Sáng nay, UBND TP Cần Thơ đã họp khẩn với Tổng cục Đường bộ, tỉnh An Giang và Đồng Tháp để bàn tìm giải pháp giải quyết vướng mắc, xem xét những kiến nghị liên quan tới trạm thu phí BOT T2 (QL 91, quận Thốt Nốt).

{keywords}
BOT T2 Cần Thơ bị tài xế phản ứng vì đặt sai vị trí 

Tại cuộc họp, đại diện các bên đã cung cấp thêm thông tin về dự án. Đặc biệt, các thành viên dự họp đã đưa ra một số đề xuất để giải quyết các vấn đề liên quan tới các kiến nghị của lái xe về trạm thu phí T2. 

Theo đó, một số phương án đã được ra bàn thảo như giảm phí, di dời trạm thu phí về vị trí khác, phát thẻ thu phí với mức phí riêng khoảng 2.000 đồng/lượt xe cho những xe chỉ đi 300m – 1km...

Dù vậy, chưa phương án nào được quyết định tại cuộc họp, dù tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam. Đại diện Tổng cục ghi nhận các ý kiến, tổng hợp để báo cáo lãnh đạo Bộ GTVT quyết định. 

Sau cuộc họp, GĐ Sở GTVT tỉnh An Giang Nguyễn Việt Trí cho báo chí biết, các đơn vị dự họp đã thống nhất không thông tin kết luận cuộc họp ra bên ngoài.

{keywords}
GĐ Sở GTVT tỉnh An Giang Nguyễn Việt Trí thông tin với báo chí sau cuộc họp

"Chúng tôi đề xuất những xe từ Kiên Giang hoặc từ Cầu Vàm Cống về An Giang thì được phát một thẻ tới trạm T2 sẽ trả thẻ đó và mua với vé 2.000 đồng để qua trạm tương đương 300m đường. Những xe từ An Giang đi về Kiên Giang hoặc qua Cầu Vàm Cống, phương án có thể là bán vé 2.000 đồng, còn đối với xe về Cần Thơ thì xuống tới trạm T1 mua tiếp vé 33.000 đồng là đủ 35.000 đồng.

Phương án 2, nếu nhà đầu tư sợ thất thu thì bán cho tài xế vé 35.000 đồng ở trạm T2 nhưng khi phương tiện vào QL80 về Kiên Giang hoặc về Vàm Cống thì phải trả lại 33.000 đồng”, ông Trí thông tin.

Ông Trí cũng cho biết, vấn đề thu phí ở trạm BOT T2 đã đặt ra từ lâu, cũng được xử lý bằng phương pháp miễn giảm nhưng chỉ phù hợp với tình hình trước còn nay thì không.

"Bởi gần đây cầu Vàm Cống thông xe thì tình hình trở nên khác hẳn. Trước đây, chỉ có xe An Giang và Kiên Giang qua trạm nhưng hiện tại xe tất cả các tỉnh thành đổ dồn về An Giang đều qua trạm này", ông Trí nói. 

Cũng theo lời ông Trí, tất cả các thành phần dự họp đều thấy việc dời trạm là không khả thi, tốn kém và không cần thiết. "Bởi vì chúng ta có quá nhiều phương án xử lý thì tội gì phải chọn dời trạm để tốn biết bao nhiêu tiền vào đó", ông Trí nói. 

{keywords}
Từ khi đưa vào sử dụng BOT T2 Cần Thơ bị tài xế phản ứng 

GĐ Sở GTVT tỉnh An Giang nói thêm, tại cuộc họp Tổng Cục đường bộ cũng có báo cáo, phương án tài chính của dự án rất mong manh, nếu có điều chỉnh phải tính lại phương án tài chính mới.

Ông Nguyễn Văn Khang, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ – An Giang cho biết, năm 2018, khi một số tài xế phản đối trạm thu phí, mức phí qua trạm đã được miễn, giảm cho xe người dân trong bán kính 8km quanh trạm thu phí; sau đó dự án hoạt động ổn định.

Tuy nhiên, từ ngày 19/5 vừa qua, khi thông xe cầu Vàm Cống, các lái xe lại phản đối.

Về đề xuất chỉ thu 2.000 đồng/lượt như kiến nghị của lãnh đạo An Giang, ông Khang cho rằng, mọi giải pháp phải theo quy định và được Bộ GTVT đồng ý, nhà đầu tư sẽ thực hiện nghiêm.

Cũng theo nhà đầu tư, từ khi cầu Vàm Cống đi vào hoạt động, lưu lượng phương tiện qua trạm có tăng, nhưng đơn vị chưa thống kê cụ thể. Về phương án tài chính, theo ông Khang, tổng vốn đầu tư dự án là 1.720 tỷ đồng, trong đó có 282 tỷ đồng vốn của liên doanh, còn lại và vốn vay ngân hàng.

Hiện bình quân mỗi tháng dự án thu được số tiền phí khoảng 10 tỷ đồng, tiền trả lãi ngân hàng khoảng 10,5 tỷ đồng. Do đó, nhà đầu tư đang lỗ trên 100 tỷ đồng, còn chưa có kinh phí trả tiền gốc vay và thu hồi lại số tiền nhà đầu tư đã rót vào dự án.

“Sau khi thực hiện giảm phí năm 2018, thời gian thu phí của dự án tăng từ 17 năm lên 34 năm, nên nhà đầu tư rất khó khăn”, ông Khang nói.

Để giải quyết, nhà đầu tư này đang kiến nghị địa phương, Bộ GTVT nghiên cứu hỗ trợ phần chi phí giải phóng mặt bằng dự án (trên 400 tỷ đồng), một phần vốn đầu tư, để phương án tài chính không bị phá vỡ.

Về đề xuất di dời, thậm chí xoá bỏ trạm thu phí T2, theo nhà đầu tư, dự án này do Chính phủ phê duyệt, Bộ GTVT ký hợp đồng BOT, nếu có thay đổi gì liên quan tới dự án đầu tư, phải cơ quan phê duyệt quyết định. 

VietNamNet đưa tin, hôm 21/5, nhiều tài xế phản ứng, cho rằng họ chỉ lưu thông chưa đến 300m trên QL 91 từ An Giang đến ngã ba Lộ Tẻ rồi vòng lên cầu Vàm Cống nhưng phải trả phí cho toàn tuyến. Nhiều người không đồng ý mua vé và đậu phương tiện "khoá" các làn thu phí, dẫn đến ùn ứ giao thông trên QL 91. 

Dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL 91 theo hình thức BOT, có hai trạm thu phí là Trạm T1 đặt ở quận Ô Môn và Trạm T2 qua quận Thốt Nốt. Năm 2016, hai trạm thu phí này đi vào hoạt động.

Trạm T2, liên tục bị tài xế phản ứng và không đồng ý mua vé, với lý do họ chỉ sử dụng đoạn đường rất ngắn trên QL 91 từ hướng Long Xuyên ra quốc lộ 80 đi Kiên Giang hoặc ngược lại nhưng phải mua vé cho toàn tuyến. 

 

Lái xe chặn trạm thu phí BOT ở Cần Thơ

Lái xe chặn trạm thu phí BOT ở Cần Thơ

4 ô tô dừng đỗ tại 3 làn thu phí T2 dự án BOT QL91 để phản đối trạm thu phí khiến QL91 An Giang - Cần Thơ bị ùn tắc.

Vũ Điệp - T.Chí