Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã đảm bảo với người dân nước này rằng hầu hết các máy bay thương mại đều an toàn, và AT&T cũng như Verizon đã đồng ý ngừng lắp đặt ăng-ten điện thoại di động mới gần các sân bay trong 6 tháng. Nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Lo ngại bắt đầu dấy lên khi Chính phủ Mỹ bán đấu giá một phần băng tần C cho các nhà mạng không dây vào năm 2021 với giá 81 tỷ USD. Các nhà mạng đang sử dụng băng tần C để cung cấp dịch vụ 5G với tốc độ tối đa, gấp 10 lần tốc độ mạng 4G.

Trong bài viết ngày 25/1 trên tạp chí The Conversation, Prasenjit Mitra – Giáo sư trường Cao đẳng Khoa học Thông tin và Công nghệ, thành viên Khoa Khoa học Máy tính và Kỹ thuật của Đại học bang Pennsylvania chỉ ra rằng, băng tần C gần với các tần số được sử dụng bởi các thiết bị điện tử quan trọng mà máy bay dựa vào để hạ cánh an toàn. Đây chính là một vấn đề, theo ông.

{keywords}
Máy đo độ cao vô tuyến trên máy bay cho phi công biết máy bay cách mặt đất bao xa. Ảnh: AP

Duy trì trật tự

Các tín hiệu không dây được truyền đi bởi sóng vô tuyến. Phổ vô tuyến nằm trong khoảng từ 3 Hertz đến 3.000 Gigahertz, và là một phần của phổ điện từ.

Phần phổ vô tuyến truyền tín hiệu từ điện thoại của bạn và các thiết bị không dây khác nằm ở khoảng 20 Kilohertz đến 300 Gigahertz. Nếu hai tín hiệu không dây ở cùng một khu vực sử dụng cùng một tần số, bạn sẽ bị nhiễu. Bạn có thể thấy rõ điều này khi ở giữa hai đài phát thanh đang sử dụng các dải tần số tương tự hoặc giống nhau để phát đi thông tin. Các tín hiệu bị nhiễu, và bạn nghe thấy lúc thì đài này lúc thì đài kia hoặc âm thanh trộn lẫn.

Vì vậy, ở Mỹ, Ủy ban Truyền thông liên bang quy định rất chặt chẽ việc sử dụng các dải tần này, để đảm bảo rằng các đài phát thanh, các nhà cung cấp dịch vụ không dây và các tổ chức khác phải sử dụng đúng làn hoặc phổ tần để đảm bảo trật tự.

Tín hiệu phản hồi từ mặt đất

Các máy bay hiện đại sử dụng máy đo độ cao, tính toán thời gian cần thiết cho một tín hiệu phản hồi từ mặt đất để xác định độ cao của máy bay. Những máy đo độ cao này là một phần quan trọng của hệ thống hạ cánh tự động, đặc biệt hữu ích trong những trường hợp tầm nhìn thấp.

Vì vậy, nếu một máy đo độ cao nhận lầm tín hiệu từ mạng không dây là tín hiệu phản hồi từ mặt đất, nó có thể tưởng mặt đất đang ở gần hơn, do đó máy bay sẽ sớm vận hành thiết bị hạ cánh và thực hiện các thao tác cần thiết khác để đáp xuống. Nếu sóng của mạng không dây lấn át và trộn lẫn vào các tín hiệu vô tuyến của máy đo độ cao, máy sẽ không thể phân biệt được tín hiệu phản hồi nên không thể tìm ra máy bay ở cách mặt đất bao xa.  

Máy bay và nhà cung cấp dịch vụ điện thoại sử dụng các phần khác nhau của phổ tần số vô tuyến. Vấn đề là các máy đo độ cao của máy bay sử dụng dải tần 4,2 đến 4,4 Gigahertz, còn phổ băng tần C dành cho các nhà cung cấp mạng không dây sử dụng là 3,7 – 3,98 Gigahertz. Có thể thấy, sự khác biệt chỉ 0,22 Gigahertz giữa các tín hiệu có thể là không đủ để phân biệt một tín hiệu mạng không dây với tín hiệu của thiết bị đo độ cao máy bay.

{keywords}
Các tín hiệu 5G tốc độ đầy đủ mà các nhà cung cấp dịch vụ mạng không dây đang triển khai có thể gây nhiễu cho các máy đo độ cao máy bay. Ảnh: AP  

Tìm kiếm giải pháp

Ngành công nghiệp viễn thông cho rằng, khoảng cách 0,22 Gigahertz là đủ và sẽ không có nhiễu sóng. Tuy nhiên, rủi ro có thể rất nhỏ nhưng nếu tai nạn máy bay xảy ra thì hậu quả sẽ rất khủng khiếp. 

Nếu máy đo độ cao có thể ghi lại các tín hiệu đi lạc dưới dạng nhiễu và lọc chúng ra, chúng có thể hoạt động chính xác. Tuy nhiên, nâng cấp máy đo độ cao của máy bay hiện nay là một đề xuất vô cùng tốn kém và không rõ ai sẽ trả chi phí.

FAA đã và đang thử nghiệm máy đo độ cao và làm rõ những loại máy nào có thể đáng tin cậy trong tương lai gần.

AT&T và Verizon đều đã đồng ý không đặt thiết bị phát và thu 5G gần 50 sân bay lớn nhất trong 6 tháng trong khi chờ đợi giải pháp. Điều này có thể giúp ngăn chặn một cuộc khủng hoảng trong tương lai gần nhưng không phải là giải pháp lâu dài.

Trong khi đó, các hãng hàng không và sân bay ở vùng nông thôn vẫn đang đứng trước nguy cơ bị can thiệp.

Đọc tin thời sự quốc tế trên VietNamNet

Thanh Hảo

Huawei giành hợp đồng phát triển mạng 5G ở Nga

Huawei giành hợp đồng phát triển mạng 5G ở Nga

Tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc – bị Mỹ coi là mối đe dọa an ninh - vừa ký một thỏa thuận với hãng viễn thông Nga MTS để phát triển mạng 5G tại nước này trong năm tới.