Nghiên cứu về “Mục tiêu cân bằng giới tính: Góc nhìn từ ngành CNTT” được thực hiện tại 7 quốc gia nhằm thu thập ý kiến của hơn 2.000 phụ nữ trên toàn thế giới về mất cân bằng giới tính trong ngành công nghệ thông tin đã được công bố ngày 1/5/2019.

Báo cáo cũng cho biết, 90% người Việt Nam được hỏi tin rằng cần thu hút thêm nhiều phụ nữ gia nhập ngành CNTT, nhằm tạo ra sự đa dạng về giới, tính cách, cách tiếp cận và giải quyết vấn đề. 80% cho rằng phụ nữ giúp gia tăng các sáng kiến cho công việc. Theo Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng ngành CNTT đáng kinh ngạc (30% hàng năm). Vì vậy, có thể nói rằng nếu muốn gia tăng tốc độ phát triển của ngành IT thì việc giải quyết bài toán về cân bằng giới tính trở nên quan trọng hơn bất kì lúc nào.

{keywords}
 

Mặc dù chiếm đến 50% dân số trong độ tuổi lao động nhưng phụ nữ chỉ tạo ra 37% tổng GDP toàn cầu, theo báo cáo công bố năm 2017 của McKinsey. Nếu chỉ tính riêng châu Á (không gồm Ấn Độ), con số này chỉ chiếm 24%. Tại Việt Nam, đặc biệt trong ngành CNTT, sự mất cân bằng giới tính được thể hiện từ các chế độ đãi ngộ, lương thưởng cho đến toàn bộ các vấn đề khác có sự hiện diện của phụ nữ trong ngành.

{keywords}
 

Theo kết quả công bố từ Sách trắng, việc thiếu các hình mẫu phụ nữ thành công trong ngành IT được coi là một trong những nguyên nhân chính của sự mất cân bằng giới tính tại nơi làm việc. Hơn 61% người được khảo sát cho biết đây là lý do tại sao có ít phụ nữ xin việc hơn nam giới. Hơn 75% số người tham gia khảo sát cho rằng cần thiết phải có các hình mẫu nhà lãnh đạo nữ trong tổ chức, trong khi 58% cảm thấy vấn đề đa dạng giới trong ngành CNTT phải được xem là vấn đề đáng lưu tâm của cấp điều hành hoặc quản lý.

{keywords}
 

Đồng thời, nghiên cứu cũng chỉ ra tầm quan trọng của lãnh đạo nữ trong các doanh nghiệp: họ có thể trở thành hình mẫu cho các học sinh nữ, giúp các nhân viên nữ và các ứng viên cảm nhận được sự coi trọng phụ nữ từ phía nhà tuyển dụng. Ngoài ra, các nữ lãnh đạo cũng có thể giúp đưa ra lời khuyên, tư vấn và hỗ trợ cho những phụ nữ đang mong muốn theo đuổi công việc, sự nghiệp trong ngành CNTT.

Mặt khác, nghiên cứu này cũng cho thấy, hầu hết những người được hỏi tin rằng giáo dục cũng giúp cải thiện việc cân bằng giới tính trong ngành. Bà Phạm Diệu Hồng, cố vấn dự án GoEatt Gmbh chia sẻ: “Thời điểm thu hút sự quan tâm của các học sinh nữ vào ngành CNTT cần phải được bắt đầu sớm hơn hiện tại”. Do đó, nhà trường cần khuyến khích và hỗ trợ các học sinh nữ theo đuổi các môn học STEM sớm hơn. Hầu hết những người phỏng vấn (88%) cảm thấy nhà trường chưa thực sự khuyến khích học sinh nữ theo học các môn học liên quan đến CNTT. Doanh nghiệp và ngành giáo dục cần phối hợp hơn nữa để thu hút nhiều hơn nữa các nữ sinh tham gia thể hiện năng lực của mình và đạt thành công. Cuối cùng, Chính phủ cần đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút và hỗ trợ nữ giới lựa chọn nghề nghiệp trong ngành CNTT.

{keywords}
 

Chia sẻ quan điểm về việc mất cân bằng giới tính trong ngành, ông Nguyễn Mạnh Tường, Chủ tịch Tek Experts Vietnam cho biết, ngành IT cần mang tính bình đẳng về giới, mang tới những cơ hội bình đẳng cho mọi người. Là một công ty hàng đầu về dịch vụ hỗ trợ công nghệ, Tek Experts đặt ra tiêu chí hàng đầu khi tuyển dụng đó là dựa vào năng lực từng ứng viên, chứ không là giới tính của họ. “Chúng tôi hiểu rằng bình đẳng giới không chỉ là một vấn đề về đạo đức mà còn góp phần to lớn đối với sự thành công và phát triển bền vững của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Ngành CNTT đã đạt được những thành tựu đáng kể trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết nếu chúng ta muốn thúc đẩy bình đẳng giới. Có rất nhiều yếu tố: đó có thể là giáo dục, tuyển dụng, các biện pháp của chính phủ hay của ngành, cũng như cần sự thấu hiểu của hàng ngàn phụ nữ khi quá trình thay đổi này xảy ra”.

{keywords}
 

Tạo ra sự thay đổi trên toàn ngành không hề đơn giản. Tuy nhiên, các kết luận của nghiên cứu đã chỉ ra rằng, để tạo sự thay đổi trên phạm vi rộng, chúng ta cần tập trung vào không chỉ một yếu tố. Ở mỗi mức độ khác nhau, từ giáo dục đúng cho đến cơ hội lãnh đạo, chúng ta cần phối hợp nhịp nhàng và linh hoạt các biện pháp để có thể mang lại bình đẳng giới thực sự.

Sách trắng được thực hiện bởi Tek Experts năm 2018. Kết quả được tổng hợp và thống kê từ các cuộc nghiên cứu, thảo luận bàn tròn với 2.000 phụ nữ từ 25 đến 55 tuổi làm việc trong ngành CNTT tại Bulgaria, Costa Rica, Nigeria, Hoa Kỳ và Việt Nam.

Tek Experts là công ty hàng đầu thế giới cung cấp các gói dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và IT, đồng thời cũng là một nhà phát triển các công nghệ hỗ trợ khách hàng đội ngũ nhân viên làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả. Theo tôn chỉ lấy khách hàng làm trung tâm, công ty còn cung cấp hỗ trợ phần mềm nhằm đáp ứng mọi nhu cầu, mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng, phát triển công nghệ để duy trì và nâng cao doanh thu bán hàng hay tổ chức đào tạo và phát triển con người. Xem thêm link bản đầy đủ của Sách Trắng tại đây https://www.questioningdiversity.com/vi-vn

Thúy Ngà