Căng thẳng tại Libya, quốc gia bị chiến tranh tàn phá, đã leo thang kể từ 4/4 sau khi quân đội quốc gia Libya (LNA) do ông Khalifa Haftar lãnh đạo bắt đầu tấn công nhằm chiếm Tripoli từ tay chính phủ được Liên Hợp Quốc công nhận.

Trên đường tiến về thủ đô Tripoli, LNA đã chiếm một số khu vực, cùng lúc, Thủ tướng nước này ra lệnh cho quân đội sử dụng vũ lực nếu cần thiết.

{keywords}
Các thành viên LNA

Ngày 7/4, LNA bắt đầu đánh bom Tripoli, một nguồn tin quân sự cấp cao Libya nói với Sputnik.

Kể từ sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ, Libya bị chia rẽ mạnh. Ông Haftar liên minh với chính quyền đóng ở phía đông, đối đầu với chính phủ được Liên Hợp Quốc đóng ở thủ đô Tripoli. 

Ngoài hai chính quyền đối lập này, nhiều lực lượng dân sự Hồi giáo khác cũng có ảnh hưởng đáng kể và đang kiểm soát nhiều khu vực ở quốc gia Bắc Phi này.

Theo AP, hôm 7/4, Mỹ đã tạm thời rút một số quân khỏi Libya do "tình hình an ninh bất ổn", một quan chức cấp cao của nước này cho hay. Trong vài năm gần đây, một lượng nhỏ binh sĩ Mỹ luôn có mặt tại Libya để giúp lực lượng địa phương chiến đấu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và quân khủng bố Al Qaeda, bảo vệ các cơ quan ngoại giao.

{keywords}
 Mỹ rút bớt quân khỏi Libya

"Thực trạng an ninh tại Libya đang ngày càng phức tạp và khó đoán", tướng Thomas Waldhauser, đứng đầu Bộ chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Phi cho biết. "Dù có điều chỉnh quân, lực lượng của chúng tôi vẫn khá mỏng để có thể hỗ trợ các chiến lược hiện thời của Mỹ".

Vị tướng này không nêu cụ thể số lượng quân Mỹ rút khỏi hay số lượng binh sĩ của nước này còn hiện diện tại Libya. Các đoạn phim lưu truyền trên mạng cho thấy, hai tàu vận tải của hải quân Mỹ rời một bãi biển ở Janzour, đông Tripoli.

Ấn Độ cũng sơ tán một đơn vị lực lượng gìn giữ hòa bình khỏi Libya. Ngoại trưởng Ấn Độ Sushma Swaraj nói, lực lượng gìn giữ hòa bình của nước này đã được đưa khỏi Tripoli từ cuối tuần vì "tình hình tại Libya bất ngờ xấu đi nhanh chóng" và giao tranh đã nổ ra tại thủ đô.

Theo các nhà phân tích, cuộc tấn công bất ngờ của LNA nhằm vào thủ đô Tripoli có thể kéo nước này trở lại nội chiến. Fayez Sarraj, người đứng đầu chính phủ ở Tripoli, buộc tội ông Haftar đã "phản bội mình".

Ông Sarraj và ông Haftar đã hội đàm tại Abu Dhabi (Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất) hồi cuối tháng 2. Đây là cuộc gặp đầu tiên được xác nhận của hai ông này kể từ 11/2018. Theo Liên Hợp Quốc, tại Abu Dhabi, ông Sarraj và ông Haftar nhất trí, bầu cử quốc gia là cần thiết.

Hiện, lãnh đạo LNA Haftar đang tìm cách chiếm thủ đô, nắm quyền kiểm soát quân đội trên toàn quốc trước khi các cuộc hội đàm được Liên Hợp Quốc bảo trợ diễn ra vào tuần tới nhằm ấn định khung thời gian cho bầu cử tại quốc gia nhiều dầu mỏ này.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kêu gọi các phe phái ở Libya quay lại bàn đàm phán. Theo ông này, "không có giải pháp quân sự nào cho xung đột ở Libya. Chúng tôi tuyên bố rõ ràng rằng Mỹ phản đối cuộc tấn công của lực lượng do ông Haftar đứng đầu và kêu gọi dừng ngay lập tức các chiến dịch quân sự chống thủ đô Tripoli".

Hôm 7/4, giao tranh ác liệt diễn ra ở sân bay quốc tế nước này, cách trung tâm thủ đô Tripoli khoảng 24km sau khi ông Haftar tuyên bố đã kiểm soát khu vực này. Ông Haftar tuyên bố, LNA đã tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các lực lượng dân sự đối lập ở ngoại ô Tripoli.

Trong khi đó, các lực lượng dân sự đối lập, liên minh với chính phủ được Liên Hợp Quốc hậu thuẫn ở Tripoli cũng cho hay, đã tiến hành các chiến dịch từ trên không để làm chậm bước tiến của LNA.

Các nhóm có vũ trang hậu thuẫn cho chính phủ ở Tripoli (gọi tắt là GNA) cũng tuyên bố sẽ bảo vệ thủ đô, thề tái chiếm các khu vực do lực lượng của ông Haftar kiểm soát.

LNA hiện được Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất, Pháp và Nga ủng hộ.

Hoài Linh