Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cuối tuần qua chủ trì buổi làm việc với các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị, đánh giá việc thực hiện thanh toán trực tuyến đối với nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, kê khai, nộp thuế, lệ phí trước bạ và cấp, đổi giấy phép lái xe trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Mới có 5 trường hợp nộp phạt trực tuyến

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết, đại dịch Covid-19 là thách thức lớn nhưng cũng là cơ hội cho việc thực hiện chuyển đổi số, thương mại điện tử.

Mặc dù đi vào vận hành chưa được 5 tháng nhưng tính đến 12h ngày 28/4, Cổng dịch vụ công quốc gia đã có 130.856 tài khoản đăng ký; hơn 32,8 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ.

Số hồ sơ đã đồng bộ trạng thái trên 5,6 triệu, hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng là 45.646.

{keywords}
Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Tỷ lệ thanh toán xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia rất thấp

Đặc biệt, trong hơn 1 tháng qua, số lượng hồ sơ trực tuyến được thực hiện trên Cổng tăng lên gần 32.000, gấp 3,3 lần số hồ sơ đã tiếp nhận so với 3 tháng trước đó (trung bình mỗi ngày tiếp nhận, xử lý khoảng 1.400 hồ sơ trực tuyến).

Tuy nhiên, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, tỷ lệ thanh toán xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, kê khai, nộp thuế, lệ phí trước bạ và cấp, đổi giấy phép lái xe rất thấp.

Báo cáo của Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (VPCP) cho biết, hơn 1 tháng Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng và Bình Thuận thí điểm thu tiền phạt vi phạm giao thông trực tuyến có 6.173 lượt truy cập Cổng để tìm kiếm thông tin quyết định xử phạt phục vụ thực hiện thanh toán trực tuyến.

Tuy nhiên, hơn 97,2% tìm kiếm không ra kết quả, chỉ có 2,8% tìm kiếm ra. Vì vậy, số lượng thực hiện thanh toán trực tuyến trên Cổng rất thấp, chỉ có 5 trường hợp.

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Ngô Hải Phan lý giải, do chỉ thực hiện đối với quyết định xử phạt từ cấp phòng trở lên, nhiều người không phân biệt được thẩm quyền xử phạt nên gặp khó khăn trong tra cứu, thực hiện...

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, việc nộp phạt trực tuyến phải triển khai trên toàn quốc trước 30/6, nhưng tiến độ thực hiện như hiện nay sẽ khó đảm bảo.

Vì vậy, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính đề nghị Bộ Công an triển khai thu tiền nộp phạt trực tuyến tại 5 địa phương thí điểm thuộc thẩm quyền xử phạt của tất cả các cấp trước ngày 15/5; tổ chức triển khai đối với địa phương còn lại trước ngày 30/6.

Xử phạt ở đây rồi lại đi 100km lấy chữ ký thì bao giờ mới được

Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Thanh tra giao thông đã ra quyết định xử phạt hơn 300 trường hợp nhưng người dân vẫn nộp tại Kho bạc. Vì vậy, quy định về cấp xử phạt phải thay đổi, cần phải gắn trách nhiệm của người xử phạt.

“Giờ xử phạt 20 triệu đồng phải Tổng cục trưởng ký quyết định mà chỉ cần vi phạm về hành lang an toàn giao thông là đã lên đến 20 - 30 triệu đồng nên rất bất tiện. Cần rà lại quy định này, nếu các chi cục, thanh tra được xử phạt sẽ khác nhưng lúc đó phải quy định rõ trách nhiệm của người xử phạt”, Thứ trưởng GTVT đề nghị.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, đội trưởng đội kiểm soát trên tuyến phải có quyền và trách nhiệm trong việc xử phạt chứ xử phạt ở đây rồi lại đi về 100 cây số lấy chữ ký của Trưởng phòng, mấy ngày mới ký một lần thì bao giờ mới được.

Theo Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Đỗ Thanh Bình, Cục đã đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia 1.903 quyết định xử phạt nhưng người dân sử dụng đóng tiền trực tiếp qua hệ thống điện tử chỉ 5 trường hợp, trực tiếp đến nộp là 441 trường hợp. Số còn lại chưa nộp phạt. 

{keywords}
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông

Ngay khi cảnh sát giao thông ra quyết định xử phạt, Cổng gửi tin nhắn thông báo vào số điện thoại của người vi phạm, hướng dẫn và đề nghị tra cứu trên Cổng. Tuy nhiên, vướng nhất hiện nay là do thể chế, liên quan đến luật Xử lý vi phạm hành chính và luật Giao thông đường bộ.

Theo quy định, 1 trường hợp lập biên bản yêu cầu phải có 5 ngày để người dân giải trình. Sau khi giải trình, không có ý kiến khác mới ra quyết định. Trong khi đó có tới hơn 600 hành vi tước giấy phép lái xe có thời hạn, vừa phạt tiền, vừa tước giấy phép lái xe, phải thu giấy phép lại, hết thời hạn mới trả.

Phó cục trưởng đề nghị cải cách quy trình xử lý vi phạm. Cảnh sát giao thông khi có biên bản hoặc phát hiện vi phạm đối với trường hợp chỉ phạt tiền, đã có đầy đủ chứng cứ điện tử, có thể xử phạt ngay thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia. Muốn thực hiện được điều này, phải sửa luật, giao quyền gắn với trách nhiệm.

Đại tá Bình cũng cho biết, thời gian qua, Cục đã thực hiện thủ tục đăng ký cho 40.000 phương tiện nhưng đăng ký sử dụng biên lai điện tử chỉ có 220 trường hợp. Lý do là việc nộp lệ phí trước bạ không thực hiện online, phải chờ một thời gian để ngân hàng, kho bạc chuyển dữ liệu sang Cảnh sát giao thông. Bên cạnh đó, chưa có bản khai điện tử dùng chung giữa cơ quan thuế, kho bạc, cảnh sát giao thông, hải quan...

Thu Hằng

Ngồi nhà nộp phạt vi phạm giao thông chỉ mất 3 phút

Ngồi nhà nộp phạt vi phạm giao thông chỉ mất 3 phút

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng sáng nay chủ trì họp với các bộ, ngành kiểm thử việc cung cấp một số dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.