Hãng tin Reuters dẫn lời ông Trump tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng ngày 14/4 rằng, đại dịch Covid-19 đã có thể kiềm chế ngay tận gốc và không khiến nhiều người chết như vậy nếu WHO làm tốt công tác điều tra các báo cáo phát đi từ Trung Quốc. 

{keywords}
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus và Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh, cả thế giới trông chờ vào WHO trong việc phối hợp với các quốc gia để đảm bảo thông tin chính xác về các mối đe doạ y tế được chia sẻ đúng thời điểm. Tuy nhiên, tổ chức này đã không thực hiện được nghĩa vụ cơ bản của mình và phải chịu trách nhiệm. 

Ông Trump khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với WHO để theo đuổi một cuộc cải tổ có ý nghĩa.

Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng từng tuyên bố Mỹ đang tìm cách "thay đổi căn bản" WHO. "Trong lịch sử, WHO đã thực hiện tốt một số công việc. Thật không may trong trường hợp này, họ đã không thể hiện tốt vai trò của mình", ông Pompeo nói, nhắc đến đại dịch Covid-19.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ đồng thời khẳng định Washington cần đảm bảo thúc đẩy các nỗ lực để thay đổi căn bản điều đó, hoặc đưa ra một quyết định khác cho thấy Mỹ đang làm phần việc của mình để đảm bảo các nghĩa vụ y tế thế giới quan trọng này thực sự hiệu quả.

Chính quyền Tổng thống Trump liên tục chỉ trích WHO đã quá tin tưởng vào thông tin do Bắc Kinh cung cấp sau khi virus corona chủng mới xuất hiện vào cuối năm ngoái tại Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc.

Mới đây, hôm 10/4, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Mỹ Chuck Grassley đã viết thư gửi Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus, chỉ trích cơ quan này chậm đưa ra cảnh báo toàn cầu về Covid-19.

"Có rất nhiều lý do phải nghi ngờ về phản ứng của WHO trước những dấu hiệu sớm của đợt bùng phát dịch ở Trung Quốc. Việc thiếu những phân tích độc lập và khuyến cáo trước những thông tin sai lệch ban đầu từ Trung Quốc đã khiến một số quốc gia phải chạy đua để bù đắp khoảng thời gian bị bỏ lỡ" , Thượng nghị sĩ Grassley viết trong thư, và bày tỏ quan ngại rằng ảnh hưởng của Trung Quốc đã tác động đến phản ứng của WHO.

Không chỉ Mỹ, một số nước cũng chỉ trích WHO về hành động của tổ chức này liên quan đến đại dịch Covid-19. Tại Nhật Bản, Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Tara Aso thậm chí nói rằng mọi người bắt đầu gọi WHO là "Tổ chức Y tế Trung Quốc" vì mối quan hệ gần gũi bất thường với Bắc Kinh.

Một số chuyên gia cáo buộc WHO đã do dự và chậm chạp trong việc công bố đại dịch toàn cầu. Giữa tháng 1, WHO báo cáo không tìm thấy bằng chứng rõ ràng về sự lây truyền từ người sang người của virus corona chủng mới. Đến cuối tháng 1, kể cả khi Mỹ đã ra lệnh cấm nhập cảnh người nước ngoài từng đến Trung Quốc trong vòng 14 ngày, WHO vẫn cho rằng giới hạn đi lại là không cần thiết và khuyên các nước không nên đóng cửa biên giới. Mãi đến 11/3, khi tình hình trở nên rất nghiêm trọng, WHO mới chịu công bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

Chính sự chậm trễ của WHO đã làm mất khoảng thời gian quý giá của nhiều nước trong việc chuẩn bị trang thiết bị, bệnh viện... cho những người bị nhiễm virus corona, khiến họ không áp dụng các biện pháp mạnh từ sớm trước khi thảm họa ập đến, theo François Godement, cố vấn cấp cao của Viện Montaigne, Pháp.

Đáp lại các chỉ trích, WHO khẳng định tổ chức này "đã kịp thời cảnh báo thế giới về mối nguy virus corona", đồng thời "cam kết đảm bảo mọi quốc gia thành viên phản ứng hiệu quả trước đại dịch".

Hôm 8/4, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố tổ chức này không thiên vị Trung Quốc và kêu gọi "không chính trị hóa khủng hoảng y tế". "Chúng tôi gần gũi với mọi quốc gia, không thiên vị ai", ông Tedros tuyên bố.

Cũng có một số ý kiến lập luận rằng quyền của WHO đối với các nước là có hạn, và tổ chức này đã làm hết sức để đương đầu với dịch bệnh. 

Trước những tranh cãi kể trên liên quan đến vai trò của WHO liên quan đến Covid-19, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres bày tỏ: "Sau này sẽ có thời gian để đánh giá những thành công và thất bại".

Thanh Hảo