Hiểm họa phụ tùng xe máy, dầu nhớt giả

Việc sản xuất, lưu thông, sử dụng sản phẩm, phụ tùng  xe máy, dầu nhớt  giả, nhái nhãn hiệu, nhập lậu tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, thậm chí đe dọa sức khỏe, tính mạng người dùng và ảnh hưởng tới nền kinh tế cũng như sự minh bạch của thị trường.

Theo số liệu của Tổng Cục Quản lý thị trường, trong năm 2018, có 91,867 vụ vi phạm hàng giả, hàng nhái và hàng vi phạm sở hữu trí tuệ (SHTT), nộp phạt khoảng 480 tỷ đồng cho Ngân sách nhà nước. Trong đó, mặt hàng phụ tùng xe máy giả vi phạm chiếm khoảng 235,984 món. Các loại phụ tùng không chính hãng này thường có chất lượng không kiểm soát được dẫn đến đe dọa đến chất lượng chung của phương tiện và sự an toàn của người điều khiển phương tiện. Các bộ phận đảm bảo sự an toàn cơ bản cho người sử dụng phương tiện như hệ thống phanh, má phanh, khung xe, lốp, hệ thống truyền động, bộ lọc dầu, pit tông...thường lại là đối tượng bị làm giả nhiều nhất gây mất an toàn cho người dùng cũng như tổn thất cho xã hội.

{keywords}
 

Nhận thức được vấn đề nghiêm trọng của vấn nạn này, Hiệp hội các nhà sản xuất xe máy Việt Nam (VAMM) luôn có những hoạt động tích cực nhằm nâng cao nhận thức người tiêu dùng để tránh bị các đối tượng buôn bán hàng giả trục lợi cũng như mất an toàn do hàng giả gây ra và tiến hành những biện pháp pháp lý cần thiết nhằm ngăn chặn việc sản xuất buôn bán tràn lan phụ tùng xe máy và dầu nhớt giả.

Gần đây nhất, Hiệp hội đã tích cực tham gia vào Ngày hội SHTT (“ID DAY”) do Cục SHTT tổ chức nhằm hưởng ứng ngày Quốc tế về SHTT do WIPO tổ chức. Thông qua việc đồng hành cùng Cục SHTT trong ngày hội IP Day, Hiệp hội mong muốn góp phần kêu gọi người tiêu dùng, vì sự an toàn của chính mình “Nói không với phụ tùng giả và hàng vi phạm quyền SHTT”; cũng như kêu gọi các tổ chức sản xuất trong nước hãy “Sáng tạo” để tạo ra hàng hóa có giá trị cho xã hội chứ đừng sao chép, bắt chước hàng hóa đã có sẵn trên thị trường nhằm mục đích lợi dụng sự nổi tiếng của các hàng hóa sẵn có để bán hàng “sao chép” của mình một cách không minh bạch, cạnh tranh không lành mạnh.

Mọi cách ngăn chặn xe máy, xe điện sao chép

Bên cạnh các vụ vi phạm phụ tùng giả mạo, trong những năm qua, lực lượng chức năng đã xử lý nhiều vụ việc vi phạm SHTT về kiểu dáng công nghiệp trong ngành xe máy. Gần đây các kiểu dáng xe của nhiều hãng lớn bị sao chép, làm nhái rất nhiều bởi các công ty sản xuất, lắp ráp (nhập khẩu phụ tùng, phụ kiện từ Trung Quốc) xe máy, xe điện tại Việt Nam hay nhập nguyên chiếc từ Trung Quốc.

Các công ty sản xuất xe máy có kiểu dáng bị sao chép, như Công ty TNHH Piaggio Việt Nam, đã áp dụng nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn tình trạng này như khiếu nại xử lý hành chính hay thậm chí khởi kiện một số Công ty lắp ráp xe máy vi phạm kiểu dáng công nghiệp này ra tòa và đã được một số thành công nhất định. Tuy nhiên, các công ty sản xuất xe máy hay lắp ráp xe điện giả ngày càng khôn ngoan hơn.Trong nhiều trường hợp, họ không sao chép hoàn toàn kiểu dáng đã được đăng ký mà thay đổi một số yếu tố phụ trên sản phẩm.

{keywords}
Xe điện sao chép kiểu dáng xe Vespa của Piaggio

Theo ông Gianluca Fiume, Tổng Giám đốc công ty TNHH Piaggio Việt nam, với cơ chế hiện tại ở Việt Nam khi chỉ có một trung tâm giám định duy nhất có chức năng giám định và đưa ra kết luận một sản phẩm sao chép nào đó có khác biệt đáng kể so với sản phẩm gốc hay không, việc sao chép nói trên đã tạo ra khó khăn không nhỏ cho các chủ sở hữu kiểu dáng bị sao chép. Bởi vì kết quả đánh giá của cơ quan giám định là rất quan trọng để chủ thể quyền có thể dựa vào đó khởi kiện hành vi vi phạm quyền SHTT của mình. Khi cơ quan thẩm định có kết quả đánh giá, theo chủ thể quyền, là không chính xác và hợp lý, với cơ chế hiện tại, chủ thể quyền cũng chưa có cách nào để khiếu nại hay phản đối lại quyết định bất hợp lý này. Từ đó, chủ thể quyền cũng không thể khởi kiện đòi thực thi, bảo vệ quyền SHTT của mình hay không thể làm gì khác để bảo vệ quyền SHTT của mình dẫn đến việc đăng ký bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam trở nên vô nghĩa.

Nói không với hàng giả, hàng vi phạm SHTT

Do vậy, trong khi chờ đợi một cơ chế thực thi quyền SHTT hiệu quả hơn, các chủ thể quyền cần có nhiều biện pháp tích cực hơn nhằm bảo vệ quyền SHTT của mình, cơ quan nhà nước cũng cần hợp tác hỗ trợ các nhà sản xuất chân chính trong việc thực thi và bảo vệ quyền SHTT của mình, người tiêu dùng cần đồng hành tích cực hơn, kiên quyết hơn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao hơn để góp phần hiệu quả bài trừ vấn nạn này trong thời gian tới.

Nói không hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ. Bởi, người làm hàng giả vẫn sống khỏe vì có một bộ phận người tiêu dùng vẫn có tâm lý thích xài hàng giả, hàng vi phạm SHTT vì giá rẻ do chủ sản xuất các loại hàng này không phải đầu tư chi phí cho việc thiết kế, phát triển sản phẩm hay hàng giả luôn đi đôi với chất lượng thấp.Tiêu dùng hàng giả, hàng vi phạm SHTT là tiếp tay cho vi phạm. Cách đơn giản nhất để mua hàng chính hãng là đến các đại lý, cửa hàng bán xe và trung tâm dịch vụ do chính hãng ủy quyền.                      

Thúy Ngà