Chú thích ảnh

Kobelkoff viết bằng cùi tay và má. Ảnh: RBTH

Theo trang RBTH (Nga), Nikolai Kobelkoff sinh năm 1851, không có cả tay lẫn chân, rất có thể là do hội chứng vòng thắt, một rối loạn bẩm sinh không rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, cậu con trai thứ 14 trong gia đình giàu có của thị trưởng Voznesensk, thành phố ở vùng núi Ural, Nga, đã thể hiện một sức sống mãnh liệt. Mặc dù chỉ có thể sử dụng một mẩu xương ở vị trí của cánh tay phải, Nikolai Kobelkoff đã sớm học được cách tự ăn uống và mặc quần áo.

Vào những năm 1880, nhà sản xuất tay chân giả James Gillingham gặp Nikolai ở châu Âu và đã ghi lại nhiều mô tả về ông. Gillingham lưu ý rằng Nikolai có “những vết rạn ở chân - một bên đùi dài 13cm, đùi kia dài 5cm, còn cánh tay phải chỉ là một cái chồi hình nón và cánh tay trái là một cục xương tròn”.

Bất chấp ngoại hình “dị nhân” của mình, Nikolai là một người tháo vát từ khi còn nhỏ. Cậu bé Nikolai học viết bằng cách kẹp bút giữa “chồi tay” và đầu. Ở tuổi 18, Nikolai đã có thể xin đi làm với vai trò thư ký. “Anh ấy ngồi bên bàn, kẹp cây bút giữa má và mẩu tay, rồi viết những dòng chữ rất đẹp và rõ ràng. Nhờ sự phối hợp tương tự giữa má và vai, anh có thể làm được hầu hết những việc khác, kể cả việc khó khăn nhất là tự nuôi sống mình trong cả cuộc đời”, ông Gillingham viết về Nikolai Kobelkoff. 

Chú thích ảnh
 

Nếu không nhờ thái độ và quan điểm cực kỳ tích cực về cuộc sống, Nikolai khó có thể tạo dựng một sự nghiệp đáng kinh ngạc như ông đã đạt được. Tuy không có chân tay, Nikolai được ban cho một cơ thể khỏe mạnh, cho phép ông tự đứng dậy khi ngã lăn ra đất mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào, ông cũng có thể tự đi lại trên mẩu chân của mình, thậm chí còn nâng được tạ! Đặc biệt, phong thái vui vẻ và lối cư xử quý tộc hoàn hảo cũng là những đặc điểm khiến Nikolai trở nên hấp dẫn, bất chấp hình hài khuyết tật của mình.

Năm 1870, một sự kiện dấu mốc với cuộc đời Nikolai Kobelkoff đã xảy ra. Một doanh nhân mời ông tham gia chuyến đi tới St. Petersburg. Tại đây, Nikolai đã thực hiện màn trình diễn chỉ bằng những hành động đơn giản nhưng lại rất thu hút công chúng. Ông xâu kim bằng miệng rồi khâu lên áo khoác. Nikolai còn nạp đạn một khẩu súng lục, nhắm nó vào một ngọn nến đang thắp và bắn tắt ngọn lửa. Kể từ đó, cuộc đời ông gắn với các chuyến lưu diễn ở nhiều nước trên thế giới.

Trong một chuyến lưu diễn ở Vienna (Áo), Nikolai đã gặp Anna Wilfert, người họ hàng của một chủ cửa hiệu trong Công viên Prater ở Vienna nơi ông biểu diễn. Hai người nên duyên vợ chồng vào năm 1876. Từ đó Anna trở thành nữ trợ lý trong các buổi biểu diễn của chồng.

Chú thích ảnh

"Dị nhân" và vợ. Ảnh: RBTH

Vào thập niên 1880, Nilolai Kobelkoff trở nên nổi tiếng khắp thế giới với chương trình “Rumpfmensch” – một màn biểu diễn ngoạn mục nơi “dị nhân” tìm cách thoát khỏi chuồng sư tử. Ông lưu diễn khắp châu Âu và từ năm 1882 bắt đầu tới Mỹ.

Chú thích ảnh

Kobelkoff biểu diễn tại rạp giải trí của mình ở Vienna. Ảnh: RBTH

Trong các chuyến đi, Nikolai không để một chút thời gian nào trôi đi lãng phí. Ông học thêm tiếng Ý, Anh, tiếng Hungary, Séc, mặc dù đã thành thạo tiếng Pháp và Đức. Nikolai từng có vinh dự nhiều lần biểu diễn tại các hoàng gia châu Âu, trong đó có diễn phục vụ Sa hoàng Alexander III, Hoàng đế Phổ Kaiser Wilhelm II, Nữ hoàng Hà Lan Wilhelmina và Thái tử Áo Rudolf.

Tới năm 1901, Nikolai Kobelkoff tiết kiệm đủ tiền để mua một mảnh đất trong Công viên Prater tại Vienna. Ông cho xây dựng một trung tâm biểu diễn mái vòm và kiếm thêm nhiều tiền tại đây, nhưng vẫn tiếp tục đi diễn ở nhiều nơi.

Năm 1912, bà Anna qua đời vì đột quỵ, kể từ đó Nikolai ngừng lưu diễn. “Dị nhân” sống những năm tháng còn lại cùng với các con cháu và tiếp tục điều hành trung tâm giải trí của mình. Thu nhập từ trung tâm giải trí trong Công viên Prater còn hỗ trợ con cháu của ông đến tận những năm 1970. Nikolai Kobelkoff qua đời năm 1933 ở tuổi 81.

Theo baotintuc.vn