Mực nước biển tăng cao do lượng carbon phát thải không kiểm soát được có thể sẽ đẩy hơn 100 triệu người vào cảnh đói nghèo cùng cực và nhận chìm một nửa tỷ căn nhà.

TIN BÀI KHÁC:


Đó là kết luận mà các chuyên gia đưa ra trong hai báo cáo, được hãng tin CNN đăng tải.

Các nghiên cứu này được công bố trước thềm hội nghị toàn cầu hàng năm lần thứ 21 về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, gọi tắt là COP21, diễn ra ở Le Bourget, Pháp, từ ngày 20/11 đến 11/12/2015.

{keywords}
Viễn cảnh Hongkong ngập nước nếu nhiệt độ tăng 4 độ C. (Ảnh: CNN)

Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 8/11 nêu rõ, biến đổi khí hậu là một mối đe dọa ngày càng nghiêm trọng và cấp bách đối với người nghèo. Các chính sách ổn định khí hậu cần phải được thực hiện kết hợp với các nỗ lực xóa đói giảm nghèo.

Nghiên cứu kể trên chỉ ra rằng, nhiệt độ toàn cầu tăng cao có nguy cơ đẩy hơn 100 triệu người vào cảnh nghèo cùng cực trong vòng 15 năm tới, đặc biệt ở vùng tiểu hoang mạc Sahara châu Phi và Nam Phi.

"Các cú sốc" liên quan đến biến đổi khí hậu đang cản trở nỗ lực giảm đói nghèo, đặc biệt là gây thất thu mùa màng, tăng giá thực phẩm và ảnh hưởng đến nông nghiệp, vốn là nguồn thu chính của các hộ nghèo. Biến đổi khí hậu cũng làm tăng nguy cơ mắc các căn bệnh nhiễm trùng, làm lây lan sốt rét. Một mức tăng 2-3 độ C nhiều khả năng đẩy thêm 150 triệu người nữa vào nguy cơ bị sốt rét.

"Báo cáo cho thấy chấm dứt đói nghèo và chiến đấu chống biến đổi khí hậu không thể thực hiện tách biệt - mà hai mục tiêu này sẽ dễ dàng đạt được nếu giải quyết cùng nhau", CNN dẫn lời Stephane Hallegatte, một chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới dẫn đầu nhóm nghiên cứu.

Không chỉ hạn chế lượng khí thải phát ra, các nước có thể sẵn sàng chuẩn bị bằng cách phát triển các hệ thống cảnh báo sớm nhằm bảo vệ lương thực và canh tác những giống cây trồng chịu được nóng.

Một báo cáo khác của Climate Central công bố cùng ngày kết luận, nước biển tăng cao từ mức tăng 4 độ C, gây ra bởi lượng khí carbon phát thải, có thể nhấn chìm một diện tích đất đang là nơi cư trú của 760 triệu người. Nếu nhiệt tăng 2 độ C thì con số trên sẽ giảm xuống còn 130 triệu người.

Top 10 thành phố có dân số bị đe dọa lớn nhất đều nằm ở châu Á, trong đó có Thượng Hải, Hong Kong, Calcutta, Mumbai, Dhaka, Jakarta và Hà Nội.

Trung Quốc, nước phát thải lượng khí carbon nhiều nhất thế giới, đang đối mặt với nguy cơ cao nhất ở ven biển, với 145 triệu người đang sống ở đất liền có thể phải chịu cảnh ngập lụt. Hạn chế biến đổi khí hậu ở mức tăng nhiệt 2 độ C có thể giảm số dân thuộc diện này xuống còn 64 triệu.

Mỹ và Ấn Độ - hai nước phát thải khí thứ 2 và thứ 3 trên thế giới - sẽ giảm được nguy cơ đất ngập nước xuống một nửa nếu như đạt được mục tiêu 2 độ C.

Thanh Hảo