Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc đưa ra một tuyên bố cho biết, họ đã bắn ra hơn 300 phát đạn để cảnh cáo máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm A-50 của Nga, vào sáng sớm ngày 23/7, sau khi máy bay này hai lần xâm phạm vào không phận Hàn Quốc. Hai nước chưa từng có cuộc chạm trán nào tương tự trước đây.

Moscow đã giận giữ bác bỏ tường thuật của Seoul về vụ việc, cho biết các máy bay quân sự của Hàn Quốc đã ngăn chặn hai máy bay ném bom của Nga một cách nguy hiểm, trong lúc chúng đang thực hiện một chuyến bay đã được lên kế hoạch trước, qua vùng biển trung lập.

Tuy nhiên, trong một thông cáo vào chiều 23/7, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã củng cố cho những tuyên bố của Hàn Quốc, nói rằng chiếc A-50 đã bay qua các hòn đảo và rằng Tokyo cũng đã huy động máy bay chiến đấu đến để ngăn chặn.

Trong một diễn biến phức tạp hơn, cả Hàn Quốc và Nhật Bản cho biết hai máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc đã tham gia cùng chiếc máy bay của Nga trong các lần xuất kích vào khu vực. Cuộc chạm trán diễn ra trên đầu các hòn đảo đang tranh chấp ở Biển Hoa Đông vào sáng sớm ngày 23/7.

Hiện vẫn chưa rõ nguyên nhân dẫn đến cuộc chạm trán, và lí do tại sao các máy bay lại ở trong khu vực này, nhưng các nhà phân tích cho biết chiến dịch này có thể đã được Nga thiết kế để “dụ” các máy bay Hàn Quốc và Nhật Bản đến, với mục đích thu thập thông tin tình báo.

“Chiến dịch này có thể sẽ cho họ một phác đồ đầy đủ về hệ thống phòng không của Hàn Quốc”, Peter Layton, một cựu phi công của Không quân Hoàng gia Australia và nhà phân tích ở Học viện châu Á Griffith cho biết.

{keywords}
Đường bay của các máy bay A-50, TU-95 (Nga) và H-6 (Trung Quốc), theo công bố của Bộ Quốc phòng Nhật Bản

Hỗn loạn trên bầu trời

Các quan chức Hàn Quốc cho biết, vụ việc đã xảy ra trong một chiến dịch quân sự chung giữa Nga và Trung Quốc. Theo Hàn Quốc, hai máy báy ném bom H-6 của Trung Quốc đã bay vào Vùng Nhận dạng Phòng không của Seoul (KADIZ) từ lúc 6h44 sáng giờ địa phương, theo sau bởi hai máy bay ném bom chiến lược Tu-95 của Nga.

Bốn máy bay đã đi vào KADIZ cùng nhau vào khoảng 8h40 sáng, và ở trong đó trong vòng 24 phút.

{keywords}
Vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản (xanh), Hàn Quốc (tím) và Trung Quốc (đỏ)

Sau khi các máy bay Nga – Trung bay vào KADIZ, Seoul cho biết chiếc máy bay A-50 của Nga đã bay qua hòn đảo đang tranh chấp chủ quyền, lần đầu vào lúc 9h09 sáng, và thêm một lần nữa lúc 9h33 sáng, mỗi lần chỉ vài phút.

Để phản hồi, Hàn Quốc đã huy động các máy bay chiến đấu F-15F và KF-16, và đã bắn 360 phát đạn cảnh cáo trước mặt máy bay của Nga, 80 phát trong lần đầu và 280 phát trong lần thứ hai. Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, các phát súng đã được bắn ra từ súng cỡ nòng 20mm.

Quân đội Hàn Quốc cũng cho biết đã đưa ra 30 hiệu lệnh cảnh cáo đối với máy bay của Nga, nhưng không nhận được phản hồi nào. A-50 là một chiếc máy bay chỉ huy và cảnh báo trên không không được trang bị vũ khí, được thiết kế để theo dõi và quan sát.

{keywords}
Máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm A-50 đã hai lần xâm phạm vào không phận Hàn Quốc hôm 23/7, ảnh được chụp lại bởi một máy bay của Nhật Bản.

Trong một tuyên bố vào chiều 23/7, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận đã tham gia vào một chiến dịch tuần tra chung với máy bay tầm xa của Trung Quốc, và cho biết họ đang thực hiện “cuộc tuần tra chung đầu tiên sử dụng máy bay tầm xa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương” khi vụ việc xảy ra.

Tuyên bố cho biết, hai máy bay ném bom Tu-95 của Nga và hai máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc đã thực hiện một cuộc tuần tra trên vùng nước của Nhật Bản và Biển Hoa Đông. Họ cho biết thêm rằng, cuộc tuần tra “được thực hiện nhằm phát triển và làm mối quan hệ Nga-Trung thêm sâu đậm” và “không nhằm mục đích chống lại các nước thứ ba”.

Bộ Quốc phòng Nga đã gay gắt bác bỏ các báo cáo của Hàn Quốc, và cáo buộc các phi công Hàn Quốc hành xử không đúng mực. “Họ đã bay một cách thiếu chuyên nghiệp, khi cắt qua đường bay của các máy bay ném bom chiến lược Nga, gây đe dọa đến an toàn của chúng”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

“Đây không phải là lần đầu tiên phi công Hàn Quốc đã ngăn chặn không thành một máy bay Nga đang bay qua vùng biển trung lập”, tuyên bố cho biết, nói thêm rằng Nga không công nhận Vùng Nhận dạng Phòng không của Hàn Quốc.

{keywords}
Máy bay ném bom TU-95 của Nga trong vụ việc ngày 23/7, ảnh được chụp lại bởi một máy bay của Nhật Bản.

Tuy cả hai thông cáo này không nhắc đến chiếc máy bay A-50, nhưng sau đó cùng ngày, trong một phát biểu trực tiếp được phát sóng, Chủ huy Kĩ thuật Tầm xa của Không quân Nga, Trung tướng Sergey Kobylash cho biết chiến dịch đã được “hỗ trợ” bởi máy bay A-50 và KJ-2000.

Ông cũng bác bỏ việc các máy bay chiến đấu Hàn Quốc đã nổ súng cảnh cáo và nói: “Nếu các phi công Nga nhận diện được các mối de dọa như vậy, chắc chắn họ đã đưa ra các phản hồi tương ứng ngay lập tức”.

Sau khi Moscow đưa ra thông cáo đầu tiên, Nhật Bản cũng xác nhận rằng nước này đã huy động máy bay chiến đấu đến để phản hồi trước sự xâm nhập của Nga hôm 23/7.

“Chúng tôi xác nhận rằng một máy bay A-50 của Nga đã xâm phạm không phận của Nhật Bản, trong lúc hai máy bay ném bom TU-95 của Nga và hai máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc bay xung quanh Nhật Bản. Chúng tôi đã thực hiện các biện pháp đáp trả trước hành động xâm nhập này”, một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết.

Khi được hỏi về vụ việc, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ không nắm rõ các chi tiết và nhường lại các câu hỏi cho Bộ Quốc phòng.

“Bạn đã dùng từ ‘xâm phạm’ và tôi khuyên mọi người nên cẩn trọng khi dùng những từ như thế này, vì Trung Quốc và Hàn Quốc là hai nước láng giềng hòa hảo và tình huống còn chưa được làm rõ”, phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh cho biết. 

Khẩu chiến

Chung Eui-yong, giám đốc Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc cho biết đã gửi một thông điệp phản đối “mạnh mẽ” đến chính quyền Nga về vụ việc này. “Chúng tôi nhìn nhận tình huống này một cách rất nghiêm túc, và nếu hành động kiểu này lặp lại, chúng tôi sẽ còn thực hiện các biện pháp cứng rắn hơn”, ông cho hay, song không nói rõ các biện pháp này sẽ có thể là gì.

{keywords}
Máy bay ném bom H-6 của Trung Quốc trong vụ việc ngày 23/7, ảnh được chụp lại bởi một máy bay của Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản cũng cho biết họ đã đưa ra một lời phản đối mạnh mẽ đối với cả Chính phủ Nga và Hàn Quốc, vì đã xâm phạm vào không phận Nhật Bản. Hàn Quốc cho biết họ đã bác bỏ phản đối của Nhật Bản. Còn Moscow thì chưa đưa ra phản hồi nào với các thông điệp đến từ cả hai nước.

Ông Carl Schuster, cựu giám đốc vận hành ở Trung tâm Chỉ huy Tham mưu Thái Bình Dương của quân đội Mỹ cho biết việc nổ súng cảnh cáo trên không là “rất, rất nghiêm trọng” và “rất hiếm gặp”.

Ông Schuster cho biết việc các phát súng đã được nổ có nghĩa là Hàn Quốc đã cho rằng sự xâm phạm là một hành vi cố ý và nghiêm trọng, cho biết thêm rằng ông không thể giải thích tại sao máy bay của Nga vẫn quay lại sau khi bị cảnh cáo lần đầu.

“Xâm nhập đến mức độ cần phải nổ súng cảnh báo để rời đi thường là kết quả của một quyết định cố ý xâm phạm khu vực không phận đó”, ông cho biết.

Hôm 23/7, phát ngôn viên của Lầu Năm Góc - Trung Tá Dave Eastburn nói với hãng CNN rằng Mỹ đang “phối hợp chặt chẽ” với các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản, và rằng Mỹ “sẽ tiếp tục theo dõi các diễn biến khi họ trao đổi với những người đồng cấp Nga và Trung Quốc qua các kênh ngoại giao”.

“Cam kết của Mỹ với việc phòng thủ của các đồng minh là không thể lay chuyển”, ông Eastburn cho biết thêm.

Tuy Đông Á là một khu vực có vô số các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đã diễn ra trong nhiều năm, song giữa Nga và Hàn Quốc rất hiếm khi xảy ra xung đột.

Các lãnh đạo Nga và Hàn Quốc ở thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản hồi tháng 6 đã biểu dương mối quan hệ song phương đang ấm dần lên giữa hai nước. Tổng thống Nga Vladimir Putin còn nói rằng, Hàn Quốc là “một trong những đối tác chiến lược của chúng tôi” ở châu Á.

Đây là vụ việc thứ hai liên quan đến quân đội Nga ở Đông Á trong vòng chưa đầy hai tháng. Hôm 8/6, hai tàu chiến của Mỹ và Nga suýt chút nữa đã xảy ra va chạm, khi đến gần nhau với khoảng cách chỉ còn 15 mét.

Trong khi đó, quan hệ giữa Bắc Kinh và Nga đang ở “đỉnh cao chưa từng có” trong một năm qua, theo ông Putin, trong đó bao gồm cả việc hợp tác đang dần tăng lên giữa quân đội hai nước.

Anh Thư