Ngày 08/6/2020, tại TP.HCM, Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL, mã chứng khoán: OIL) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2020.

Báo cáo trước cổ đông, Hội đồng quản trị PVOIL cho biết, 2019 là một năm đầy biến động và khó khăn đối với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Trong bối cảnh đó, PVOIL đã nỗ lực vượt bật để hoàn thành phần lớn các chỉ tiêu được giao trong năm.

Năm 2019 PVOIL đã xuất bán an toàn và hiệu quả toàn bộ lượng dầu thô Việt Nam; cung cấp đầy đủ, kịp thời dầu thô cho vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; đảm bảo nguồn cung E5 RON92 đáp ứng nhu cầu thị trường với chất lượng ổn định.

Đặc biệt, kênh kinh doanh phân phối xăng dầu của PVOIL trong năm qua đã có những bước tiến quan trọng: Giữ ổn định hệ thống phân phối kinh doanh xăng dầu, đẩy mạnh phát triển kênh bán lẻ với việc đẩy mạnh phát triển và chỉnh trang cửa hàng xăng dầu, nâng cao chất lượng phục vụ tại CHXD; tìm kiếm thêm khách hàng công nghiệp để gia tăng sản lượng.

{keywords}
 

Trong năm 2019, PVOIL đã tiếp tục hoàn thiện và mở rộng chương trình PVOIL Easy. Bên cạnh đó, PVOIL tích hợp nhiều hình thức thanh toán điện tử để hướng tới đối tượng khách hàng cá nhân như: GotIt, ViettelPay, MoMo, VCBPay, VCB Mobile Banking và 15 ngân hàng liên kết với Vietcombank. Sản lượng bán hàng qua PVOIL Easy thực hiện năm 2019 gấp hơn 4 lần so với năm 2018, trung bình hơn 4.000 m3/tháng, tương đương sản lượng bán bình quân của 35 CHXD trực thuộc PVOIL.

Năm 2020, dự báo giá dầu thô và xăng dầu tiếp tục diễn biến khó lường, phụ thuộc vào các yếu tố địa chính trị trên thế giới, thị trường trong nước ngày càng cạnh tranh khốc liệt.

Kế hoạch năm 2020 được xây dựng trên cơ sở giá dầu thô trung bình ở mức 60 USD/thùng và chưa tính đến yếu tố ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và sự sụt giảm giá dầu. Theo đó, PVOIL xây dựng kế hoạch SXKD với doanh thu 52.220 tỷ đồng, bằng 65% so với thực hiện năm 2019; lợi nhuận sau thuế 376 tỷ đồng, bằng 108% so với thực hiện năm 2019.

{keywords}
 

Những tháng đầu năm 2020, đại dịch Covid-19 hoành hành, gây ra tác động nặng nề đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội trên toàn cầu. Trong đó, PVOIL đã chịu tác động “kép” từ đại dịch khi giá dầu thô, giá các sản phẩm xăng dầu lao dốc, cùng với sản lượng kinh doanh giảm do nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm mạnh. Trong điều kiện kinh doanh nhiều bất lợi, PVOIL đã kịp thời áp dụng mọi giải pháp điều hành hợp lý nhất để hạn chế tối đa thiệt hại. PVOIL nhanh chóng xây dựng các kịch bản sản xuất kinh doanh trong những tháng tiếp theo cho phù hợp với tình hình thực tế trong nước và thế giới.

Hội đồng quản trị PVOIL đã giải đáp nhiều thắc mắc của cổ đông tại Đại hội. Trong đó, các vấn đề được cổ đông quan tâm như việc thoái vốn Nhà nước tại PVOIL; thoái vốn PVOIL tại PETEC; tái cấu trúc hệ thống các đơn vị thành viên PVOIL; PVOIL trình xin sửa đổi Điều lệ Công ty bổ sung ngành nghề kinh doanh nhiên liệu bay Jet A1.

{keywords}
 

Đại diện cho cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), ông Lê Xuân Huyên - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn thống nhất các nội dung, báo cáo do Hội đồng quản trị PVOIL trình tại Đại hội; biểu dương thành quả của tập thể Ban Lãnh đạo và người lao động PVOIL trong năm 2019.

ĐHĐCĐ đã thông qua các nội dung được trình tại Đại hội, bao gồm: Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh năm 2019 và kế hoạch năm 2020; Báo cáo hoạt động của Hội đồng quản trị năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020; Báo cáo hoạt động của Ban Kiểm soát năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020; Báo cáo quyết toán quỹ tiền lương, thù lao năm 2019 và phương án quỹ tiền lương, thù lao năm 2020 của HĐQT, Ban Kiểm soát; Tờ trình thông qua Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2019; Tờ trình về phương án phân phối lợi nhuận năm 2019; Tờ trình lựa chọn đơn vị kiểm toán BCTC năm 2020; Tờ trình sửa đổi, bổ sung Điều lệ tổ chức hoạt động của Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP.

(Nguồn: PVOIL)