- GS Trần Đông A nhấn mạnh: “Chúng tôi cung cấp về nhân lực, bác sĩ, kỹ thuật đầy đủ, chỉ thiếu mỗi nguồn tạng thôi. Cứu một mạng người hơn xây 7 tháp phù đồ. Nay một người chẳng may qua đời, dùng được hết phủ tạng của họ thì cứu được tới 8 mạng người. Thế có ý nghĩa hơn là chết xong đem thiêu, đem chôn vùi dưới đất hay không?”

Bất cập từ luật tới nhận thức

Ngày 29/5, trong Hội nghị bàn về những khó khăn do khan hiếm nguồn tạng ghép cho bệnh nhân, GS Trần Đông A, chính khách, một bậc thầy tiên phong của kỹ thuật ghép tạng tại Việt Nam, nổi danh với ca mổ cặp song sinh Việt – Đức đã chia sẻ những tâm huyết của mình.

GS Đông A nói: “Chúng ta có 90 triệu dân, bệnh nhân có nhu cầu ghép tạng nhiều lắm. Năm 2007, nước ta chính thức có hành lang pháp lý về ghép tạng nhưng vẫn không tránh khỏi những điều chưa hợp lý. Tôi đã từng kiến nghị chỉnh sửa quy định không cho phép người cho tạng dưới 18 tuổi. Điều này hợp lý với người cho sống thôi, vì chưa đủ 18 tuổi cơ thể còn chưa lớn đủ, nếu thiếu đi một bộ phận sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển. Thế nhưng với người cho chết não thì dưới 18 tuổi vẫn được.”

{keywords}

GS Trần Đông A chia sẻ khó khăn trong ghép tạng. Ảnh: Thanh Huyền.

Thậm chí GS A còn giải thích rất kỹ về tầm quan trọng của nguồn tạng trẻ em: “Ta không thể lấy quả thận của một bà mẹ nặng 50 kg ghép vào cho đứa con nặng có 10 kg được. Nếu cứ cố ghép bệnh nhân sẽ bị phù phổi cấp, vỡ thận mà chết.”

Tại buổi hội nghị, TS – BS Trương Quang Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM cũng bày tỏ những khó khăn mà ngành ghép tạng đang gặp phải.

Chẳng hạn, chi phí một ca ghép gan tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 tốn khoảng 200 triệu đồng. Trong đó, chi phí ghép cho bệnh nhi là 150 triệu đồng, chi phí y tế cho người cho tạng là 50 triệu đồng. Phần của bệnh nhi đã được bảo hiểm y tế chi trả tới 130 triệu. Có tốn và chưa hợp lý là chi phí đối với người cho tạng. Vì người cho tạng là người lớn không được bảo hiểm y tế chi trả khi ca mổ diễn ra tại bệnh viện nhi.

Đăng ký cho tạng sau khi chết

Trong buổi hội nghị có sự tham gia của nghệ sĩ Minh Vương và nghệ sĩ Quyền Linh. Cách đây 3 năm nghệ sĩ Minh Vương sau thời gian dài chạy thận nhân tạo may mắn được ghép thận. Sức khỏe của ông đã hồi phục, có thể quay trở lại sân khấu.

Nhưng nghệ sĩ Minh Vương rất xót xa khi biết mình là ca cuối cùng được ghép thận ở Bệnh viện Chợ Rẫy từ đó đến nay, bởi chẳng ai chịu cho tạng dù danh sách đợi thận ghép đang ngày một dài thêm.

Thường xuyên đồng hành với các chương trình từ thiện, nghệ sĩ Quyền Linh đã tự mình đăng ký cho tạng sau khi không còn trên cuộc đời. Ngoài ra anh còn ra sức vận động tuyên truyền để mọi người cũng đăng ký như mình.

{keywords}

Nghệ sĩ Quyền Linh đang góp sức vận động mọi người đăng ký hiến tạng dù biết rất khó khăn. Ảnh: Thanh Huyền.

Nghệ sĩ Quyền Linh kể về thất bại lúc thử tiếp cận gia đình bệnh nhân tai nạn giao thông: “Trong chuyến công tác ở Bệnh viện Cần Thơ, tôi chứng kiến ca tai nạn giao thông trầm trọng. Bệnh nhân rất trẻ tuổi, bác sĩ dự đoán không qua khỏi. Tôi tiến đến vận động ông bố đồng ý hiến tạng sau khi cậu bé qua đời. Ông này tỏ ra rất giận giữ và bỏ đi. Cuộc vận động thất bại, đêm đó về tôi trăn trở lắm. Một người sau khi chết, phủ tạng của họ có thể cứu được tới 8 người. Ý nghĩa đó thật lớn lao nhưng không phải ai cũng hiểu.”

GS - TS Trần Ngọc Sinh - Trưởng bộ môn tiết niệu Trường ĐH Y dược TP.HCM chia sẻ: “Chúng ta cùng góp sức vận động để người dân hiểu ý nghĩa của việc hiến tạng trên người cho chết não. Tôi biết thay đổi một nhận thức không phải chuyện đơn giản. Bây giờ có lẽ ta chưa đạt được như mong đợi nhưng 20 – 30 năm nữa người được thừa hưởng là thế hệ mai sau.”

Hiện nay, Việt Nam đang có hơn 16 ngàn bệnh nhân chờ ghép tạng. Trong đó, hơn 8 ngàn bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, 6 ngàn bệnh nhân hỏng giác mạc, 1.500 bệnh nhân suy gan nặng, hàng trăm trường hợp có nhu cầu ghép tim, phổi, tụy…

Thanh Huyền