- Muốn leo được lên xe buýt người dân ở Hà Nội  phải đi bộ từ 1-3km mới có điểm dừng đón, trả khách – Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến cho người dân không mặn mà với xe buýt.

{keywords}

Muốn đi xe buýt người dân Hà Nội phải đi từ 1-3km mới lên được xe

Tại hội thảo Nâng cao chất lượng và phát triển vận tải khách công cộng bằng xe buýt thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016-2020, đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, trong 2 năm trở lại đây, lượng hành khách đi xe buýt đang có xu hướng sụt giảm.

Nguyên nhân làm sức hấp dẫn xe buýt giảm, hạ tầng vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đang bị thu hẹp do ảnh hưởng của các công trình đang thi công dẫn đến luồng tuyến, lộ trình bị thay đổi, việc này đồng nghĩa với việc tăng thời gian chuyến đi.

Bên cạnh đó, phương tiện cá nhân tăng nhanh trong khi chất lượng phương tiện và thái độ phục vụ cũng như giá vé xe buýt lại chưa hấp dẫn nên chưa thu hút được người dân bỏ phương tiện cá nhân đi xe buýt.

Ông Michimasa Takagi, Chuyên gia tư vấn cao cấp của Công ty Almec (Nhật Bản) nêu lên thực tế hiện nay tại các khu vực đô thị mới, các khu chung cư, người dân tiếp cận xe buýt phải di chuyển với quãng đường đi bộ xa từ 1-3km. Trong khi đó, khoảng cách đi bộ lý tưởng cho các vùng xung quanh điểm dừng đỗ chỉ là 500m.

Điển hình như với khu công nghệ cao Hòa Lạc rộng mênh mông cũng chi có 2 điểm dừng đón của tuyến buýt số 71 và 74 ở bên rìa. Hiện không có điều kiện tiếp cận bằng xe buýt tới các tòa nhà nằm bên trong và cũng không có xe gom, dịch vụ trung chuyển trong khi khoảng cách trong khu lại quá xa đối với người đi bộ.

PGS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên bộ môn Vận tải đường bộ và thành phố (Đại học GTVT), cho biết, đến năm 2020 nhiều khả năng Hà Nội chỉ có 1 tuyến buýt BRT (Yên Nghĩa - Kim Mã), 2 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - Ga Hà Nội vào hoạt động và công suất vận chuyển khai thác cực đại chỉ ở mức 4-5%. Như vậy, khối lượng vận chuyển bằng xe buýt vẫn phải đảm nhận ở mức 15-20%.

Thế nhưng, với hạ tầng như hiện nay, việc đưa thêm số lượng phương tiện trên vào hoạt động là hết sức khó khăn.

Trước thực tế này, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho rằng, về lâu dài cơ quan quản lý Nhà nước phải thay đổi tư duy quy hoạch nhưng trong ngắn hạn trước tiên cần thể hiện rõ nhất quyết tâm của chính quyền thành phố đó là ưu tiên kết cấu hạ tầng làm bằng được vỉa hè cho người đi bộ để tiếp cận xe buýt, tổ chức một số đoạn tuyến dành riêng cho xe buýt, mạnh dạn triển khai BRT vào hoạt động khó khăn và thuận lợi để đó là bài học kinh nghiệm để thực hiện trên các trục đường khác.

Vũ Điệp