Đại diện Metro Hà Nội cho biết, trong ngày thứ 2 lượng khách đi tàu Cát  Linh – Hà Đông lên tới 54.121 người, tăng cao so với ngày đầu tàu đưa vào khai thác thương mại (25.680 người). 

Về tình trạng hành khách đi tàu quá đông, gây lo ngại lây nhiễm dịch bệnh Covid-19, đại diện Metro Hà Nội cho biết, tình trạng  này xảy ra ở ga Cát Linh vào trưa và chiều qua. Metro Hà Nội đã chăng dây để khách đi tàu đứng giữ khoảng cách, đồng thời cũng phát đi khuyến cáo người dân đi trải nghiệm không nên tập trung vào giờ cao điểm để tránh tập trung đông người.

{keywords}
Dòng người chen chúc trên tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Sau 2 ngày chính thức đưa vào vận hành khai thác, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông ghi nhận lượng hành khách đi trải nghiệm khá đông. Nhiều người dân sống dọc tuyến cho biết sẽ chọn tàu điện làm phương tiện di chuyển, thay vì sử dụng xe cá nhân như trước. Với giá vé hợp lý, di chuyển nhanh, an toàn, hành khách không sợ bị ùn tắc vào giờ cao điểm.

Ông Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức đánh giá, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đưa vào vận hành đã mở ra một trang mới cho giao thông đô thị Hà Nội, tạo cơ hội cho cơ quan quản lý Nhà nước vừa làm, vừa rút kinh nghiệm trong quản lý vận hành khai thác các tuyến đường sắt đô thị sau này. Tuyến đường sắt Cát linh – Hà Đông là tuyến đường sắt đô thị đầu tiên đưa vào vận hành khai thác, cũng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng về thay đổi phương thức đi lại tại Hà Nội. 

“Đây mới chỉ là một tuyến đơn độc nên chưa hình thành mạng lưới xương sống đường sắt đô thị. Khi nào Hà nội hình thành được mạng lưới phương tiện công cộng nhanh, sức chở lớn cơ bản với 5 - 6 tuyến đường sắt đô thị, khi đó lượng khách đi trên mỗi tuyến sẽ tự tăng nhanh chóng”, ông Tuấn nói.

Chen chân trên tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Chen chân trên tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông

Suốt cả ngày 7/11, hàng nghìn người dân đã đổ về các nhà ga của tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông để trải nghiệm.

Vũ Điệp