Bộ Y tế Hà Lan ngày 28/11 thông báo đã phát hiện 13 hành khách trên hai chuyến bay từ Nam Phi tới Amsterdam 2 ngày trước đó nhiễm biến thể Omicron. Nhà chức trách đã xét nghiệm cho hơn 600 hành khách trên các chuyến bay này và phát hiện 61 ca dương tính với Covid-19.

{keywords}
Các hành khách đeo khẩu trang đang di chuyển tại sân bay Schiphol, Hà Lan. Ảnh: Reuters

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Rotterdam, Bộ trưởng Y tế Hugo de Jonge thừa nhận: "Có thể còn nhiều ca mắc (Omicron) sẽ xuất hiện ở Hà Lan. Đây có khả năng chỉ là phần nổi của tảng băng". Ông Jonge yêu cầu khẩn cấp những người trở về từ miền nam châu Phi phải xét nghiệm càng sớm càng tốt.

Cùng ngày, giới chức y tế Australia cho biết, 2 bệnh nhân tại New South Wales, bang đông dân nhất nước, đã được xác nhận mắc Omicron. Đây là những trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể mới được ghi nhận tại xứ sở chuột túi.

Theo giới chức địa phương, 2 trường hợp nói trên từ khu vực miền nam châu Phi nhập cảnh vào Sydney tối 27/11. Dù có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng cả hai hiện đều không bộc lộ triệu chứng bệnh. Họ đã tiêm phòng đầy đủ và đang trong thời gian cách ly 14 ngày tại khách sạn.

Reuters đưa tin, Đan Mạch hôm 28/11 cũng ghi nhận 2 ca mắc biến thể mới là các du khách đến từ Nam Phi. Trong khi, Áo phát hiện trường hợp đầu tiên nghi nhiễm Omicron tại thành phố Tirol. Theo nhà chức trách, người này từ Nam Phi trở về cách đây 3 ngày, chủ yếu ở trong nhà và không triệu chứng rõ ràng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 26/11 phân loại Omicron là "biến thể gây quan ngại". Ngoài 4 nước kể trên, cho đến nay, các ca mắc Omicron đã xuất hiện ở Nam Phi, Botswana, Hong Kong (Trung Quốc), Anh, Đức, Italia, Bỉ và Israel.

Giới khoa học hiện chưa xác định được mức độ nguy hiểm của biến thể, nhưng các chính phủ trên khắp thế giới đã kích hoạt báo động và nhanh chóng áp đặt hạn chế chuyến bay và nhập cảnh từ Nam Phi và một số nước châu Phi láng giềng.

WHO muốn Đông Nam Á nâng cao cảnh giác

Đài CNA trích dẫn lời tiến sĩ Poonam Khetrapal Singh, Giám đốc WHO tại Đông Nam Á cảnh báo, dù khu vực chưa ghi nhận ca mắc Omicron nào nhưng các nước không nên lơ là cảnh giác. Bà Singh đề nghị các nước Đông Nam Á nên khẩn trương tiến hành đánh giá nguy cơ xâm nhập của biến thể mới qua du khách quốc tế để có các biện pháp ứng phó kịp thời.

Theo quan chức WHO, nhà chức trách trong khu vực cần phải tăng cường giám sát, giải trình tự gien và tiếp tục các biện pháp phòng chống đại dịch toàn diện, phù hợp để ngăn ngừa biến thể xâm nhập và lây lan.

Mỹ đối mặt làn sóng lây nhiễm mới

Tiến sĩ Anthony Fauci, Trưởng cố vấn y tế Nhà Trắng cho biết, Mỹ có khả năng phải trải qua làn sóng lây nhiễm thứ 5, đồng thời cảnh báo biến thể Omicron đang cho thấy các dấu hiệu gia tăng khả năng lây lan.

Phát biểu trong chương trình Gặp gỡ báo chí trên kênh NBC ngày 28/11, ông Fauci giải thích, biến thể mới phát hiện đang dấy lên lo ngại toàn cầu vì chứa đựng tới 32 đột biến ở protein gai, tiềm ẩn khả năng né tránh hệ thống miễn dịch của cơ thể người, kháng vắc xin và có thể truyền nhiễm dễ dàng hơn. Ông cũng chỉ ra rằng, số ca mắc Covid-19 đang tăng lên nhanh chóng trong thời gian ngắn ở Nam Phi, nơi phát hiện Omicron đầu tiên.

Ông Fauci mong muốn nhà chức trách Mỹ sẵn sàng cho tình huống xấu. Chuyên gia này cho rằng, việc tăng tỷ lệ chủng ngừa Covid-19 cho dân cũng như mũi tiêm tăng cường có thể ngăn chặn được làn sóng lây nhiễm mới trong nước, nhưng Mỹ cần hành động nhanh chóng.

Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa bệnh dịch Mỹ (CDC) thông báo chưa ghi nhận trường hợp mắc Omicron nào tại xứ sở cờ hoa. Tuy nhiên, để đề phòng, Tổng thống Joe Biden ngày 26/11 tuyên bố Mỹ sẽ cấm hầu hết người từ 8 quốc gia châu Phi nhập cảnh, đồng thời kêu gọi các nước bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vắc xin.

Một quan chức Nhà Trắng tiết lộ, ông Biden sẽ triệu tập cuộc họp với nhóm chuyên trách ứng phó đại dịch, bao gồm cả ông Fauci, về sự xuất hiện của Omicron.

Cho đến nay, Mỹ vẫn là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì dịch với hơn 49 triệu ca mắc, gần 800.000 bệnh nhân không qua khỏi. 59% người dân ở xứ sở cờ hoa đã hoàn thành tiêm chủng và 11% được tiêm mũi vắc xin tăng cường.

Các tin tức đáng chú ý khác về đại dịch:

- Theo trang Worldometers, tính đến sáng sớm 29/11 (giờ Việt Nam), đại dịch đã tấn công 222 quốc gia và vùng lãnh thổ, lây nhiễm cho hơn 261,7 triệu người, trên 5,2 triệu ca tử vong. Song, gần 236,4 triệu bệnh nhân khắp toàn cầu đã hồi phục.

- Chính phủ Morocco hôm 28/11 thông báo đình chỉ tất cả các chuyến bay chở khách "trực tiếp" để phòng ngừa biến thể Omicron. Quyết định chính thức có hiệu lực từ ngày 29/11 và sẽ được áp dụng trong ít nhất 2 tuần.

- Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cho biết, nhà chức trách nước này đang theo dõi sát biến thể Omicron, vốn được đánh giá là nguy hiểm hơn đáng kể so với biến thể Delta và đảo quốc sư tử có thể phải trì hoãn việc nới lỏng giãn cách.

- Anh thông báo từ tuần này sẽ cho áp dụng trở lại quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên phương tiện giao thông công cộng và tại các cửa hàng nhằm ngăn chặn sự lây lan của Omicron. Tất cả người nhập cảnh vào Anh sẽ phải thực hiện xét nghiệm PCR vào cuối ngày thứ 2 sau khi đến và phải tự cách ly cho tới khi nhận được kết quả âm tính. Tất cả những trường hợp tiếp xúc với các ca mắc biến thể mới sẽ phải tự cách ly, ngay cả khi đã hoàn thành chủng ngừa Covid-19.

- Từ tối 28/11, Israel đã đóng cửa biên giới với toàn bộ du khách nước ngoài nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron.

Tuấn Anh 

Biến thể virus corona khiến WHO họp khẩn nguy hiểm thế nào?

Biến thể virus corona khiến WHO họp khẩn nguy hiểm thế nào?

Một số chuyên gia lo ngại biến thể virus corona chủng mới vừa được phát hiện có thể "nguy hiểm nhất" từ trước đến nay. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự kiến họp khẩn về biến thể này hôm nay, 26/11.

Hà Lan phát hiện 13 khách nhập cảnh từ Nam Phi mắc biến thể Omicron

Hà Lan phát hiện 13 khách nhập cảnh từ Nam Phi mắc biến thể Omicron

Nhà chức trách Hà Lan thông báo đã phát hiện 13 hành khách trên hai chuyến bay từ Nam Phi đến thủ đô Amsterdam nhiễm biến thể Omicron của virus corona chủng mới.