Ngày 27/12/2007, Benazir Bhutto, người từng 2 lần giữ chức Thủ tướng Pakistan và cũng là nữ lãnh đạo dân cử đầu tiên tại một quốc gia Hồi giáo, đã bị ám sát tại một buổi mít tinh ở Rawalpindi, miền bắc Pakistan. Vụ án này cho tới nay vẫn chưa có được lời giải đáp thỏa đáng về thủ phạm.

TQ lớn tiếng công kích Canada, Mỹ vì vụ bắt "công chúa" Huawei

Nạn nhân sóng thần Indonesia oằn mình chống chọi đe dọa mới

{keywords}
Benazir Bhutto thời trẻ. Ảnh: Life

Sinh ra trong một gia đình địa chủ giàu có ở Karachi vào năm 1953, bà Bhutto được nuôi dưỡng và trưởng thành trong thế giới của tầng lớp tinh hoa chính trị Pakistan. Bà từng đi du học và tốt nghiệp tại hai ngôi trường danh tiếng là Đại học Harvard (Mỹ) và Đại học Oxford (Anh).

{keywords}
Benazir Bhutto (bìa phải) và cha - Tổng thống Pakistan Zulfikar Ali Bhutto (bìa trái) trong cuộc gặp Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandi ở Shimla năm 1972. Ảnh: AP

Năm 1967, Zulfikar Ali Bhutto, cha của bà Bhutto đứng ra thành lập đảng dân túy có tên gọi là Đảng Nhân dân Pakistan (PPP). Ông Bhutto sau đó giữ chức tổng thống, rồi thủ tướng Pakistan trong giai đoạn 1971 - 1977, cho đến khi bị lật đổ trong một cuộc đảo chính quân sự không đổ máu của Tướng Mohammad Zia ul- Haq. Ông Bhutto cũng bị truy tố tội giết hại các đối thủ chính trị.

Chứng kiến những bước thăng, trầm của cha cũng như việc ông bị xử tử vào tháng 4/1979 đã thôi thúc cô gái trẻ Bhutto dấn thân vào con đường hoạt động chính trị. Bhutto và mẹ - bà Nusrat, Chủ tịch đảng PPP (bà Nusrat lãnh đạo đảng này cho tới khi con gái lên thay vào năm 1982), đã phải vào tù, ra tội suốt nhiều năm vì phản đối vụ bắt giữ ông Bhutto cũng như vận động chống lại Tướng Zia.

{keywords}
Bà Bhutto (phải) đứng cạnh Tổng thống Ghulam Ishaq Khan trong lễ tuyên thệ nhậm chức thủ tướng Pakistan đầu tiên của bà vào tháng 12/1988. Ảnh: NDTV

Tháng 8/1988, Tướng Zia thiệt mạng trong một tai nạn máy bay. Ba tháng sau đó, bà Bhutto chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử và đứng ra thành lập chính phủ mới. Bà là người phụ nữ đầu tiên, đồng thời cũng là chính khách trẻ nhất (35 tuổi) từng nắm quyền lãnh đạo một nhà nước Hồi giáo thời hiện đại. Đối với những người ủng hộ, bà Bhutto là hy vọng lớn nhất về một nhà lãnh đạo dân chủ và bình đẳng tại quốc gia bị chia rẽ sâu sắc vì nạn tham nhũng chính trị và Hồi giáo cực đoan.

Tuy nhiên, bà Bhutto bị Tổng thống Ghulam Ishaq Khan bãi nhiệm lần đầu tiên vào năm 1990, khi chưa hết một nửa nhiệm kỳ thủ tướng. Bà đã tái đắc cử năm 1993 và nắm quyền lãnh đạo chính phủ cho tới khi bị người kế nhiệm ông Khan - Tổng thống Farooq Leghari cách chức vào năm 1996. Cả hai lần, bà Bhutto đều mất ghế vì các cáo buộc tham nhũng và không đủ năng lực quản trị.

Sau lần bãi nhiệm thứ hai, bà và chồng - ông Asif Ali Zardari còn bị buộc tội có các hành vi sai trái về tài chính, bao gồm cả việc nhận hối lộ hàng triệu USD và rửa tiền thông qua các ngân hàng Thụy Sĩ. Ông Zardari lĩnh án 8 năm tù giam trong khi bà Bhutto phải sống lưu vong ở London và Dubai cùng 3 người con. Năm 2007, dưới sức ép của những người ủng hộ bà Bhutto trong chính phủ Mỹ, Tổng thống Pakistan khi đó, Pervez Musharraf, đã ân xá cho cựu nữ thủ tướng và nhiều chính trị gia Pakistan khác.

Ngày 18/10 cùng năm, bất chấp vô số đe dọa ám sát từ các phần tử Hồi giáo cực đoan cùng cảnh báo "không chịu trách nhiệm về các rủi ro an ninh xảy đến" của ông Musharraf, bà Bhutto quyết định hồi hương để tham gia tổng tuyển cử vào tháng 1/2008.

{keywords}
Bà Bhutto tại buổi mít tinh vận động tranh cử ở Rawalpindi vào ngày định mệnh 27/12/2007. Ảnh: BBC

Ngày 27/12/2007, khi bà Bhutto vừa hoàn thành bài phát biểu vận động tranh cử ở Rawalpindi, vẫy tay chào đám đông và lên xe chuẩn bị rời đi, một thiếu niên 15 tuổi có tên Bilal đã áp sát đoàn xe, nã súng về phía cựu nữ thủ tướng và kích nổ bom liều chết, khiến hơn 20 người thiệt mạng tại chỗ (bao gồm cả hung thủ) và hơn 100 người khác bị thương, kể cả bà Bhutto.

{keywords}
Hình ảnh cuối cùng chụp bà Bhutto vài giây trước khi bà bị ám sát. Ảnh: NPR

Tuy nhiên, đến đêm cùng ngày, nhà chức trách tuyên bố cựu thủ tướng đã không qua khỏi. Ngày hôm sau, bà được an táng tại quê nhà Gardi Khuda Bakhsh, bên cạnh mộ cha mình.

Vào thời điểm đó, nguyên nhân chính xác gây ra cái chết cho bà Bhutto vẫn chưa rõ ràng. Một cuộc điều tra của cảnh sát Anh kết luận, bà Bhutto chết vì chấn thương vùng đầu do sức ép từ vụ nổ gây ra, trong khi Đảng PPP tin, bà chết vì những vết thương do súng bắn.

{keywords}
Những người ủng hộ thương tiếc trước sự ra đi đột ngột của cựu nữ Thủ tướng. Ảnh:India Express

Cái chết của bà Bhutto đã gây rúng động dư luận cả trong và ngoài Pakistan, dẫn tới nhiều cuộc biểu tình bạo lực lan rộng trên khắp đất nước này. Bất ổn chính trị đã khiến cả thế giới lo sợ về những nguy cơ có thể xảy ra ở Pakistan, một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân và bị lôi kéo vào cuộc chiến chống lại những phần tử Hồi giáo cực đoan.

Ngay sau sự cố, 5 nghi can bị bắt giữ đều thú nhận đã hỗ trợ tên Bilath thực hiện vụ ám sát theo lệnh của nhóm khủng bố Taliban tại Pakistan (TPP). Cục Tình báo Trung ương Mỹ và các quan chức Pakistan cũng quả quyết, Baitullah Mehsud, thủ lĩnh TPP có liên hệ với mạng lưới khủng bố Al-Qaeda, là kẻ chủ mưu. Song, Mehsud phủ nhận cáo buộc này. Tháng 8/2009, hắn bị giết chết trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ.

{keywords}
5 nghi can bị bắt sau vụ ám sát bà Bhutto. Ảnh: BBC

Theo yêu cầu của Đảng PPP, Liên Hợp Quốc đã cử 3 điều tra viên đến tìm hiểu vụ việc. Trong báo cáo dài 70 trang công bố năm 2010, nhóm điều tra của LHQ viết, với vai trò là tổng thống Pakistan, ông Musharraf phải chịu trách nhiệm vì đã không đảm bảo an ninh cần thiết cho đối thủ chính trị.

Họ cũng nêu ra rất nhiều sai sót của cảnh sát địa phương trong quá trình điều tra vụ án. Ví dụ, chưa đầy 2 tiếng đồng hồ sau sự cố, viên cảnh sát dày dạn kinh nghiệm Khurram Shahzad, một trong hai sĩ quan an ninh cấp cao phải hầu tòa, đã dùng nước rửa sạch hiện trường. Saud Aziz, cảnh sát trưởng Rawalpindi cũng có sai phạm khi nhiều lần từ chối cho phép khám nghiệm tử thi bà Bhutto, gây cản trở tiến trình điều tra.

Năm 2013, Tòa án chống khủng bố ở Rawalpindi chính thức buộc tội ông Musharraf có liên quan đến vụ án. Đến tháng 8/2017, tòa rốt cuộc cũng kết thúc quá trình xét xử kéo dài tới gần 10 năm, nhưng phán quyết cuối cùng lại tạo ra những tranh cãi mới.

{keywords}
Ngày này năm xưa: Bí ẩn vụ ám sát nữ lãnh đạo Hồi giáo đầu tiên

5 nghi can là phiến quân Taliban đều được tuyên trắng án, nhưng vẫn bị nhà chức trách Pakistan giam giữ trong khi chờ giải quyết mọi khiếu nại. Cựu Tổng thống Musharraf cũng thoát án vì ông đã trốn khỏi Pakistan vào năm 2016 và sống lưu vong ở Dubai kể từ đó. Mọi tài sản của ông Musharraf ở Pakistan đều bị tịch thu.

Trong khi đó, hai bị cáo còn lại, Shahzad và Aziz, bị kết án 17 năm tù giam vì tội thiếu trách nhiệm khiến tội ác có điều kiện xảy ra.

Tuy nhiên, đối với đông đảo công chúng, phiên tòa khép lại mà không giải đáp được cá nhân hay tổ chức nào thực sự đứng sau vụ ám sát. “10 năm sau, chúng tôi vẫn chờ công lý, chờ những kẻ tiếp tay bị trừng phạt. Song, kẻ thật sự phạm tội giết mẹ tôi vẫn được tự do”, Aseefa, một trong những con gái của bà Bhutto cay đắng viết trên Twitter sau khi tòa tuyên án.

Tuấn Anh

Ngày này năm xưa: Chấn động vụ không tặc trước Giáng sinh

Ngày này năm xưa: Chấn động vụ không tặc trước Giáng sinh

Cách đây đúng 24 năm, bốn tay súng Hồi giáo cực đoan đã tiến hành vụ cướp máy bay chở khách Pháp táo tợn ở thủ đô Algeria trước đêm Giáng sinh.

Ngày này năm xưa: Thảm kịch đường thủy kinh hoàng nhất lịch sử

Ngày này năm xưa: Thảm kịch đường thủy kinh hoàng nhất lịch sử

Ngày 20/12/1987, một phà chở khách quá tải đâm một tàu chở dầu ngoài khơi Manila, Philippines, gây tai nạn đường thủy kinh hoàng nhất lịch sử thế giới.

Ngày này năm xưa: Bắt cóc con tin chấn động thế giới

Ngày này năm xưa: Bắt cóc con tin chấn động thế giới

Ngày 17/12/1996, 14 thành viên thuộc một tổ chức nổi dậy vũ trang ở Peru đã đột kích tư dinh của Đại sứ Nhật và bắt giữ 490 quan khách đang dự tiệc làm con tin.