James Cook là một trong những nhà hàng hải vĩ đại nhất trong lịch sử với thành tích 2 lần đi vòng quanh thế giới và 3 lần thám hiểm vùng biển Thái Bình Dương. Ông là người đầu tiên vẽ chính xác hải đồ của nhiều vùng đất, ghi lại nhiều hòn đảo và các tuyến đường biển trên bản đồ châu Âu. Ba hải trình của ông tới New Zealand, Tahiti và Hawaii đã giúp Anh mở rộng đế chế khắp toàn cầu.

{keywords}
 

Theo các tài liệu, James Cook sinh năm 1728 ở Marton-in-Cleveland, Yorkshire, Anh. Từ thuở niên thiếu, ông đã phục vụ trong các đội thương thuyền của Anh và đến năm 1755 thì chính thức gia nhập lực lượng Hải quân hoàng gia.

Trong thời gian tham gia cuộc Chiến tranh bảy năm (1756 - 1763) giữa liên quân Anh - Phổ với liên minh Pháp, Áo, Nga, Thụy Điển, ông Cook đã chứng tỏ được khả năng hàng hải xuất sắc khi nghiên cứu và vẽ bản đồ nhiều tuyến đường biển, góp phần giúp quân Anh giành thắng lợi trong nhiều cuộc đột kích và vây hãm. Nhờ thành tích đó, ông nhanh chóng được thăng cấp.

{keywords}
James Cook. Ảnh: Wikimedia

Năm 1768, ông Cook được bổ nhiệm làm trung úy chỉ huy tàu HMS Endeavour, dẫn đầu cuộc thám hiểm đưa các nhà khoa học đến Tahiti để tìm hiểu về quỹ đạo của sao Kim. Ông cũng nhận mật chỉ của triều đình Anh là tìm kiếm những lục địa, vùng đất chưa từng được biết đến và sau khi tìm thấy chúng thì tuyên bố là đất đai của đế quốc Anh.

Mất 127 ngày vượt biển, tàu Endeavour đã tới đảo Tahiti, ghi dấu lần đầu tiên có một con tàu đi thẳng tới mục tiêu trên Thái Bình Dương. Dưới sự dẫn dắt của thuyền trưởng Cook, đoàn thám hiểm sau đó tiếp tục giương buồm ra khơi tìm những vùng đất mới.

{keywords}
Một bức vẽ mô phỏng đoàn thám hiểm do thuyền trưởng Cook dẫn đầu, cắm cờ đánh dấu chủ quyền của Anh ở vùng đất nay là New South Wales, Australia. Ảnh: History.com

Sau khi khám phá ra bờ biển New Zealand và Australia, rồi đi vòng quanh thế giới, tàu thám hiểm của ông Cook trở về Anh vào tháng 7/1771, mang theo nhiều tài liệu khoa học quý giá, từ nhật trình, các hình vẽ, biểu đồ tới các ghi chú chi tiết về những nơi mới phát hiện.

Từ năm 1772, nhà thám hiểm huyền thoại người Anh lại lên đường thực thi một sứ mệnh quan trọng tới Nam Thái Bình Dương. Trong 3 năm tiếp theo, ông đã chỉ huy sứ mệnh khám phá khu vực Nam Cực, vẽ lại bản đồ New Hebrides và tìm ra New Caledonia.

{keywords}
 

Năm 1776, ông Cook bắt đầu một cuộc khám phá mới, trên cương vị chỉ huy hai con tàu HMS Resolution và HMS Discovery. Mục tiêu lần này của nhà hàng hải kỳ cựu là tìm ra hành lang tây bắc, một tuyến đường biển đi qua Bắc Mỹ kết nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương đã được đồn đoán rất nhiều trước đây.

Chuyến đi đã đưa ông Cook quay trở lại Australia, New Zealand và Tahiti trước khi tiếp cận bờ biển phía tây Bắc Mỹ.

{keywords}
 

Ngày 18/1/1778, ông đã trở thành người châu Âu đầu tiên phát hiện ra quần đảo Hawaii xinh đẹp, nằm chơ vơ giữa Thái Bình Dương khi đi qua đảo Oahu. Hai ngày sau, ông cùng đoàn thám hiểm đặt chân lên vùng đất Waimea trên đảo Kauai và đặt tên cho quần đảo là "quần đảo Sandwich" nhằm để vinh danh một trong những người bảo trợ cho mình, Bá tước xứ Sandwich John Montague.

Ông Cook và thủy thủ đoàn đã được những người Hawaii chào đón nồng nhiệt, do họ cảm thấy thích thú trước vẻ mới lạ của những con tàu châu Âu cũng như cách đoàn thám hiểm sử dụng sắt. Ông Cook đã đổi kim loại cho dân bản địa để lấy nhu yếu phẩm nuôi đoàn tàu và dùng các móng sắt để mua chuộc phụ nữ địa phương thỏa mãn nhu cầu tình dục của cánh thủy thủ.

{keywords}
 

Tàu Resolution và tàu Discovery sau đó dừng chân ở Ni’ihau một thời gian ngắn, trước khi di chuyển theo hướng bắc nhằm tìm điểm cực tây của hành lang tây bắc. Gần một năm sau, đoàn tàu của ông Cook mới trở lại quần đảo Hawaii và tìm thấy một bến đỗ an toàn ở Vịnh Kealakekua.

Nhiều học giả nghi ngờ, dân Hawaii coi chuyến viếng thăm đầu tiên của người châu Âu đến quần đảo của họ có ý nghĩa tôn giáo lớn lao. Điều này đã được làm rõ trong chuyến thăm thứ hai của đoàn thám hiểm do ông Cook dẫn đầu.

{keywords}
Một bức tranh mô phỏng cảnh người Hawaii nồng nhiệt chào đón đoàn thuyền trưởng Cook và thủy thủ đoàn. Ảnh: Life

Vịnh Kealakekua được coi là cảng linh thiêng của của Lono, thần sinh sản của người Hawaii. Vào thời điểm ông Cook và thủy thủ đoàn tới đây, cư dân địa phương đang tổ chức lễ hội tế thần Lono. Vì vậy, họ long trọng tiếp đón đoàn thám hiểm châu Âu như những vị thần.

Tháng tiếp theo, ông Cook và các bạn đồng hành sống trong sự tôn thờ của người dân bản địa. Tuy nhiên, khi một thành viên trong đoàn thám hiểm qua đời, để lộ việc người châu Âu cũng chỉ là những con người bình thường, mối quan hệ đôi bên trở nên căng thẳng.

Ngày 4/2/1779, đoàn tàu của ông Cook rời Vịnh Kealakekua. Song, biển động đã làm hư hỏng cột buồm chính của tàu Resolution, buộc các nhà thám hiểm phải quay trở lại Hawaii sau một tuần lênh đênh trên biển. Lần này, thay vì tỏ ra thân thiện, người Hawaii đã ném đá vào các vị khách không mời mà đến. Họ sau đó cũng lấy trộm một chiếc thuyền nhỏ từ tàu Discovery.

Trích đoạn một bộ phim truyền hình năm 1988 tái dựng cảnh thuyền trưởng Cook và các thủy thủ bị người Hawaii tấn công và giết hại.

Các cuộc đàm phán giữa phái đoàn của ông Cook với Vua Kalaniopuu nhằm lấy lại chiếc thuyền đã đổ vỡ sau khi một tù trưởng địa phương bị nhóm ông bắt làm con tin, chết vì trúng đạn. Một nhóm người Hawaii bắt đầu tấn công phái đoàn của ông Cook. Vị thuyền trưởng lừng danh cùng các thủy thủ đã bắn trả đám đông giận dữ. Song, do bị áp đảo về lực lượng, chỉ một vài thành viên trong thủy thủ đoàn có thể chạy thoát thân về tàu Resolution.

Ngày 14/2/1779, ông Cook bị dân Hawaii giết hại. Vài ngày sau, người Anh trả đũa bằng cách điều tàu chiến nã đại bác và súng hỏa mai lên bờ biển, giết chết khoảng 30 người Hawaii. Cuối cùng, hai tàu Resolution và Discovery cũng được đưa trở về nước Anh.

Tuấn Anh