Bước sang năm 1945, phần lớn tàu chiến của hạm đội Liên hợp được neo đậu tại các cảng Nhật. Ngay cả khi quân Mỹ đổ bộ đánh chiếm hòn đảo Iwo Jima chỉ cách Nhật 700 dặm, hải quân nước này vẫn im lặng, không một tàu chiến nào được gửi đến để hỗ trợ.

{keywords}
Thiết giáp hạm Yamato, niềm tự hào của Hải quân Nhật trong thế chiến II. Ảnh: Word Press

Trong khi đó, Bộ Tư lệnh tối cao Nhật vẫn chưa quyết định nên sử dụng hạm đội vào nhiệm vụ tấn công, hay là duy trì phòng thủ. Hải quân và lục quân lời qua tiếng lại. Hải quân chủ trương để hạm đội ở lại trong các cảng Nhật vì khả năng yếu kém của nó, còn lục quân lại cho rằng việc gìn giữ các chiến hạm là sai lầm, dễ làm mồi cho máy bay Mỹ tấn công.

Ngày 19/3, quan điểm của lục quân đã tỏ ra là đúng khi một lực lượng đặc nhiệm tàu sân bay Mỹ tiến sát bờ biển Nhật và tung hàng trăm máy bay tấn công các tàu chiến Nhật đang neo đậu tại Kure và Kobe. Kết quả, 17 tàu bị hư hại, bao gồm 6 tàu sân bay và 3 thiết giáp hạm, trong số đó có 2 thiết giáp hạm đã bị hư hỏng sau trận Leyte.

Ngày 1/4/1945, quân Mỹ đổ bộ lên bờ biển Okinawa mà không gặp phải bất kì sự kháng cự nào. Lục quân Nhật lại tiếp tục nêu vấn đề tại sao hải quân không gửi lực lượng đến hỗ trợ phòng thủ. Nhật hoàng Hirohito cũng chất vấn hải quân về vai trò của họ trong việc bảo vệ Okinawa.

Trước áp lực từ lục quân và Hoàng cung, ngày 5/4, Đô đốc Soemu Toyoda - Tư lệnh Hạm đội Liên hợp ra lệnh cho Phó đô đốc Seichi Ito - Tư lệnh Hạm đội 2 tiến hành chiến dịch Thiên Hiệu (Operation Heaven One) tấn công hạm đội Mỹ đang thả neo tại Okinawa.

Hạm đội 2 là lực lượng chiến đấu duy nhất còn lại của Hạm đội Liên hợp, nhưng cũng chỉ còn có 10 tàu chiến, gồm thiết giáp hạm Yamato - niềm tự hào của hải quân Nhật, tuần dương hạm hạng nhẹ Yahagi và 8 tàu khu trục.

Tư lệnh hạm đội Seichi Ito chưa từng trải qua kinh nghiệm chiến đấu nào trong suốt cuộc chiến tranh. Họ xác định ra khơi lần cuối để đánh một trận lớn, trận cuối cùng trong đời binh nghiệp nên chỉ nhận nhiên liệu cho lượt đi. Thực tế, đây có thể xem là một cuộc hành quân tự sát khi so sánh tương quan lực lượng giữa hạm đội Nhật và hạm đội Mỹ.

Theo kế hoạch, khi các tàu sân bay Mỹ đang bận đối phó với hạm đội Nhật thì từ sân bay Kanoya ở cực nam Kyushu, hàng trăm máy bay tự sát Thần Phong sẽ xuất kích đồng loạt tấn công Okinawa. Còn thiết giáp hạm Yamato sẽ phải tự mắc cạn tại bờ biển gần Okinawa và hoạt động như một pháo đài không thể chìm để dội pháo xuống lực lượng Mỹ trên đảo Okinawa bằng những khẩu pháo hạng nặng 460 mm (18,1 inch) của nó. 

Chiều 6/4/1945, hạm đội Nhật rời cảng Kure bắt đầu cuộc hành quân, nhưng đến sáng 7/4, nó bị người Mỹ phát hiện. Trưa 7/ 4, trong khoảng thời gian hơn 2 giờ đồng hồ, hạm đội Nhật bị gần 400 máy bay Mỹ xuất phát từ các tàu sân bay tấn công.

Kết quả, chiến dịch hành quân nhằm cứu vãn danh dự hải quân Nhật đã thất bại. Hạm đội Nhật chỉ còn 3 tàu khu trục chạy thoát. Siêu thiết giáp hạm Yamato và tuần dương hạm Yahagi đều bị chìm, khiến 3.665 thành viên thủy thủ đoàn, kể cả Phó đô đốc Ito thiệt mạng.

Trong khi đó, phía Mỹ chỉ có 12 phi công thiệt mạng và 10 máy bay bị bắn rơi. Đây là kết quả tất yếu vì Mỹ chiếm ưu thế tuyệt đối, trong khi hải quân Nhật không được máy bay yểm trợ, họ phải trần mình suốt mấy tiếng đồng hồ để hứng bom từ máy bay.

Việc đánh chìm siêu thiết giáp hạm Yamato được xem là một chiến thắng lớn của Mỹ. Còn những tàu khu trục sống sót cũng chịu số phận không kém phần bi đát. Tàu Suzutsuki không bao giờ được sửa chữa. Tàu Fuyuzuki sau khi sửa chữa lại bị trúng thủy lôi Mỹ ngày 30/7/1945 và sau đó không còn được “điều trị” nữa. Tàu Hatsushimo vướng thủy lôi vào ngày 20/8/1945, trở thành tàu chiến thứ 129, cũng là tàu khu trục cuối cùng của Nhật chìm trong chiến tranh.

Chiến dịch Thiên Hiệu là trận chiến cuối cùng giữa hải quân Nhật và Mỹ tại mặt trận Thái Bình Dương. Lực lượng hải quân hùng mạnh, từng phát động cuộc chiến tranh Thái Bình Dương qua trận Trân Châu Cảng, cuối cùng đã bị hạ gục. 

Nguyên Phong

>>> Đọc tin quân sự mới nhất trên Vietnamnet

Trận hải chiến lớn nhất lịch sử

Trận hải chiến lớn nhất lịch sử

Từ tháng 8/1942 đến đầu năm 1944, hải quân Mỹ lần lượt đánh bật quân Nhật ra khỏi các hòn đảo ở phía nam cũng như trung tâm Thái Bình Dương.