Cắt giảm để đảm bảo chất lượng cuộc sống?

Năm ngày sau vụ khủng bố giết chết 50 người ở New Zealand, gây ra bởi một công dân Úc theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng cực đoan, Thủ tướng Australia Scott Morrison đã công bố một kế hoạch mà theo ông, sẽ giải quyết các thách thức nền tảng mà đất nước 25 triệu dân này đang gặp phải.

Thế nhưng, đây lại không phải một kế hoạch nhằm chống lại các nhóm cực đoan và tư tưởng chống Hồi Giáo. Nó lại là một kế hoạch cắt giảm nhập cư.

Kế hoạch này của chính phủ đã trải qua quá trình soạn thảo trong nhiều tháng trời, và có thể sẽ là bước ngoặt lớn cho quốc gia phần lớn được hình thành bởi dân nhập cư này. Từ lịch sử là một thuộc địa của Anh, Australia trong gần 3 thập kỉ vừa qua đã trở thành một hình mẫu chứng tỏ rằng nhập cư, nếu được quản lý một cách đúng cách, có thể củng cố sức mạnh của một đất nước như thế nào.

Giờ đây, giữa làn sóng quay lưng lại với nhập cư trên toàn cầu - một vấn đề đang làm dậy sóng chính trường Mỹ, Anh và phần lớn châu Âu, ngay đến cả Australia cũng đang quay đầu lại với chính sách chào đón những người nước ngoài có tay nghề cao đến nhập cư. Chính sách này đã giúp thúc đẩy phát triển kinh tế Australia suốt nhiều thập kỉ qua, và biến một quốc gia từng đóng cửa với người nhập cư da màu, thành một xã hội đa văn hóa - đa chủng tộc đầy màu sắc.

{keywords}
Lễ hội mừng năm mới Sinhala của người Sri Lanka ở Melbourne, Australia. Ảnh: New York Times

Theo ông Morrison, đây là một chiến lược để giải quyết việc các thành phố lớn nhất Australia trở nên quá đông đúc, dẫn đến tắc nghẽn giao thông và giá nhà đất tăng cao. “Kế hoạch này là nhằm bảo vệ chất lượng sống của người Úc trên khắp cả nước”, ngài thủ tướng phát biểu.

Những lo ngại trên ngày một phổ biến khi dư luận trong nước đang kịch liệt phản đối việc gia tăng dân số. Tuy vậy, có những ý kiến lo lắng cho rằng những phàn nàn về “chất lượng cuộc sống” này đã bị thổi phồng – và cũng có thể đang được thao túng để lấp liếm cho những tư tưởng sâu xa hơn liên quan đến làn sóng nhập cư từ các nước ngoài châu Âu, đặc biệt là các nước Hồi Giáo, bênh cạnh các nước châu Phi và châu Á.

Từ “nước Úc da trắng” đến một xã hội đa chủng tộc

Không thể chối cãi rằng dân số Australia đang thay đổi chóng mặt, nhưng cũng không thể gạt bỏ những lợi ích mà nó mang lại. Từ những năm 1990, dân số nước này đã tăng gần 40%, từ 18 triệu lên 25 triệu dân. Các chuyên gia kinh tế tranh luận rằng, nếu không có làn sóng nhập cư ồ ạt này, việc Australia giữ kỉ lục tăng trưởng kinh tế liên tục trong vòng 27 năm mà không có suy thoái, là điều không thể xảy ra.

Phần lớn trong số 4.7 triệu người nhập cư cập bến Australia từ năm 1980 là người có trình độ cao, đặc biệt là từ năm 2004, mỗi năm trung bình có khoảng 350.000 sinh viên và người lao động có tay nghề nhập cư vào nước này.

Theo điều tra dân số năm 2016, hơn 1 trong 4 (25%) người Úc sinh ra ở nước ngoài, so với 13,7% dân số nước Mỹ và 14% ở Anh. Trong đó, 6/10 quốc gia có nhiều người nhập cư vào Úc nhất là các quốc gia châu Á. Trung Quốc dẫn đầu với 509.558 người. Ấn Độ đứng thứ 2 với 455.385 người. Việt Nam đứng thứ 4 với 243.200 người.

{keywords}
Lễ hội Ánh sáng ở Melbourne. Ảnh: New York Times

Quay lưng với nhập cư

Rất nhiều người Úc cho rằng đã đến lúc xu hướng đa dạng hóa này phải dừng lại. Trong một cuộc khảo sát gần đây, hơn 2/3 người dân cho rằng đất nước của họ không cần thêm người nữa. Cách đó không quá lâu, mới vào năm 2010, đa số người Úc còn đang giữ quan điểm ngược lại.

Ông Morrison và đảng Tự Do thường sử dụng các quan điểm chống nhập cư để kêu gọi ủng hộ từ bộ phận cử tri bảo thủ của mình. Rõ ràng, họ tin rằng nhập cư sẽ là một vấn đề mấu chốt giúp họ chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra vào 18/5 tới.

Chính phủ Australia đã làm chậm lại quá trình duyệt hồ sơ visa, và dự kiến sẽ cắt giảm 30.000 người khỏi hạn mức nhập cư, xuống còn 160.000 người mỗi năm. Đây là mức cắt giảm thường niên lớn nhất từ những năm 1980 tới nay.

Ông Morrison cũng có ý định điều chỉnh chính sách visa tay nghề để ngăn người nhập cư mới đến sống ở các thành phố lớn. Những người nhận visa này sẽ bị yêu cầu làm việc ở các vùng hẻo lánh ít nhất 3 năm trước khi có thể trở thành thường trú nhân.

Trong khi đó, đảng đối lập là Đảng Lao Động thì hầu hết đang né tránh vấn đề này. Họ biết rõ nó đã giúp các đảng bảo thủ thắng thế như thế nào ở Anh và Mỹ, nơi Tổng thống Trump gần đây tuyên bố rằng đất nước của ông đã “đầy”.

Quá tải có phải là lí do?

Với diện tích đất lớn gần bằng nước Mỹ nhưng dân số chỉ bằng 1/10, Australia là một trong những quốc gia có mật độ dân số thấp nhất thế giới. Nhưng nó cũng là một trong những đất nước với tỉ lệ đô thị cao nhất, và vẫn luôn nuôi dưỡng một lối sống với tiêu chuẩn cao. Ngay cả giữa các thành phố, hầu hết người Úc vẫn nghĩ họ phải có một khoảng sân sau nhà.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia kinh tế, người dân sống ở những nơi bị ảnh hưởng nhiều nhất từ tăng trưởng dân số lại không phải là những người yêu cầu cắt giảm nhập cư. Dữ liệu cho thấy trong 20% các khu vực có người dân phản đối nhập cư nhiều nhất – không có khu vực nào nằm ở Sydney hay Melbourne – 2 thành phố đông dân nhất cả nước.

{keywords}
Ga tàu Trung tâm ở Sydney. Ảnh: New York Times

Thậm chí, khu vực có ít người chống nhập cư nhất là quận Surry Hills ở nội thành Sydney, nơi giá nhà tăng cao ngất ngưởng và giao thông thường xuyên tắc nghẽn.

Giữa giờ cao điểm ở ga tàu trung tâm Sydney – Central Station, những người mệt mỏi vì cảnh chen chúc lại không phải những người muốn có ít người hơn. Thay vào đó, họ muốn có cơ sở vật chất tốt hơn, các thành phố vệ tinh xung quanh Sydney để giảm bớt áp lực ở nội đô, hay việc thay đổi văn hóa nơi làm việc để giảm thiểu tắc nghẽn giờ tan tầm. Họ cho rằng, vấn đề nằm ở việc quản lý dân số, thay vì cố quay lại Australia của những năm 1930 hay 1940.

Phân biệt chủng tộc là gốc rễ?

Trong khi đó, cách Sydney 2 giờ lái xe về phía Bắc, ở Central Coast, quan điểm khác hẳn lại được ghi nhận. Ở những khu vực dân cư tương đối hẻo lánh và vài thị trấn ven biển thưa thớt, lại là nơi tư tưởng phản đối nhập cư và tăng trưởng dân số lên ngôi.

Nhiều người dân ở khu vực này củng cố lập luận của mình bằng cách đặt câu hỏi liệu Australia có đủ nước để phục vụ một dân số lớn hơn hay không, một yếu tố đã khá cũ thường xuất hiện trong các cuộc tranh luận về nhập cư từ những năm 1980, trước khi các cây trồng khử muối trong nước trở nên phổ biến.

Nhưng cũng có những người như ông Stephen Ryan, 69 tuổi, một nhân viên trạm xăng đã về hưu, khi được hỏi về vấn đề này, chẳng ngại ngần gì khi nói nước Úc sẽ tốt đẹp hơn khi người nhập cư hầu hết đến từ Anh.

“Những người Ảrập, họ chẳng muốn làm gì hết”, ông Ryan nói. “Họ chỉ muốn ăn tiền trợ cấp thôi. Tôi thấy vậy đấy”.

Với nhiều người nhập cư ở Australia, những thái độ như của ông Ryan vẫn đang định hình những tranh luận xung quanh vấn đề tăng trưởng dân số, ở một đất nước nơi người nhập cư da màu bị cấm hoàn toàn cho đến năm 1971 – trong một chính sách thường được gọi là “nước Úc da trắng”.

{keywords}
Một phụ nữ cầu nguyện ở một nhà thờ Hồi giáo ở Adelaide, Australia. Ảnh: New York Times

Sự nổi dậy của những chính trị gia cánh hữu như nghị sĩ Fraser Anning, người đã đổ tội cho người nhập cư Hồi giáo trong vụ tấn công ở New Zealand, hay Pauline Hanson, người từng đội khăn trùm đầu burqa đến Quốc hội để phản đối Hồi Giáo, đã đưa phân biệt chủng tộc thành một vấn đề tranh luận chủ đạo trên cả nước.

Tốt đẹp hơn cho ai?

Về cơ bản, ở Australia hiện tại có hai tầm nhìn đối lập đang tranh giành lá phiếu của người dân: tầm nhìn về một Australia nuối tiếc muốn quay về quá khứ, và một Australia đang cố tìm ra bước tiếp theo trong quá trình hội nhập để có một quốc gia toàn cầu hóa hơn.

Đứng lên chống lại các tư tưởng bảo thủ là các ứng cử viên chính trị trẻ tuổi. Kadira Pethiyagoda, 39 tuổi, một người nhập cư đến từ Sri Laka và từng làm việc ở Bộ Ngoại giao, là một ứng cử viên sáng giá đang chạy đua cho Đảng Lao Động ở Melbourne.

“Các hỗ trợ đang bị cắt giảm, mức lương chưa tăng, chi phí sinh hoạt thì ngày càng tăng lên. Người dân đang bị bóp nghẹt”, anh Pethiyagoda cho biết. “Các chính trị gia khi nói về những vấn đề này thì luôn cố giả vờ rằng nguyên nhân duy nhất là do nhập cư”.

{keywords}
Anh Kadira Pethiyagoda, một người nhập cư tham gia tranh cử Đảng Lao Động. Ảnh: New York Times

Những ứng cử viên như Kadira Pethiyagoda mong muốn sẽ đại diện cho các cộng đồng dân nhập cư, tìm hiểu về tiềm năng và nhu cầu của họ để tìm ra giải pháp xây dựng nên các thành phố dễ sống hơn cho tất cả người dân, bao gồm cả những người mới nhập cư, trong một đất nước mà tư tưởng phân biệt chủng tộc gốc rễ đang bị che đậy bởi tuyên bố “mong muốn giúp người dân có một cuộc sống tốt đẹp hơn.”

Linh Nguyễn