Tại Singapore, ngay từ những ngày đầu tháng 1 Dương lịch, sắc đỏ của không khí Tết đã tràn ngập khắp các con phố để chào đón một năm mới sang.

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}

Mua sắm tại Phố Tàu những ngày giáp Tết. (Ảnh: travel2singapore)

Chịu nhiều ảnh hưởng của truyền thống Trung Quốc, Tết Nguyên đán, hay còn được coi là Lễ hội mùa xuân tại Singapore, là ngày lễ được trông đợi nhất đối với không chỉ cộng đồng người Trung Quốc tại đây, mà còn cả những người dân Singapore.

Ngày Tết của người dân nơi đây kéo dài tới 15 ngày, từ đêm Giao thừa đến hết ngày 15 tháng Giêng. Trong thời gian này, khắp nơi đều diễn ra các hoạt động vui xuân.

Cũng tương tự như một số quốc gia châu Á khác như Trung Quốc, Việt Nam, Tết cổ truyền tại Singapore là dịp để gia đình quây quần bên nhau đón năm mới và bày tỏ lòng thành đối với tổ tiên.

Nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ để quét đi mọi điều tồi tệ của năm cũ và đón những điều may mắn của năm mới vào nhà. Người người diện quần áo mới đi thăm hỏi họ hàng và trẻ em sẽ được phát những phong bao lì xì đỏ đựng tiền tượng trưng cho sự may mắn.

{keywords}

Màn trình diễn của các nữ vũ công Singparore chào đón năm mới. (Ảnh: Google)

Điều thú vị trong dịp Tết âm lịch của người Singapore đó là họ rất thích ăn quýt và cá. Nguyên do là bởi chữ “quýt” đọc gần với chữ “cát” trong “đại cát đại lợi”. Do đó, ăn quýt có thể mang lại hạnh phúc, may mắn. Còn “cá” gần với chữ “dư” trong tiếng Trung thể hiện sự dồi dào, dư dả.

Người dân Trung Quốc rất coi trọng truyền thống và văn hoá dân gian, và điều này được thể hiện rất rõ trong Tết cổ truyền tại Singapore. Rồng và sư tử là hai con vật linh thiêng trong thần thoại Trung Quốc, nên những màn múa lân, múa rồng được diễn ra trên khắp các con phố Singapore, tạo nên không khí tưng bừng rộn ràng.

{keywords}

Một điểm nhấn trong dịp Tết Nguyên đán của người dân đảo quốc Sư tử là khu Phố Tàu với lễ hội hoa đăng nổi tiếng. Trong suốt lễ hội, mọi người được thưởng thức những màn trình diễn đặc sắc của những nghệ sĩ múa lân, múa rồng, nghệ sĩ biểu diễn nuốt lửa và nữ vũ công tại quảng trường Kreta Ayer.

Cũng vào dịp này, mọi người đến thăm các đền chùa để lễ thần phật và xin lộc cho cả năm hay du xuân tại các di tích, danh lam thắng cảnh hay khu vui chơi trong cả nước.

Ngoài lễ hội hoa đăng, hai sự kiện quan trọng khác là lễ hội bên sông River Hongbao và lễ hội đường phố Chingay.

{keywords}

Lễ hội bên sông River Hongbao tại Singapore. (Ảnh: yoursingapore)

Lễ hội River Hongbao được tổ chức trên sân khấu nổi vịnh Marina và Công viên nhà hát Esplande vào khoảng thời gian giữa tháng 2 tuỳ từng năm.

Cả khu vực xung quanh vịnh Marina trở nên sống động với các hoạt động được mọi người yêu thích như trình diễn nghệ thuật đường phố, mua sắm chợ đêm, trò chơi dành cho trẻ em và cả gia đình và đặc biệt là màn bắn pháo hoa trên vịnh.

Ngoài ra tại đây, văn hoá Trung Hoa cũng được thể hiện thông qua khu trưng bày những bức tượng khổng lồ các vị thần như thần Tài hay 12 con giáp cùng khu ẩm thực truyền thống và viết thư pháp.

{keywords}

Lễ diễu hành Chingay là một hoạt động đón năm mới quan trọng khác của người dân Singapore, bắt đầu từ ngày thứ 7 đầu tiên của năm mới tới hết Rằm tháng Giêng.

Chingay trong tiếng Trung có nghĩa là “nghệ thuật trang phục và hoá trang”. Đây là lễ diễu hành đường phố theo kiểu carnival hoành tráng, để người dân Singapore vừa được vui chơi, vừa thắt chặt hơn nữa tình đoàn kết giữa các sắc tộc cũng như với bạn bè quốc tế.

Ngày Tết cổ truyền và những hoạt động vui xuân đã dần trở thành một phần không thể thiếu mỗi khi tết đến xuân về của người dân đảo quốc Sư tử. Đó là dịp không chỉ để gia đình sum vầy bên nhau mà còn là lúc mọi người hoà mình vào không khí lễ hội vui tươi trên khắp cả nước cùng đón chào một năm mới may mắn, tốt lành.

Hương Ly