứng nhận đăng kiểm tạm thời để chạy thử

13 đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông được cấp chứng nhận đăng kiểm tạm thời để chạy thử

Theo Cục Đăng kiểm VN, việc cấp chứng nhận tạm thời để phục vụ công tác vận hành thử hệ thống đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông.

Vũ Điệp